| Hotline: 0983.970.780

Cần ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép trên đất lâm nghiệp

Thứ Hai 02/08/2021 , 18:16 (GMT+7)

Các đối tượng lén lút mua sắm máy móc rồi dựng trại để khai thác vàng trên đất lâm nghiệp của người dân bất chấp sự truy quét của lực lượng chức năng.

Đất lâm nghiệp của người dân xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) bị 'vàng tặc' đào xới nham nhở. Ảnh: L.K.

Đất lâm nghiệp của người dân xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) bị "vàng tặc" đào xới nham nhở. Ảnh: L.K.

Thôn Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh) được xem là 1 trong những “thủ phủ vàng” của tỉnh Quảng Nam. Mỏ vàng Bồng Miêu tại đây trước kia do Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu khai thác. Tuy nhiên, qua một thời gian thì công ty này làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất nên phải ngừng hoạt động.

Nhiều năm qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã bỏ rất nhiều kinh phí để bảo vệ mỏ vàng, truy quét nạn vàng tặc hoạt động trái phép. Thế nhưng, tại khu vực Thác Trắng (thôn Bồng Miêu) tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Các đối tượng “vàng tặc” còn lấn chiếm cả đất lâm nghiệp của người dân địa phương để khai thác vàng.

Chứng kiến 1 “đại công trường” khai thác vàng với nhiều khu đất bị đào xới nham nhở, chắc chắn rằng tình trạng khai thác vàng trái phép này đã xảy ra một thời gian tương đối dài. Không những vậy, các đối tượng còn đưa cả xe cơ giới hạng nặng vào san ủi, lập lán trại ngang nhiên khai thác cả ngày lẫn đêm.

Lán trại được các đối tượng dựng lên để phục vụ cho việc khai thác vàng trái phép. Ảnh: L.K.

Lán trại được các đối tượng dựng lên để phục vụ cho việc khai thác vàng trái phép. Ảnh: L.K.

Băng qua những cánh rừng vào sâu bên trong vùng đất trồng keo của người dân địa phương, không khó để chứng kiến cảnh hàng chục lán trại dựng bằng bạt xanh với đủ loại dụng cụ, phương tiện, máy móc phục vụ đào đãi vàng nằm ngổn ngang khắp nơi. Thỉnh thoảng lại bắt gặp nhiều hầm hố, bể chứa quặng được các đối tượng “vàng tặc” đào lên phục vụ cho việc tách chiết quặng.

Một người dân (xin giấu tên) cho biết, khu vực khai thác vàng này vốn là đất trồng cây lâu năm của người dân. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều đối tượng vẫn bất chấp tất cả để đưa máy móc, phương tiện vào đây dựng lán trại rồi đào xới tan nát như thế.

“Ngoài việc lấn chiếm đất rừng thì quan trọng hơn nữa là quá trình khai thác vàng như thế này họ còn sử dụng các hóa chất độc hại để phục vụ cho công việc. Điều này sẽ gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường rồi nhiều hệ lụy khác như nguy cơ sạt lở đất, sập hầm vàng nguy hiểm đến tính mạng vào mùa mưa bão. Tuy người dân đã phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để”, người dân này nói.

Những hầm hố được đào bới để tách chiết quặng. Ảnh: L.K.

Những hầm hố được đào bới để tách chiết quặng. Ảnh: L.K.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh thừa nhận tình trạng khai thác vàng không phép tại khu vực Thác Trắng diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng dùng xe múc và xe cơ giới để khai thác vàng với quy mô lớn, ngay trên đất trồng cây lâm nghiệp của người dân và một số khu vực do xã quản lý, gây ô nhiễm.

“Vừa rồi lực lượng chức năng xã phối hợp với huyện đã tiến hành truy quét, đẩy đuổi nhiều đối tượng, thu hồi tiêu hủy nhiều máy móc, phá hủy nhiều lán trại. Tuy nhiên, với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, lực lượng lại mỏng nên mỗi lần truy quét gặp không ít khó khăn”, ông Vinh nói.

Máy móc, các phương tiện khai thác vàng mà các đối tượng để lại. Ảnh: L.K.

Máy móc, các phương tiện khai thác vàng mà các đối tượng để lại. Ảnh: L.K.

Trước nạn “vàng tặc” đang diễn ra nhức nhối tại khu vực Thác Trắng nói riêng và tại thôn Bồng Miêu nói chung, vừa qua, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Phòng Cảnh sát cơ động tiến hành kiểm tra, truy quét ở các khu vực Hố Lò 5, Hố Lò 10, Ngách Chụm, Thác Trắng, Đồi Sim, Suối Trang và Đập Thải (thuộc thôn Bồng Miêu).

Lực lượng chức năng đã phá hủy nhiều công cụ, phương tiện, lán trại phục vụ hoạt động khai thác vàng trái phép, gồm: 16 lán trại, 9 máy xay, 4 máy nổ bơm nước, 29 hồ ngâm ủ, 1.600m ống dây dẫn nước, 1.000m dây điện, 1.500 lít dầu, 35 bao phân vi sinh, 12 bao than hoạt tính và nhiều công cụ thô sơ khác. Đồng thời, cảnh sát cũng đẩy đuổi hơn 100 đối tượng ra khỏi khu vực khai thác trái phép.

Các đợt truy quét cũng khó có thể xử lý dứt điểm khi cứ sau một thời gian lực lượng chức năng rút khỏi, các đối tượng lại lì lợm quay trở lại. Do đó, trong thời gian tới, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam tiếp tục tổ chức các đợt truy quét tại các “điểm nóng” về khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh để tránh những sự cố đáng tiếc như sạt lở, sập hầm vàng nhất là thời điểm vào mùa mưa lũ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.