Vài năm trở lại đây, số lượng đá phấn đen ở xã Thanh Thịnh và xã Thanh Hương thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã bị người dân địa phương và các đầu nậu sử dụng cơ giới, lập lán trại khai thác đến hàng ngàn thậm chí hàng vạn tấn vận chuyển về thành phố Vinh và các nơi khác pha trộn làm nguyên liệu để chế biến phân lân và NPK.
Tại xã Thanh Hương, cả một quả đồi mênh mông mà nay gần như biến mất. Mỏ đá phấn đen nơi đây như mỏ vàng, người ta chỉ việc đào lên nghiền nhỏ và bán ngay tại chỗ đã thu được 100.000 đồng/ tấn (thời điểm năm 2007), đó là chưa kể khi đã chế biến thành phân lân dỏm thì lợi nhuận lại càng cao hơn nhiều.
Đá phấn đen kết cấu thành khối, thành vỉa lớn, rất cứng, dùng các phương tiện thủ công như cuốc, thuổng rất khó tách ra, nhưng khi đã tách ra được thì lại mềm, đem nghiền nhỏ thì màu sắc và độ mịn rất giống phân lân, nhưng độ hoà tan trong đất và trong nước rất kém.
Trước thực trạng trên, dư luận đặt câu hỏi, tại sao tài nguyên khoáng sản lại được công khai mua bán và khai thác trái phép trên địa bàn huyện Thanh Chương mà không có cơ quan chức năng nào kiểm soát?
Được biết, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo xử lý các hoạt động về khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản (đất phấn đen) trên địa bàn xã Thanh Hương và xã Thanh Thịnh theo đúng quy định của pháp luật.