| Hotline: 0983.970.780

Cắt điện luân phiên ở Nam Bộ: DN đình trệ, sinh hoạt đảo lộn

Thứ Năm 17/03/2011 , 10:29 (GMT+7)

Không chỉ trong sản xuất mà trong sinh hoạt, hiện người dân nhiều địa phương đã phải "nếm mùi đau khổ" trước diễn biến cắt điện luân phiên.

Ngay sau khi NNVN có bài viết "Điên đầu vì...cúp điện"  phản ánh nhiều cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại lớn vì cắt điện bất thường, hôm qua (16/3), chúng tôi tiếp tục nhận được những ý kiến của các DN trong khu vực nông nghiệp bức xúc về tình trạng điện cắt liên xoành xoạch khiến hoạt động sản xuất của họ gặp trở ngại lớn....

 

>> Thức ăn tăng giá, điện cắt triền miên
>> Miền Bắc khởi động “mùa cắt điện”

Trao đổi với NNVN, ông Trần Văn Hùng, TGĐ Cty CP Phân bón Việt Mỹ (chuyên sản xuất kinh doanh phân bón vô cơ và hữu cơ) cho biết, nhà máy sản xuất phân bón của ông ở KCN Sóng Thần (Bình Dương) hiện mỗi tuần bị cúp điện tới 2 lần. Mỗi lần “ông điện” cúp hẳn một ngày từ 6 giờ sáng đến 21 giờ tối. Việc cúp điện thường xuyên khiến mọi dây chuyền sản xuất phân bón bị đình trệ, lại đúng vào lúc cao điểm sản xuất phân bón cho vụ HT nên thiệt hại không sao kể xiết.

Trước tình hình cúp điện thường xuyên, Cty CP Phân bón Việt Mỹ phải đầu tư hàng tỷ đồng cho hệ thống máy phát điện. Tuy nhiên, để vận hành hệ thống máy phát điện thì chi phí đội lên gấp 3-4 lần so với dùng điện, trong khi việc vận hành chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất của nhà máy.  Nhưng điều đáng lo ngại nhất từ hệ luỵ cúp điện, đó là hàng bị giao chậm trễ khiến khách hàng lên tiếng phàn nàn, ảnh hưởng đến uy tín công ty. Ông Hùng cũng cho hay, đơn vị đã làm nhiều kiến nghị tới ngành điện trong việc cung ứng điện, tuy nhiên đến nay điện vẫn cúp.

Tại TP.HCM, việc cúp điện cũng diễn ra thường xuyên đặc biệt là ở huyện Bình Chánh. Do đó, tại địa bàn hai xã Vĩnh Lộc A và B có hàng ngàn DN lớn, nhỏ đều đã phải trang bị máy phát điện. Ông Phùng Thanh Vũ, Quản đốc Nhà máy của Cty CP Nam Việt Úc (chuyên chế biến thực phẩm) cho biết, do mất điện thường xuyên, khiến xe chở hàng phân phối đậu thành hàng dài. Các đại lý thì không có hàng để bán, tất cả bị đình trệ nghiêm trọng. Đơn vị đã bố trí công nhân làm bù vào ban đêm, nhưng vẫn không đáp ứng đủ sản lượng. Đáng nói, thực phẩm do cúp điện không được đông lạnh để chỉ một ngày là hư, thối hoặc không chế biến được.

Thê thảm không kém là Cty Bao bì giấy Nguyễn Hồng (số D19/33/1 Hương lộ 80, xã Vĩnh Lộc A), do điện cúp liên miên máy móc không vận hành được, nên thường vi phạm hợp đồng và bị huỷ nhiều đơn hàng, tổn thất nặng nề. Khi chúng tôi đến Cty, cả trăm công nhân vẫn đang "ngồi chơi xơi nước" vì không có điện để vận hành. Được biết, nhiều DN đã khiếu nại đến Điện lực Bình Chánh, câu trả lời rất đơn giản  là “do thiếu nguồn điện”.

Cty TNHH Thiên Hà (xã Bình Đức, Châu Thành, Tiền Giang) là DN chế biến, xuất khẩu cá tra vào thị trường châu Âu. Ông Vũ Tuấn Phương, PGĐ Cty cho biết, tình trạng cắt điện luân phiên cùng định mức sử dụng điện không hợp lý mà ngành điện lực áp đặt cho doanh nghiệp từ đầu tháng 3 đến nay đang đẩy Thiên Hà vào những khó khăn mà chẳng biết phải tháo gỡ bằng cách nào. Nhà máy của công ty mới đưa vào hoạt động được trên 2 tháng, công suất chỉ ở mức vừa phải. Vậy nhưng Điện lực Mỹ Tho lấy luôn lượng điện tiêu thụ trong thời gian đó, chia đều cho từng tháng để tính ra lượng điện bình quân mà nhà máy này sử dụng trong năm nay, rồi ấn định định mức tiêu thụ điện của nhà máy theo hướng cắt giảm.

