| Hotline: 0983.970.780

Canh tác bền vững siêu lợi nhuận

Thứ Năm 01/09/2016 , 08:26 (GMT+7)

Huyện Văn Giang (Hưng Yên) có nhiều mô hình canh tác bền vững trên các chân ruộng trũng, hiệu quả sản xuất luôn gấp hơn 10 lần cấy lúa cùng diện tích.

1. Với các chân ruộng thường xuyên ngập nước sâu từ 40 - 50cm trở lên: Nên chuyển đổi theo mô hình VAC (làm vườn trồng cây ăn trái, đào ao nuôi cá, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm).

2. Với các chân ruộng chỉ ngập nước 30 - 40cm trong mùa canh tác lúa:

Trồng thuần: Rau rút (tháng 5 - 10) - rau cần (tháng 10 - 4). Thu nhập có thể đạt 30 - 50 triệu đồng/sào 360m2.

Trồng xen bí xanh, rau rút (tháng 6 - 10) - cà chua, rau cần (tháng 10 - 4). Thu nhập có thể từ 40 - 70 triệu đồng/sào.

Để trồng rau ăn quả xen rau ăn lá trên chân ruộng trũng cần vét rãnh đắp luống: Rãnh sâu 50 - 60cm, rộng 1,8 - 2,0m. Luống rộng 0,9 - 1,1m, cao 25 -30cm so với mặt nước rãnh.

* Trồng bí xanh tháng 6 - 9 (trái vụ) thường hay có mưa bão nên cần chú ý:

- Chọn giống bí sặt (gói 20g). Ngâm hạt trong nước sạch 2 giờ. Vớt hạt gieo sạ trong khay cát ẩm. Trồng ra ruộng khi cây có 2 lá mầm. Khơi đất trồng hàng đơn giữa luống. Khoảng cách cây 25cm.

- Phân bón/1 sào: Vôi bột 15-20kg + lân supe 12-15kg trộn đều trong lớp đất mặt luống trước trồng bí 20 ngày. Bón thúc (khi cây bí bén rễ hồi xanh): 15kg NPK Lâm Thao 10-5-5, bón xa gốc 10 - 15cm.

Cây 5 - 6 lá: Bón 4-5kg kali clorua + 30-40kg bột đỗ tương đã ủ lên meo xanh.

Khi quả đạt đường kính 2,5 - 3cm và treo đều trên giàn: Bón thúc 5 - 7kg NPK đầu trâu 13-13-13+TE.

- Cắm giàn: Cần bố trí luống trồng, giàn cắm theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Chọn các cây dóc rừng chắc dầy. Cắm giàn hình chữ “nhân” dạng trụ (4 cọc chụm đầu 4 chân cắm sâu trong đất 15 - 20cm, rộng 1m, cao 1,5 -1,8m. Cố định các trụ giàn bởi thanh giằng đỉnh và 2 thanh giằng ngang 2 bên. Kiểu giàn bí này đã chịu được mưa bão cấp 9 - 11.

- Để ngọn cây bò trên mặt luống dài 50 - 60cm mới tiến hành nương dây treo cây lên giàn, kết hợp nhổ cỏ vun gốc. Thường xuyên ngắt bỏ các lá già, lá sâu bệnh và những mầm nhánh mới nhú, để mỗi cây 1 quả 1 ngọn.

- Phòng trừ sâu bệnh: Bí xanh trái vụ thường gặp 1 số sâu bệnh hại chính là: nhện vàng, bị trĩ, bọ phấn, rệp… Phòng trừ bằng thuốc Confidor hoặc Regent. Phun Validacin, Topsin ngay sau trồng cây mầm để phòng bệnh lở cổ rễ. Sử dụng thuốc Score, Carbenvin, Reasgant… để phòng ngừa các bệnh thối thân, thối quả, phấn trắng bằng. Chú ý, phun phòng ngay sau mỗi lần mưa tạnh.

