Quy trình chăm sóc cây ăn trái
Khi có được môi trường đất tốt cho cây trồng, chăm sóc cây trồng cũng rất quan trọng, chủ yếu là bón phân và tỉa cành. Việc bón phân, cần phải theo nhịp sống của cây. Thí dụ cây mới trồng, nhịp sống của nó là các đợt ra đọt (chồi). Còn đối với cây cho trái, nhịp sống của cây là: thu hoạch, tạo cơi đọt, ra hoa và nuôi trái.
Sau đây là quy trình chăm sóc cây trồng Ts. Trần Kim Tính, giảng viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng – Trường đại học Cần Thơ giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
Trước tiên, trồng cỏ che phủ mặt đất. Giữ nước trong mương cách mặt đất 50-60 cm. Tưới phun mưa (tia nhỏ) hoặc tưới thấm. Tỉa cành sau thu hoạch đối với cây cho trái. Cây còn nhỏ sau mỗi cơi đọt cần tỉa cành, tạo tán và chỉ cho ra 3-4 cơi đọt trong một năm.
Về sử dụng phân bón, phân hữu cơ phải được bón hàng năm và chỉ bón phân khi cần cho ra cơi đọt đối với cây con. Đối với cây cho trái, bón phân khi tạo cơi đọt dùng đạm cao. Khi cây ở giai đoạn nuôi trái non thì giảm đạm, tăng kali. Khi cây nuôi trái lớn, nhà nông nên giảm tiếp đạm và tăng kali.
Các lỗi thường gặp trong canh tác
Hiện nay, trên cây trồng cạn có quá nhiều lỗi trong chuẩn bị đất để trồng cây và chăm sóc cây trồng. Điều tiên quyết là phải có môi trường vật lý đất phù hợp để rễ cây trồng phát triển. Rất nhiều vườn, việc chuẩn bị và quản lý đất chưa đúng. Các lỗi như đất bị lèn mặt xảy ra rất phổ biến ở tất cả các tỉnh. Điều này dẫn đến cây rau không phát triển đồng đều, bắp không phát triển bộ rễ, vườn cam bị vàng lá, ngủ ngày.
Cấu trúc đất (cục đất) không phù hợp, cục đất quá to rễ cây không phát triển được. Đất bị nén dẽ, giảm tính thấm rút. Giữ nước quá cao trong vườn cây. Sử dụng đất quá chua để trồng cây ăn trái. Chuyển đổi đất lúa để trồng cây ăn trái, nhưng không có cách chuẩn bị đất phù hợp. Tưới không đúng cách. Trồng cây chôn gốc quá sâu. Bón quá nhiều phân đạm và phun phân bón lá có quá nhiều chất kích thích sinh trưởng, làm cho tán cây mất cân đối với bộ rễ, cây bị ngủ ngày.
Trong canh tác có những lỗi, có thể khắc phục được dễ dàng. Thí dụ bón thừa đạm, phun phân bón lá nhưng có nhiều lỗi trong canh tác, rất khó khắc phục hoặc thậm chí không thể khắc phục được, mà phải đốn bỏ để trồng lại.
Thí dụ, trong canh tác lúa, nông dân được khuyến cáo là rút nước giữa vụ, hay rút nước nhiều lần trong một vụ. Nếu nông dân rút nước bằng cách thảo nước ra khỏi ruộng, đây là một cách làm rất nguy hiểm. Bởi vì làm như vậy, đất lúa bị chua rất nhanh. Thay vì khuyến cáo rút nước, phải khuyến cáo là siết nước. Điều đó có nghĩa là điều chỉnh số lần tưới sao cho đến thời điểm đó ruộng trở nên khô. Đối với cây trồng cạn, sự nén dẽ đất là rất nguy hiểm, vì khi đất bị nén dẽ thì rất khó khắc phục.
Độ pH phải phù hợp
Một điều cần được quan tâm, pH đất ở ĐBSCL hiện nay suy giảm nghiêm trọng và cạn kiệt kali. Cây không thể hấp thu dinh dưỡng có hiệu quả khi pH không nâng lên được 6-6,5. Do chất hữu cơ trong đất lúa sụt giảm nghiêm trọng, khi ngập nước, không thể nâng pH lên được. Còn rất nhiều bất cập trong canh tác lúa, khi đề cập đến đất, cần được nghiên cứu.
Chưa đủ, pH đất phải thích hợp và dinh dưỡng cho cây trồng phải đủ về lượng và về loại. Trong khoa học đã chỉ ra rằng, các chất dinh dưỡng khoáng cho cây trồng phải đủ về chủng loại (14 loại) và về lượng, nếu một loại trong 14 loại bị thiếu, thì năng suất cây trồng sẽ giảm, mặc dù 13 loại còn lại đạt mức cao.
Để cây trồng hấp thu tốt dinh dưỡng, pH của đất phải phù hợp, tốt nhất là 6-6,5. pH dưới 6, việc hấp thu một số dinh dưỡng gặp khó khăn và khi pH giảm xuống 4-5, việc hấp thu dinh dưỡng bị giảm nghiêm trọng. Không có cây trồng nào phát triển bình thường ở điều kiện pH thấp và pH cao. Thí dụ cây khóm, phát triển được trên đất chua, nhưng không bình thường.
Để canh tác bền vững, các chỉ tiêu sau đây cần được xem xét và huấn luyện cho dân: Trình độ kỷ thuật của nông dân, lượng hữu cơ trong đất, pH đất trong phẩu diện, sa cấu đất, cấu trúc đất trong phẩu diện, khả năng tưới, tiêu nước, qui trình bón phân. Hiện nay, còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu để chỉ ra được các đặc tính của đất cần đưa ra. Các đặc tính sinh thái cần được phân tích kỹ lưỡng, để phân vùng sinh thái.
Minh Đảm – Ngọc Thắng (ghi)