| Hotline: 0983.970.780

Mỏ đá phá vỡ cảnh quan công viên địa chất

Thứ Tư 02/12/2020 , 12:51 (GMT+7)

Nhiều núi đá đẹp tại Cao Bằng đang bị khai thác với tần suất lớn, có nguy cơ phá vỡ cảnh quan công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Tỉnh Cao Bằng được thiên nhiên ban tặng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo và có ý nghĩa giá trị quốc tế, danh hiệu công viên địa chất toàn cầu là một ghi nhận của UNESCO về cảnh quan đa dạng phong phú, giá trị văn hóa, tinh thần của khu vực Non nước Cao Bằng.

Tuy nhiên, việc nhiều mỏ đá khai thác từ nhiều năm nay nằm ngay gần đường quốc lộ, tỉnh lộ. Chỉ cần ngồi trong xe ô tô, cũng có thể quan sát chính diện các công trình khai thác đá đã làm phá vỡ cảnh quan của CVĐC Non nước Cao Bằng, khiến nhiều du khách và người dân nơi đây bức xúc.

Khai thác đá tại mỏ đá Thâm Bốc II, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An gây ảnh hưởng lớn đến cảnh quan công viên địa chất.

Khai thác đá tại mỏ đá Thâm Bốc II, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An gây ảnh hưởng lớn đến cảnh quan công viên địa chất.

Mỏ đá Thâm Bốc và Thâm Bốc II, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An là một trong những mỏ đá có góc quan sát rõ nhất khi di chuyển trên Quốc lộ 3, gây bức xúc cho người dân, đặc biệt du khách có dịp thăm quan Non nước Cao Bằng. Mỗi ngày, khi hai mỏ đá nổ mìn làm chấn động cả một vùng. Xe chở vật liệu từ lớn đến nhỏ cũng tấp nập ra vào mỏ lấy đá là ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân xung quanh. Người dân sống gần khu vực hai mỏ đá này rất mong muốn chính quyền sẽ sớm cho dừng hoạt động của mỏ đá này.

Bởi các mỏ đá này đi vào khai thác từ nhiều năm trước, diện tích mỗi mỏ rộng 1 ha, công suất 10.000 m3 đá/năm. Vách núi dựng đứng cao hàng trăm mét, công nhân treo mình trên vách đá để khoan lỗ đặt mìn nhìn rất nguy hiểm. Theo thời gian cấp phép mỏ, cả hai mỏ này sẽ hết hạn vào ngày 10/6/2021. Tỉnh đã quyết định sau khi hết hạn giấy phép khai thác sẽ không cấp giấy phép mới để đảm bảo cảnh quan.

Bụi bẩn từ hoạt động khai thác tại mỏ đá Pò Chang, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa làm xấu hình ảnh công viên địa chất toàn cầu nong nước Cao Bằng.

Bụi bẩn từ hoạt động khai thác tại mỏ đá Pò Chang, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa làm xấu hình ảnh công viên địa chất toàn cầu nong nước Cao Bằng.

Huyện Quảng Hòa có 6 mỏ đá thì đa số các mỏ đều nằm trong tuyến du lịch công viên địa chất hoặc gần đường, có thể quan sát thấy từ đường quốc lộ, tỉnh lộ (mỏ đá Pò Chang, xã Phúc Sen; mỏ đá Keng Phác, xã Quảng Hưng; mỏ đá Bó Choong 2, thị trấn Hòa Thuận).

Ông Phan Hà Minh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quảng Hòa thông tin: Các mỏ đá nằm trong ranh giới công viên địa chất hoặc gần đường quốc lộ, tỉnh lộ ở huyện đều đã được tỉnh có phương án xử lý cụ thể. Một số mỏ hết hạn giấy phép đã được phê duyệt đóng cửa mỏ, đưa về trạng thái an toàn.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng, toàn tỉnh hiện có 34 mỏ đá, trong đó có 17 mỏ nằm trong ranh giới công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng; có 4 mỏ nằm gần đường quốc lộ, tỉnh lộ. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh 3 phương án xử lý các mỏ đá nằm trong ranh giới công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng và đã được UBND tỉnh chấp thuận.

Theo dự kiến, mỏ đá Kéo Háu, thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang nằm gần đường tỉnh lộ 207 sẽ không được tỉnh Cao Bằng cho phép khai thác lâu dài.

Theo dự kiến, mỏ đá Kéo Háu, thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang nằm gần đường tỉnh lộ 207 sẽ không được tỉnh Cao Bằng cho phép khai thác lâu dài.

Ông Nguyễn Xuân Tiếp, Trưởng Phòng Đo đạc và Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Cao Bằng, đến nay đã có 8 mỏ trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản hoặc đóng cửa mỏ khoáng sản khi giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực; có 16 mỏ đã hết hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản cần rà soát, đánh giá để trình cơ quan có thẩm quyền Quyết định việc gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản.

Các mỏ có giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực, sẽ phải hoàn tất việc thanh lý hợp đồng thuê đất và các hợp đồng khác, liên quan tới việc thực hiện khai thác khoáng sản phần diện tích khu vực khai thác được đóng cửa theo quy định của pháp luật. Đưa khai trường mỏ về trạng thái an toàn (đủ điều kiện đóng cửa mỏ) trên cơ sở đề án cải tạo phục hồi môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Mỏ đá Keng Phác, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Hòa nằm ngay gần đường tỉnh lộ 206 (thuộc ranh giới công viên địa chất) gây ảnh hưởng cảnh quan buộc phải làm đề án đóng cửa mỏ.

Mỏ đá Keng Phác, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Hòa nằm ngay gần đường tỉnh lộ 206 (thuộc ranh giới công viên địa chất) gây ảnh hưởng cảnh quan buộc phải làm đề án đóng cửa mỏ.

Trước bức xúc của người dân, tỉnh Cao Bằng đã có giải pháp bảo vệ cảnh quan công viên địa chất, đặc biệt là quản lý các điểm khai thác khoáng sản (đá, mỏ kim loại…). theo đó, sẽ khoanh vùng cấm tuyệt đối không có các hoạt động khai thác khoáng sản, để bảo vệ những cảnh quan được thiên nhiên ban tặng cho công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, góp phần đưa du lịch Cao Bằng phát triển lên một tầm cao mới.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.