| Hotline: 0983.970.780

Cấp nước bằng năng lượng tái tạo

Thứ Hai 10/11/2014 , 09:21 (GMT+7)

Khu vực ĐBSCL còn nhiều xã vùng xa, cù lao, hải đảo khát nước sạch. Nhiều năm qua, việc đầu tư công trình nước sạch còn gặp nhiều khó khăn, mà trở ngại nhất là thiếu điện.

Dự án Cấp nước bằng năng lượng tái tạo tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL do Chính phủ Đan Mạch tài trợ đã giải quyết được vấn đề này.

Từ năm 2012-2014, sau khi khảo sát 70 trạm cấp nước do các địa phương đề xuất, dự án đã chọn 32 trạm triển khai đầu tư lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Tổng kinh phí đầu tư trên 17 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Đan Mạch viện trợ không hoàn lại gần 15 tỷ, còn lại là vốn đối ứng của địa phương.

Trong quá trình triển khai ở Bến Tre và Sóc Trăng, có 2 trạm kết hợp hệ thống mặt trời và gió; 8 trạm cấp nước ở Kiên Giang, Bến Tre sử dụng bơm solar để bơm nước mặt cấp 1. Các trạm còn lại sử dụng bơm giếng và bơm đài.

Công nghệ thiết bị mới đã đáp ứng yêu cầu về nước sạch ở nông thôn. Từ nhiều năm trước, nhà máy nước Đông Phước, huyện Châu Thành (Hậu Giang) được xây dựng... nhưng không thể cấp nước, do không có điện và người dân cũng không chịu vô đồng hồ nước.

Đến khi hệ thống bơm năng lượng mặt trời được lắp đặt, nhà máy hoạt động và cấp được nước nên nhiều hộ vui mừng và đồng ý vô đồng hồ nước. Từ đó nhà máy hoạt động ổn định đến nay.

Trạm cấp nước ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên (An Giang) ở trong địa giới hành chính thuộc thành phố nhưng nằm ở ngoài cồn, còn khoảng 300 hộ dân sống trong điều kiện “4 không” (không điện, không nước sạch, không trường học và không trạm y tế).

Người dân phải sống trong điều kiện thiếu vệ sinh, tắm giặt đều sử dụng nước sông. Nước ô nhiễm cũng phải chịu. Trạm cấp nước Mỹ Thạnh đi vào vận hành có ý nghĩa quan trọng, giải quyết được vấn đề nước sạch cho người dân.

Thế nhưng, người dân nơi đây vẫn chưa hết khó. Nước chỉ cấp đủ sử dụng ban ngày. Vì thế, Trung tâm Nước sạch - VSMTNT tỉnh An Giang đề xuất dự án hỗ trợ thêm thiết bị năng lượng gió để đảm bảo nước sạch cho người dân sử dụng cả ngày và đêm.

Qua thăm dò về mặt tác động xã hội, người dân xung quanh các trạm nước sạch ở huyện Phong Điền, Cần Thơ và huyện Trần Đề, Sóc Trăng cho biết, họ rất mừng là vẫn có nước sử dụng mặc dù điện cúp.

Theo ý kiến một số chuyên gia, với tốc độ khai thác như hiện nay thì nguồn năng lượng hóa thạch sẽ cạn kiệt trong thế kỷ 21. ĐBSCL là vùng có cường độ bức xạ mặt trời tương đối cao, nguồn năng lượng mặt trời được xem là giải pháp phù hợp để triển khai nhân rộng trong tương lai.
Đặc biệt dự án trên có ý nghĩa trong việc lựa chọn công nghệ mới phù hợp, nhất là trước nhu cầu toàn vùng hiện có gần 1.300 xã đang xây dựng NTM, trong đó chỉ 10,6% xã đạt được tiêu chí về nước sạch. 

Ông Sáu Lượm, chủ trạm cấp nước ở An Phú, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) qua nhiều ngày theo sát đội thi công, xem hệ thống bơm hoạt động bằng năng lượng mặt trời. Ông vui mừng nói: "Mặc dù mùa mưa nhưng tiết kiệm điện được 30% và nếu có đủ kinh phí sẽ đầu tư lắp thêm 3 hệ thống nữa".

Trước đây, việc xây dựng trạm cấp nước vùng nông thôn ở những nơi chưa có điện lưới quốc gia phải lắp đặt bằng máy phát điện động cơ diesel tự vận hành thường tốn nhiều chi phí.

Qua kết quả quan trắc của dự án, ông Lê Thanh Hải, Cty Grundfos Việt Nam cho rằng: "Đối với một trạm cấp nước nông thôn dạng nước ngầm gồm một trạm bơm giếng và một bơm đài công suất mỗi bơm khoảng 10 m3/h, nếu lắp đặt hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời và thay bơm điện bằng bơm solar thì có thể tiết kiệm khoảng 15.000 kw điện/năm.

Với trạm bơm cấp nước nông thôn dạng bơm nước mặt cũng có hai bơm công suất như trên thì có thể tiết kiệm khoảng 8.600 kw điện/năm.

Từ thành công của dự án, bà Nguyễn Kim Quy, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, phía Đan Mạch sẽ tiếp tục hỗ trợ ĐBSCL nhân rộng các mô hình trình diễn thông qua chương trình “Hỗ trợ tài chính doanh nghiệp DANIDA”.

Cụ thể, Đan Mạch sẽ hỗ trợ các khoản vay không lãi suất với mục đích chi trả cho trang thiết bị cùng các hỗ trợ kỹ thuật liên quan cho các dự án về tăng trưởng xanh và tái tạo tăng lượng bền vững.

“Khoản cho vay từ 5 - 10 triệu euro, thời hạn cho vay là 10 năm, Bộ Tài chính VN là cơ quan bảo lãnh cho các khoản vay này”, bà Nguyễn Kim Quy nói.

Nhận xét về hiệu quả dự án, ông Võ Quốc Bửu, GĐ Trung tâm Nước sạch - VSMTNT Cần Thơ cho rằng: “Hiện tại, các trạm cấp nước bằng năng lượng tái tạo đều hoạt động tốt, tiết kiệm từ 30 - 40% chi phí tiền điện trong mùa nắng, người dân đều tỏ ra hài lòng vì có nước sạch sử dụng thường xuyên, góp phần cải thiện sức khỏe và môi trường nông thôn”.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.