| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện Nghị quyết 120:

Hiểu đất để canh tác bền vững ở ĐBSCL

Thứ Hai 17/05/2021 , 13:44 (GMT+7)

Để canh tác bền vững, hiểu được các điều kiện sinh thái hiện hữu thì chưa đủ, mà cần hiểu được các tiến trình xảy ra trong đất, quá trình canh tác ở ĐBSCL.

Đất xốp quyết định rễ khoẻ

Hiện trạng sản xuất đang xảy ra các hiện tượng làm cho nông dân ĐBSCL vô cùng lo lắng. Nổi bật hơn hết là cây họ cam quýt bị vàng lá sau một thời gian trồng, xuất hiện nhiều nhất ở tỉnh Hậu Giang vào năm 2015. Sau đó, hiện trạng này xuất hiện ở Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang.

Hiện tượng cháy lá và chết đọt trên cây sầu riêng xảy ra ở hầu hết các tỉnh, nhiều nhất là ở Cai Lậy – Tiền Giang. Đối với lúa, còn rất nhiều trở ngại như rễ lúa không xuống sâu được, đổ ngã, bệnh, phèn, ngộ độc hữu cơ.

Đất phèn làm cháy đọt mít. Ảnh: Minh Đảm.

Đất phèn làm cháy đọt mít. Ảnh: Minh Đảm.

Trong sổ tay khuyến nông xuất bản năm 2001, đã chỉ ra 10 căn cứ để bố trí cây trồng vật nuôi, được định rõ trong chức năng của khuyến nông, trong đó có căn cứ vào đặc điểm “các điều kiện tự nhiên: Đất đai, khí hậu, độ cao, nước, ánh sáng, và nhiệt độ…”.

Tất cả đều hướng đến canh tác bền vững. Để có được tính bền vững, hiểu được các điều kiện sinh thái hiện hữu thì chưa đủ, mà cần hiểu được các tiến trình xảy ra trong đất cũng như xảy ra trong quá trình canh tác như: tưới cho cây, bón phân, quản lý nước, cách trồng, tỉa cành có thể đưa đến tính mất bền vững trong tương lai.

Theo Ts Trần Kim Tính, giảng viên Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng – Trường Đại học Cần Thơ: Môi trường tốt cho cây phát triển cần phải phù hợp cho cả phần tán lá trên mặt đất và bộ rễ bên dưới mặt đất. Trong đó, bộ rễ là phần quyết định hơn cả. Để bộ rễ cây phát triển tốt, đất phải tơi, xốp (45% khoáng, 25% khe rổng, 25% nước, 5% chất hữu cơ), vì rễ cây trồng chỉ phát triển theo các khe hở trong đất, trừ các cây chịu ngập nước.

Nông dân kiểm tra sinh trưởng của cây bưởi ruby. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân kiểm tra sinh trưởng của cây bưởi ruby. Ảnh: Minh Đảm.

Trong tự nhiên, khi chưa có tác động của con người, để đất tơi xốp cần có chất hữu cơ, sự co dãn của thành phần vô cơ (sét, thịt và cát) và hoạt động của sinh vật. Sự phân hủy chất hữu do vi sinh vật, kết hợp với sự đào xới của các động vật đất, qua thời gian cho phép, đất từ từ sẽ có hệ cấu trúc (cục đất) tốt. Tiến trình này cần rất nhiều năm và cục đất luôn được tốt hơn (lớn có, nhỏ có và đồng đều), nếu không có sự can thiệp của con người.

Trong đất luôn xảy ra các tiến trình lý, hóa và sinh học đất. Các tiến trình có quan hệ mật thiết với nhau và bắt buộc phải cân đối để tạo ra một môi trường đất tốt cho rễ cây trồng phát triển. Khi đề cập tới mức độ quan trọng của 3 tiến trình trên, tiến trình vật lý đất là tiến trình quan trọng hơn cả đối với cây ăn trái. Tiến trình này quan trọng là vì nó xảy ra lâu dài và rất khó cải tạo khi nó bị thoái hóa so với 2 tiến trình còn lại. Thậm chí phải hủy bỏ cả cây trồng để cải tạo về vật lý đất và trồng lại, thí dụ như sự nén dẽ của đất.

Đất xốp cho rễ khoẻ, cây phát triển tốt. Ảnh: Minh Đảm.

Đất xốp cho rễ khoẻ, cây phát triển tốt. Ảnh: Minh Đảm.

Hiểu đất để giữ độ ẩm cho đất

Hiểu rõ hơn các thành phần vật lý đất và quan hệ của nó đến ẩm độ đất, chúng ta có thể hướng dẫn về quản lý đất tưới nước cho cây trồng. Sa cấu đất và cấu trúc đất nó ảnh hưởng rất lớn đến tính xuyên thấm, tính thấm rút của nước và lượng nước được giữ lại trong đất sau khi tưới. Sa cấu (hay thành phần cơ giới) đó là hỗn hợp % của sét, thịt và cát trong đất, thường được gọi tùy theo thành phần của chúng: đất sét, sét pha thịt, cát, cát pha sét...