* Cây cà chua: Ngay sau kết thúc thu hoạch bí xanh, cần tiêu hủy triệt để mọi tàn dư thực vật trên ruộng. Xới xáo phơi luống và bón lót mỗi sào 15 - 20kg vôi bột trộn sâu trong lớp đất mặt luống. Sau 25 - 30 ngày mới tiến hành trồng cà chua. Trồng bằng cây giống gieo trong vườn ươm. Chọn giống cà chua Relish (S-101). Luống trồng hàng đơn, khoảng cách 50cm/1 cây.

- Bón lót/ 1 sào (trước trồng): 80 - 100kg phân hữu cơ vi sinh + 12-15kg lân supe + 15-20kg NPK Lâm Thao 10-5-5.

- Bón thúc (khi cây ra nhánh): 30 - 35kg bột đậu tương đã ủ thành meo xanh + 20kg NPK Lâm thao 10-5-5, bón xa gốc 15cm. Từ khi cây ra quả rộ bón 6 lần, định kỳ 15 ngày bón/ 1 lần, lượng bón mỗi lần 4kg NPK Đầu trâu 13-13-13+TE, pha loãng tưới xa gốc.

- Làm giàn (khi cây bắt đầu phân cành, ra hoa): Giàn cắm chữ A, cao trên 2,5m. Dùng dây mềm buộc treo các ngọn cây và cành quả bám vào 2 bên mái giàn hướng lên đỉnh. Công việc này cần thực hiện thường xuyên nhằm tránh cho quả cà chua và lá cây bị rũ xệ thấp xuống đất, rễ lây nhiễm bệnh.

12-17-24_bi-tri-vu-trong-chn-ruong-trung-ci-to

 

- Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên nhổ sạch cỏ, tỉa bỏ lá già, lá sâu bệnh, các mầm nhánh vô hiệu… đưa tiêu hủy xa, để tạo sự thông thoáng cho ruộng cà, giảm thiểu phát sinh sâu bệnh hại.

Phun Anvil hoặc Ridomil phòng bệnh lở cổ rễ ngay sau trồng cây giống.

Dùng thuốc sinh học Sherpatin 36EC, Emaben 3.6WG… diệt trừ lứa sâu xanh nở trong các ngày 6; 7; 25/9 (âm lịch).

Định kỳ 10 ngày/1 lần phun Zineb hoặc Score phòng bệnh sương mai, chú ý phun kép 3 lần cách nhau 7 ngày vào thời điểm thường có mưa ra mùa từ 10-15/12 (âm lịch).

* Trồng rau rút dưới rãnh bí xanh cần chủ động phòng ngừa ốc bươu vàng gây hại. Bón lót 6 - 7kg lân supe/sào trước khi thả cây rau giống. Phun bón lá Atonik sau mỗi lứa thu hái ngọn rau.

* Rau cần trồng rãnh cà chua: Bón lót trước trồng 15 - 20kg lân supe/sào. Bón thúc 80 - 100kg tro bếp khi ngọn rau mọc đều 10 - 15cm. Phun Zineb phòng sương mai hại rau khi ẩm độ không khí trên 80%. Điều chỉnh thời vụ để có lứa rau thu hoạch xung quanh Tết Nguyên đán 10 - 15 ngày để bán được giá cao. 1 lứa rau này có thể đạt 15 - 25 triệu đồng/sào

* Để canh tác rau bền vững, sau 3 - 4 vụ trồng rau, san ruộng trở lại cấy 1 - 2 vụ lúa, lại tiếp tục trồng rau.

Xem thêm
Viện Chăn nuôi chuyển giao gần 9 triệu con giống năm 2024

Năm 2024, Viện Chăn nuôi đạt nhiều thành tựu lớn, chuyển giao gần 9 triệu con giống, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cao.

Buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vô cùng phức tạp, Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm

Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh biên giới Tây Nam quyết liệt ngăn chặn buôn lậu lợn và sản phẩm động vật trái phép, nhằm kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi.

Cảnh báo kỳ mặn cao điểm từ ngày 28/1 đến 3/2, trùng dịp Tết Nguyên đán

ĐBSCL Cục Thủy lợi cảnh báo hạn mặn năm nay đến sớm, tuy mức độ không quá gay gắt nhưng người dân cần chủ động tích trữ nước để đảm bảo sản xuất dịp Tết.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.