Những hạn chế còn tồn tại
Qua kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính của các đơn vị Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 2, Chi cục Thú y Vùng 4, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản Trung bộ và Trung tâm Chất lượng nông lâm sản và thủy sản Vùng 3, Đoàn kiểm tra của Bộ NN-PTNT nhận thấy, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng hiện còn 1 số đơn vị vẫn chưa thực hiện tốt công tác tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích.
Một số đơn vị có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến còn thấp, dưới 35%. Nhiều đơn vị chưa có hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ bưu chính công ích do công tác phổ biến, tuyên truyền đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thực hiện thủ tục hành chính về các hình thức trực tuyến, bưu chính công ích còn hạn chế.
Một hạn chế khác là hệ thống phần mềm giải quyết thủ tục hành chính tại cổng thông tin một cửa quốc gia vẫn còn một số bất cập, như: Tốc độ truy xuất dữ liệu còn chậm, thường bị lỗi, gián đoạn khi thực hiện; tổng dung lượng tối đa cho phép đính kèm tài liệu còn thấp, chưa đảm bảo cho doanh nghiệp tải hồ sơ để thực hiện thủ tục hành chính theo quy định.
Chưa có chức năng thu phí điện tử, kết quả chứng nhận điện tử khi in trên phần mềm không có dấu và chữ ký, dẫn đến tổ chức, cá nhân vẫn yêu cầu trả kết quả bằng giấy. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp giấy chứng thư được ký và đóng dấu bởi cơ quan thẩm định, vì vậy, việc cấp chứng thư vừa phải thực hiện trên môi trường điện tử, vừa phải cấp bản giấy.
Đáng quan ngại nhất là sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT với Tổng cục Hải quan trong việc giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia chưa được đồng bộ, kịp thời. Có những trường hợp hệ thống phần mềm bị lỗi, doanh nghiệp cần được hỗ trợ phải liên hệ qua tổng đài, email, trong khi cán bộ trực tổng đài không có chuyên môn nên mất nhiều thời gian trong việc hỗ trợ. Phần mềm còn tồn tại các lỗi phát sinh mà đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng phần mềm chưa xử lý triệt để.
Một bất cập khác là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính thường xuyên thay đổi, nhưng hệ thống phần mềm trên Cổng thông tin điện tử quốc gia không được cập nhật kịp thời, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Hình thức tuyên truyền việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử còn hạn chế; các thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ phát sinh nhiều, chưa được hướng dẫn qua bộ hồ sơ mẫu và video hướng dẫn công khai tại bộ phận một cửa dẫn đến khó khăn trong quá trình khai nộp hồ sơ phải làm đi làm lại nhiều lần.
Tiếng nói của các đơn vị
Trước áp lực của công việc, Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 2 và Chi cục Thú y Vùng 4 đề nghị tăng số lượng công chức để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Riêng Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 2 còn đề xuất giảm thủ tục kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu đối với sản phẩm thực vật dùng làm thực phẩm, mà chuyển sang hậu kiểm.
Bởi 90% lô hàng áp dụng phương thức kiểm tra thông thường, chỉ kiểm tra hồ sơ nên trước mắt, Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 2 đề nghị cơ quan hải quan áp dụng phương thức kiểm tra giảm theo quy định tại Điều 16 Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Đồng thời, đơn vị này đề xuất Bộ NN-PTNT có lộ trình xây dựng hệ thống phần mềm, số hóa việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu, tái xuất khẩu; các quốc gia nhập khẩu có thể xác thực giấy chứng nhận xuất khẩu, tái xuất khẩu của Việt Nam đã ban hành bằng QR code để giảm thời gian, chi phí, nhân lực và vật tư in.
Các đơn vị thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính còn khao khát phần mềm, đường truyền của Cổng dịch vụ công của Bộ NN-PTNT và Cổng thông tin một cửa quốc gia nhanh chóng được nâng cấp hoàn thiện để đảm bảo các tính năng kỹ thuật của các hệ thống giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; có cơ chế bảo trì, nâng cấp, hỗ trợ hệ thống phần mềm để đảm bảo các hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được an toàn, thông suốt.
Theo đánh giá của đoàn kiểm tra Bộ NN-PTNT, trong thời gian qua, một số đề xuất của các đơn vị đã được thực hiện như giảm thủ tục kiểm tra nguyên liệu chất lượng thức ăn chăn nuôi, chuyển sang kiểm tra sau thông quan, chú trọng kiểm soát chất lượng thành phẩm…
“Để công tác kiểm soát thủ tục hành chính ngày càng được thực hiện tốt hơn, chúng tôi đề nghị các đơn vị căn cứ nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch công tác thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính hàng năm để triển khai thực hiện. Bố trí nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bộ phận một cửa. Tăng cường năng lực cho công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho công chức tham gia tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm soát thủ tục hành chính”, đoàn kiểm tra của Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.