Không chỉ trong sản xuất mà trong sinh hoạt, hiện người dân nhiều địa phương đã phải "nếm mùi đau khổ" trước diễn biến cắt điện luân phiên. Về Bình Chánh, đi đâu chúng tôi cũng nghe người dân than vãn chuyện sinh hoạt bị đảo lộn vì cúp điện. Bình Chánh là huyện ngoại thành của TP.HCM, nguồn nước sinh hoạt thủy cục còn thiếu, hàng ngàn người dân phải dùng nước giếng khoan, do bị cúp điện nên máy bơm đã thành cục sắt vô dụng.

 Chị Đào Thị Hạnh (ngụ tại ấp 4, Võ Văn Vân, xã Vĩnh Lộc B) cho biết: “Nhà tui bán quán cơm, liên tục phải dùng nước, vậy nhưng nhiều khi ông điện lực cúp cả ngày, có ngày cúp 2-3 lần khiến tôi không biết lấy nước đâu mà dùng". Còn chị Nguyễn Yến Trang (ngụ D15/10, ấp 4, Vĩnh Lộc A) làm chủ cửa hàng may mặc cũng bức xúc chẳng kém: "Quần áo phải may bằng máy, phải ủi bằng điện, mất điện thì coi như ngồi chơi, không giao hàng đúng hẹn thì đến khách quen cũng bỏ chạy. Mình mà bận, chỉ cần chậm đóng tiền điện là họ cúp ngay, thế nhưng “ông điện” tự ý cúp gây bao xáo trộn cuộc sống, công việc của mình thì vẫn vô tư, chẳng hề hấn gì"- Chị Trang chán nản nói.

Với cách tính này của Điện lực Mỹ Tho, mỗi tháng, Cty chỉ được sử dụng 280.000 KW điện, tức là chưa tới 10.000 KW/ngày. Trong khi đó, nếu chạy hết công suất, mỗi tháng nhà máy này cần tới 660.000 KW điện. Ông Phương bức xúc: “Chúng tôi biết là nguồn điện cả nước bị thiếu hụt, nên sẵn sàng chấp nhận cắt giảm lượng điện. Vì thế, chúng tôi đã chủ động tới gặp ngành điện địa phương, đề nghị được cắt giảm 20% sản lượng điện so với mức tối đa mà nhà máy tiêu thụ hàng tháng, tức là giảm xuống còn 520.000 KW. Thế nhưng ngành điện chỉ phân bổ cho 280.000 KW/tháng. Đã thế, cứ 2 ngày có điện, chúng tôi lại phải chịu 1 ngày cúp điện. Nếu lượng điện sử dụng trong hôm nay vượt quá mức cho phép của ngành điện, thì hôm sau, nhà máy bắt buộc phải giảm đi để bù cho chỗ dùng vượt của ngày hôm trước. Còn trong trường hợp ngày hôm sau lượng điện tiêu thụ vẫn tiếp tục vượt lượng cho phép, thì nhà máy sẽ bị cắt điện luôn. Quy định như vậy là quá cứng nhắc vì công suất hoạt động của nhà máy phụ thuộc vào nguồn cá nguyên liệu đưa về. Hôm nào cá nhiều, nhà máy vận hành nhiều, thì lượng điện lớn là đương nhiên. Ngược lại có những thời gian hàng mấy ngày trời, nhà máy không hoạt động vì không có cá”.

Do bị cắt giảm sản lượng điện quá nhiều so với nhu cầu và nhiều lần nhà máy phải đóng cửa vì cắt điện mà hiện giờ, Cty Thiên Hà đang lo sốt vó vì bị thiếu hụt khá nhiều lượng hàng để giao cho khách hàng nước ngoài. Chẳng hạn trong tháng 3 này, theo các đơn hàng đã ký, Thiên Hà phải giao cho khách hàng tới 25 container cá tra, thế nhưng đã hết nửa tháng mà lượng hàng giao cho khách mới chỉ được 7 container.

Xem thêm
Thuốc diệt mầm cỏ ruộng lúa Bé Bụ 30SE sản xuất theo công nghệ mới

Thuốc diệt mầm cỏ ruộng lúa Bé Bụ 30SE là sản xuất theo công nghệ mới, diệt trừ được nhiều loại cỏ như đuôi phụng, lồng vực, cháo, chác, rau mác, rau mương... rất an toàn.

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.