Cấu trúc đất là thành phần rất quan trọng trong đất, cấu trúc là một tập hợp của sét, thịt, cát và chất kết dính để tạo nên cấu trúc, nó không bị bể ra khi cầm, bóc lấy nó (gọi chung là cục đất). Cục đất có thể tạo thành một cách tự nhiên (cấu trúc đất), hoặc do con người tự tạo nên (cày xới). Cục đất quá đất to hoặc quá nhỏ, trồng cây cũng không phát triển tốt được, mà cần phải có cục to (20-50mm), trung bình (10-20 mm) lẫn lộn với cục nhỏ (5-10 mm).

Để cây trồng phát triển bền vững, cấu trúc phải giữ nguyên hình dạng của nó trong một thời gian dài, song song với sự phát triển của cây trồng. Khi có sự thoái hóa về vật lý đất, cấu trúc bị biến dạng, hoặc không còn nữa. Đây là sự thoái hóa rất nghiêm trọng hiện nay.

Nguyên nhân đưa đến sự thoái hóa của cấu trúc có thể do: không có lớp phủ trên mặt liếp, sự mất chất hữu cơ, bón quá nhiều phân đạm, tưới không đúng cách, sử dụng cơ giới nặng, con người đi lại khi đất còm ẩm độ cao, giữ nước trong mương quá gần mặt đất.

Đắp mô trồng cây ăn trái ở ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Đắp mô trồng cây ăn trái ở ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Để cây trồng phát triển tốt, nước và không khí phải được di chuyển, trao đổi thường xuyên trong đất, để cung cấp nước, dinh dưỡng và oxy cho cây, thông qua hệ thống tế khổng trong đất. Tế khổng là khoảng rỗng giữa các các cục đất (cấu trúc). Tế khổng trong đất nhiều hay ít là do cục đất và sa cấu đất quyết định. Sự di chuyển của nước quá nhanh hay quá chậm đều là dấu hiệu không tốt cho cây trồng, vì nó chỉ rằng một số thành phần vật lý không phù hợp.

Để đánh giá tính xuyên thấm của nước vào trong đất, người ta dùng chỉ tiêu để đo lượng nước chảy từ tầng mặt xuyên qua các tầng trong đất. Tính xuyên thấm của đất, phụ thuộc vào cấu trúc, sa cấu và độ dốc của đất. Nước di chuyển theo trọng lực trong các tế khổng. Vì vậy các tế khổng to, nhỏ, nhiều ít, nó quyết định lượng nước chảy qua đất. Để hiểu rõ hơn nước thấm rút của nước qua các tầng khác nhau trong đất, tính thấm rút cần được đo.

Chuyển đổi đất ruộng lên vườn trồng cây ăn trái ở ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Chuyển đổi đất ruộng lên vườn trồng cây ăn trái ở ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm.

Đây là đặc tính quan trọng vì nó ảnh hưởng đến việc cung cấp không khí, nước và dinh dưỡng cho cây trồng. Chỉ tiêu này có thể được đánh giá thông qua loại, kích thước và mức độ phát triển của cấu trúc đất. Hơn nữa, khe hở (tế khổng) và kích thước của khe hở (0,03 đến 0.5 mm) có ảnh hưởng đến lượng rễ cây, sức phát triển và hoạt động của vi sinh vật. Kích thước này rất dễ bị thay đổi khi có tác động của ngoại lực (đi lại) và nội lực (lực trương nở). Các đặc tính vật lý như nêu trên, rất quan trọng và nông dân cần biết.

Để thích ứng với hạn, ngập úng, mặn, phèn và các điều kiện bất thuận khác tại vùng ĐBSCL đã nghiên cứu tuyển chọn, lai tạo các giống cây ăn quả làm gốc ghép, đã tuyển chọn và lai tạo thành công được 36 dòng/giống gốc ghép như: 13 giống/dòng chịu mặn (8 dòng/giống và con lai cây có múi; 5 giống xoài); 1 tổ hợp gốc ghép/giống ghép chịu phèn cho cây có múi; 1 tổ hợp gốc ghép/giống ghép chịu hạn cho cây có múi; 13 giống gốc ghép chống chịu ngập (2 giống xoài; 5 giống bưởi), 4 giống gốc ghép cây có múi chống chịu bệnh thối rễ, 4 giống gốc ghép chống chịu với nấm Phytophthora sầu riêng.

(Trích báo cáo “Tình hình thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH).

Minh Đảm – Ngọc Thắng (ghi).

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.