Năm 1982, gia đình bà có phục hóa một thửa đất tại đình Trại Cầu, trong đó có mua một phần rặng tre của ông Bình, thuộc đội 1 thôn Yên Thái, xã Đông Yên. Từ đó đến nay, gia đình bà đã canh tác ổn định.
Vợ chồng bà Cố đang chờ được hưởng quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật |
Tại bản đồ Vlap, đó là thửa đất số 9, tờ bản đồ số 50 bản đồ địa chính xã Đông Yên, mang tên ông Đỗ Danh Sơn, diện tích 264,5m2. Tại sổ mục kê đất đai tờ bản đồ số 50, cũng thể hiện đó là thửa đất số 9, mang tên ông Đỗ Danh Sơn, có diện tích 264,5m2, và có ghi chú thêm là loại đất “lâu năm khác”.
Việc vợ chồng bà Cố, ông Sơn canh tác trên thửa đất đó từ năm 1982 được một số người như các ông Kiều Văn Kế, cán bộ ruộng đất của HTXNN Yên Thái, ông Đỗ Danh Tơn, phó chủ nhiệm HTXNN Yên Thái thời kỳ đó, xác nhận...
Năm 2002, HTXNN Yên Thái giao thửa đất đó cho hai hộ dân để trồng măng Bát độ, có đền bù cho ông bà 350 ngàn đồng. Nhưng ông bà không đồng ý, đã trả lại tiền và tiếp tục sử dụng thửa đất đó đến nay.
Nhưng năm 2018, UBND xã Đông Yên đã thu hồi thửa đất đó của gia đình ông bà để làm sân bóng đá mà không thực hiện bất cứ một quy trình, chính sách nào: không có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền, không bồi thường. Chỉ có 1 bản thông báo yêu cầu gia đình bà thu dọn cây trồng, hoa màu trên đó, rồi ngay hôm sau cho người phá sạch cây.
Sau khi xã nhổ cây, bà đã cho xây cái móng tường xung quanh thửa đất, nhưng UBND xã đã cưỡng chế dỡ bỏ. Nay bà kiến nghị, UBND xã Đông Yên phải bồi thường cho bà theo đúng quy định và giá cả bồi thường của UBND TP Hà Nội, hoặc là phải đổi cho bà một diện tích tương đương ở một vị trí khác.
Làm việc với PV Báo NNVN vào chiều ngày 4/1/2019, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch phụ trách đất đai của UBND xã Đông Yên, xác nhận, kết quả xác minh hồ sơ cho thấy thửa đất vợ chồng bà Cố, ông Sơn có đơn, có tên trên bản đồ và sổ mục kê là thửa đất số 9, tờ bản đồ số 50. Nhưng ông Tuấn cho rằng đó là đất công do UBND xã Đông Yên quản lý.
Khi cơ quan chuyên môn lập bản đồ Vlap, không có cán bộ nào của UBND xã Đông Yên đi cùng, nên họ đã hỏi dân xung quanh, thấy nói ông Sơn đang sử dụng thửa đất đó, thì họ cũng ghi vào bản đồ như vậy.
Sổ mục kê cũng chưa được cơ quan có thẩm quyền nào xác nhận (tuy vậy, ông Trần Anh Tuấn cũng không đưa ra căn cứ để chứng minh rằng cơ quan chuyên môn đã lập bản đồ Vlap mà không có cán bộ nào của UBND xã đi cùng). Tại các buổi làm việc, vợ chồng bà Cố, ông Sơn không cung cấp được bất cứ giấy tờ nào thể hiện mình có quyền sử dụng thửa đất đó. Vì vậy, không có căn cứ để bồi thường hoặc đổi đất cho ông bà ở vị trí khác.
Ở đây có một vấn đề đặt ra, là đã xác nhận thửa đất mà gia đình bà Cố, ông Sơn đang có đơn, có tên, là thửa đất số 9, tờ bản đồ số 50, và đã thông báo để gia đình bà thu dọn cây cối, hoa màu, thì tức là vợ chồng bà Cố đang sử dụng thửa đất đó thật.
Vậy họ sử dụng thửa đất đó theo hình thức nào? Lấn chiếm đất công? Hay mua của ông Bình (Đông Yên là xã vùng sâu vùng xa của huyện Quốc Oai. Đất rộng người thưa, những năm 80 của thế kỷ trước, đất rất rẻ, thậm chí có thể xin nhau được vài ba sào. Việc mua bán thường chỉ bằng mồm chứ ít ai lập giấy tờ). Và vợ chồng bà Cố, ông Sơn sử dụng thửa đất đó từ khi nào?
Nếu đúng là họ sử dụng đất đó một cách ngay tình, công khai, liên tục từ năm 1982 (đến nay đã 37 năm) thì kể cả họ có lấn chiếm, nhưng căn cứ điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015 (xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật), họ cũng trở thành chủ sử dụng hợp pháp của thửa đất đó.
Bởi điều luật trên quy định “người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, công khai, liên tục trong 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản, thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu”.
Một khi vợ chồng bà Cố, ông Sơn đã trở thành chủ sử dụng thửa đất đó theo quy định của điều luật trên, thì việc thu hồi không còn là thẩm quyền của UBND xã nữa, mà là thẩm quyền của UBND huyện Quốc Oai, và khi thu hồi, phải tiến hành theo đúng trình tự của pháp luật. |