| Hotline: 0983.970.780

Cao su, cây ăn quả nơm nớp trước bão Noru

Thứ Ba 27/09/2022 , 18:55 (GMT+7)

QUẢNG NAM Hàng nghìn ha cao su và nhiều vùng cây ăn quả đang nơm nớp trước bão số 4. Người dân cố gắng dùng mọi cách chằng chống, song thiệt hại là khó tránh khỏi.

Theo ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, tại tỉnh này, sản xuất nông nghiệp ở các huyện đồng bằng chủ yếu là cây lúa và các loại rau màu. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa vụ hè thu trên địa bàn đã thu hoạch xong. Ngoài ra, nông dân các huyện cũng chưa xuống giống rau màu vụ đông, do đó khi bão Noru đổ bộ, ảnh hưởng của bão đến sản xuất nông nghiệp sẽ không đáng lo.

Empty

Người dân Tiên Phước sử dụng các biện pháp chằng chống để bảo vệ cho các loại cây ăn quả. Ảnh: Lê Khánh.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là các vườn cây ăn quả, vườn cao su và rừng keo nguyên liệu của người dân cũng như các doanh nghiệp thuộc các huyện trung du và miền núi như Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My… Bão số 4 (Noru) được dự báo là cơn bão mạnh, với sức tàn phá khủng khiếp thì thiệt hại với những loại cây trồng này chắc chắn sẽ không tránh khỏi.

Ngành nông nghiệp các địa phương cũng đã hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp ứng phó, bảo vệ an toàn cho các vườn cây trước khi bão vào đất liền. Ông Nguyễn Tấn Nghiệp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hiệp Đức cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 2.400ha cao su đại điền và tiểu điền, hơn 60ha cây ăn quả các loại, 19.000ha rừng keo nguyên liệu.

Những ngày qua, lãnh đạo huyện Hiệp Đức đã yêu cầu chính quyền các địa phương tập trung vận động, hướng dẫn nông dân chằng chống 890ha cao su tiểu điền (tập trung chủ yếu ở các xã Sông Trà, Hiệp Hòa, Quế Lưu) và cắt tỉa cành keo nguyên liệu, cột níu thân cây ăn quả để hạn chế tình trạng gãy đổ do gió bão. “Việc này đã và đang được người dân Hiệp Đức triển khai một cách quyết liệt với hi vọng giảm thiểu thiệt hại”, ông Nghiệp nói.

Empty

Nhiều nhà vườn cố gắng chằng chống cho vườn cây ăn quả trước bão Noru. Ảnh: Lê Khánh.

Tại huyện Tiên Phước, đây là vùng trọng điểm cây ăn quả và cây gia vị của tỉnh Quảng Nam với khoảng 275ha bưởi, 300ha lòn bon, hơn 458ha măng cụt, 81ha tiêu và nhiều diện tích trồng các loại cây khác.

Ông Trầm Quế Hương, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho hay, rút kinh nghiệm từ cơn bão số 9 năm 2020, huyện đã chỉ đạo cho các địa phương tuyên truyền bà con thu hoạch những diện tích có thể thu hoạch được. Còn những diện tích cây có trái còn non, chấp nhận bỏ trái để giữ lại cây.

“Đối với những loại cây đặc sản như sầu riêng, măng cụt,  những hộ nào có điều kiện thì sẽ chằng chống. Nhưng do diện tích quá lớn nên người dân cố gắng giữ lại những vườn chính, hiệu quả để giảm thiệt hại”, ông Hương nói.

Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết thêm, để hỗ trợ người dân phòng chống bão cho các vườn cây ăn quả, mỗi thôn trên địa bàn Tiên Phước đã thành lập tổ xung kích với số lượng ít nhất là 10 người. Khi các chủ vườn có quy mô lớn yêu cầu hỗ trợ trong việc cắt tỉa cành, chằng chống cây ăn quả, chính quyền các xã, thị trấn sẽ linh hoạt huy động các tổ xung kích đến giúp đỡ.

Empty

Cây cao su rất dễ bị gãy đỗ khi gặp gió bão. Ảnh: Lê Khánh.

Tỉnh Quảng Nam hiện nay cũng có diện tích cao su tương đối lớn, chủ yếu do Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam quản lý. Vào năm 2020, khi cơn bão số 9 đổ bộ vào tỉnh này, đã có 900ha cao su của đơn vị đã bị gãy đỗ. Đến nay, cơn bão số 4 đang trở thành nỗi lo lớn khi cao su là loại cây có thân giòn, dễ gãy ngã nếu gặp gió mạnh.

Ông Thái Bảo Tri, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam cho biết, đơn vị đang quản lý khoảng 5.000ha cao su, trong đó 3.000ha đang thu hoạch. Trước mắt, để đảm bảo an toàn về người, đơn vị đã rà soát những vùng thấp trũng và có phương án chủ động sơ tán công nhân đến nơi an toàn. Kiên quyết không để công nhân, lao động qua sông suối hoặc ra lô cao su khai thác mủ nếu thấy không an toàn...

“Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cho các nông trường, nhà máy trực phòng chống, gia cố nhà làm việc, nhà kho, các công trình xây dựng, vật kiến trúc. Riêng vườn cây thì chắc không thể phòng chống được do diện tích quá lớn. Giờ chỉ mong bão giảm cấp độ mới có thể hạn chế được thiệt hại cho vườn cây”, ông Tri nói.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.