Chuyện hi hữu này vừa xảy ra tại ngôi làng Pandarpadh, một khu vực hẻo lánh ở miền trung bang Chhattisgarh của Ấn Độ vào hôm thứ Hai tuần này.
Theo đó, cậu bé tám tuổi tên là Deepak đã bị một con rắn hổ mang cực độc tấn công, với vết cắn trên da và quấn chặt lấy cánh tay nhưng sau đó, Deepak đã dùng răng chống trả và kết quả là con rắn đã chết.
Tờ báo địa phương The New Indian Express cho biết, trong khi chơi đùa ở bên ngoài ngôi nhà mình, Deepak đã bị một con rắn hổ mang táp và sau đó quấn chặt cánh tay cậu bé. Mặc dù cậu bé lắc tay rất mạnh để con rắn hổ mang buông ra nhưng bất lực, và thay vì bỏ cuộc, Deepak đã dùng răng của chính mình để cắn vào mình con rắn và khiến nó bị chết.
"Con rắn hổ mang quấn chặt lấy tay cháu sau khi nó cắn, khiến cháu rất đau đớn. Nhưng vì nó không chịu nhúc nhích khi cháu cố gắng rũ bỏ nó nên cháu đã dùng hết sức để cắn lại nó. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh", cậu bé kể lại.
Bố mẹ của Deepak sau đó đã đưa cậu bé đến một bệnh xá ở gần nhà để chữa trị vết thương do rắn cắn và tiếp tục theo dõi sức khỏe. Các bác sĩ cho biết, Deepak chỉ chịu một "vết cắn khô"- có nghĩa là con rắn hổ mang đã không tiết ra nọc độc.
Một chuyên gia về rắn của địa phương cho biết: "Cậu bé Deepak không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào và hồi phục nhanh do vết cắn khô khi rắn độc tấn công nhưng không có nọc độc tiết ra".
Theo vị này, những con rắn hổ mang trưởng thành có thể kiểm soát được nọc độc của chúng, bằng cách gây ra những vết cắn khô. Điều này thường xảy ra khi con rắn đang cảnh báo hoặc xua đuổi những loài động vật có nguy cơ đe dọa đến sự sống của nó.
Tại huyện Jashpur- nơi vụ việc hi hữu vừa xảy ra, khu vực được biết đến là địa bàn sinh sống của hơn 200 loài rắn.
Tai nạn rắn hổ mang độc cắn người vốn rất phổ biến và là chuyện thường ngày ở Ấn Độ. Một nghiên cứu cho thấy ở quốc gia Nam Á, có tới hơn 85% trường hợp tử vong do rắn cắn được ghi nhận vào năm 2019.
Một nghiên cứu khác gần đây cho thấy, trong số 63.000 người tử vong vì rắn cắn vào năm 2019, thì có đến 51.000 nạn nhân là ở Ấn Độ.