| Hotline: 0983.970.780

Cảnh báo sâu đục thân hại mía

Thứ Năm 04/08/2016 , 13:15 (GMT+7)

Niên vụ 2014 - 2015, vùng mía Tây Ninh và giáp Campuchia bị tàn phá nghiêm trọng bởi loài sâu 4 vạch đầu nâu Chilo tumidicostalis với diện tích ước tính lên đến hơn 9.000ha.

Theo ông Phạm Tấn Hùng, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng mía đường Thành Thành Công (SRDC), ngoài các yếu tố như thời tiết, kỹ thuật canh tác thì cái chính là công tác BVTV trên cây mía hiện chưa được quan tâm đúng mức, công tác dự tính, dự báo và giám sát dịch hại mía còn chủ quan, bị động.

Đặc biệt, do yếu tố địa lý nằm liền kề với các vùng mía của Campuchia nên có thể loài sâu này vốn đã có từ lâu ở Thái Lan xâm nhập và lây lan vào Việt Nam .

Nhằm chủ động phòng trừ sâu đục thân, trong vụ mía 2015 - 2016, SRDC đã phối hợp với Cty CP Mía đường Thành Thành Công - Tây Ninh (TTCS) và Nhà máy đường Biên Hòa Tây Ninh (BHS) cùng Nông trường Thành Long thực hiện chương trình điều tra, phát hiện và tổ chức phòng trừ sớm sâu đục thân hại mía ở Tây Ninh và vùng mía Campuchia lân cận để kịp thời phát hiện sự phát sinh, phát triển của các loài sâu hại phổ biến trên mía nhằm đưa ra các khuyến cáo phòng trừ thích hợp, hiệu quả cho từng diện tích mía bị hại.

“Điều tra sâu là một việc rất thiết thực và hiệu quả trong tình trạng thời tiết thuận lợi cho sâu đục thân phát triển. Qua chương trình này, chúng tôi có thêm cơ sở để tìm ra quy luật phát sinh, phát triển của các loài sâu hại phổ biến trên mía để đưa ra thời gian phòng trừ hiệu quả”, ông Hùng nhấn mạnh.

Qua kết quả điều tra, khảo sát của 7 đợt được thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2015 trên 1.624ha mía tại 3 khu vực Nông trường Thành Long (552ha), vùng nguyên liệu của BHS (396ha) và TTCS (676ha) đã đưa ra kết luận cơ bản về loại sâu, vòng đời, thời gian gây hại nhiều nhất.

Từ đó có khuyến cáo kịp thời trong việc phòng ngừa sâu bệnh phá hại như mật số sâu đục thân cao nhất vào khoảng cuối tháng 7 và 9, đỉnh điểm của sâu 4 vạch đầu nâu, sâu 4 vạch đầu vàng là vào tháng 7, sâu mình hồng, mình tím là vào khoảng tháng 8.

Vì vậy trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến đầu tháng 10, nông dân chú ý thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh, không để bùng phát thành dịch.

13-37-48_h1
Nhân viên SRDC đang điều tra sâu đục thân hại mía

 

Quá trình điều tra cũng đã phát hiện các loài thiên địch có thể kìm hãm sự phát triển của sâu đục thân là bọ kìm, ong ken trắng. Trong đó, có mối tương quan tỷ lệ thuận giữa lượng mưa và mật số sâu đục thân (nói chung) và sâu 4 vạch đầu nâu.

Trên cơ sở đó, SRDC khuyến cáo, đối với các diện tích mía bị nhiễm sâu đục thân nhẹ cần chặt bỏ, thu gom và tiêu hủy cây bị sâu. Đối với các lô ruộng mía có tỷ lệ nhiễm sâu đục thân trung bình và nặng thì phun chọn lọc cây bị sâu, ưu tiên sử dụng các nhóm hoạt chất sinh học để bảo vệ thiên địch, an toàn với môi trường. Hạn chế sử dụng các loại thuốc phổ rộng, có độc tính cao, không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ để phun trùm trên toàn bộ diện tích.

Các thuốc phổ rộng chỉ áp dụng trong trường hợp bất đắc dĩ khi dịch sâu vẫn bùng phát quá mạnh sau khi đã áp dụng các biện pháp phòng trừ an toàn khác, hoặc để cắt mạch sử dụng liên tục (quá 2 lần) các loài thuốc chọn lọc, an toàn với môi trường. Lắp đặt bẫy đèn thu hút ngài sâu đục thân cũng là một biện pháp hiệu quả để dự đoán chu kỳ phát triển của sâu.

Theo ông Trần Văn Chừng, Bộ môn BVTV của SRDC, từ ngày 7 - 14/7, SRDC đã tiến hành điều tra đợt 1 tại vùng nguyên liệu TTCS, bước đầu cho thấy có 600ha thuộc vùng nguyên liệu mía TTCS bị sâu tấn công ở mức độ nhẹ, không có khu vực nào bị tấn công nặng hay trung bình.

“Tuy nhiên, các chủ mía không nên chủ quan, cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện và phòng trị kịp thời vì thời tiết hiện nay khá thuận lợi cho sự phát triển của các loài sâu đục thân”, ông Chừng nói.

 

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.