Khi những sản phẩm do bàn tay con người tạo ra từ khuôn mẫu trong thời kinh tế phát triển đã trở thành nhàm chán, thì việc được sở hữu một tác phẩm do chính tự nhiên hình thành trở thành mốt trong giới “đại gia”. Sản phẩm gỗ tận thu
Trong khoảng gần một thập niên trở lại đây, những gốc cây có hình thù kỳ lạ, na ná giống một hình nhân hay loài vật nào đó, thuộc nhóm gỗ quý hiếm được đặc biệt quan tâm. Và cuộc săn lùng ráo riết bắt đầu bởi lợi nhuận khổng lồ.
Hiện tượng này đang trở thành vấn đề thời sự khi các đầu nậu tung tiền cho những tay thợ rừng lão luyện đã từng “gác kiếm”. Những khu rừng đã gần như bị tận diệt nay lại có dịp sôi động. Trước kia là san bằng, bây giờ thì lật tung bằng mọi phương tiện để săn “hàng độc”.
So với thực tế mà cơ quan chức năng bắt giữ được, rồi thanh lý thì lượng “chảy máu khô” này lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên việc kiểm tra nguồn gốc loại nguyên liệu này chỉ là hình thức, nếu không tại sao sản phẩm vẫn cứ xuất xưởng đều đều? Đó là câu hỏi bức xúc mà dư luận đặt ra đối với nhà quản lý.
Tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ, những cơ sở chế tác từ nhỏ lẻ đến quy mô mặt hàng này mọc lên nhan nhản. Mục kích một số cơ sở ở hai tỉnh Đăk Lăk và Khánh Hòa, chúng tôi bị nhìn với ánh mắt dò la. Tất nhiên là có vấn đề, bởi lẫn lộn trong những gốc cây khô không khó lắm để nhận vài gốc tươi vừa khô nhựa. Chúng tôi hỏi giá cả, người quản lý nhân công ở một cơ sở tại xã Cam Tân (Cam Lâm, Khánh Hòa), ông thủng thẳng: Từ vài ngàn đô trở lên, tùy theo hình dáng, kích thước và nhóm gỗ.
Việc thắt chặt khâu quản lý, tăng cường công tác kiểm soát theo một chế tài, có ban hành văn bản rõ ràng là việc cần làm ngay đối với những cơ sở kinh doanh mặt hàng này.