| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện một dòng sông

Thứ Bảy 30/04/2011 , 07:30 (GMT+7)

Từ xa xưa, vùng đất Cà Mau được mệnh danh là “quê hương của sông ngòi – kinh rạch” bởi nếu tính chiều dài của các con sông thì Cà Mau có trên 10.000 km, với tổng diện tích kinh rạch gần 20.000 ha, chiếm 2,3% diện tích tự nhiên của tỉnh.

Từ xa xưa, vùng đất Cà Mau được mệnh danh là “quê hương của sông ngòi – kinh rạch” bởi nếu tính chiều dài của các con sông thì Cà Mau có trên 10.000 km, với tổng diện tích kinh rạch gần 20.000 ha, chiếm 2,3% diện tích tự nhiên của tỉnh. 

Với hệ thống sông ngòi chằng chịt đã giúp ích rất nhiều cho địa phương phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…Không những thế, từng dòng sông còn in đậm dấu ấn lịch sử thời khai hoang mở cõi cho đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ.

Con sông Cái Tàu đã chứng kiến cuộc khởi nghĩa chống pháp của hai anh em nhà Đỗ Thừa Luôn và Đỗ Thừa Tự, dòng sông Ông Đốc là nhân chứng lịch sử cho sự kiện tập kết ra Bắc của đồng bào, chiến sĩ miền Nam năm 1954… Từng con sông gắn liền với từng chiến công trong thời chiến, với từng nhiệm vụ quan trọng phát triển kinh tế trong thời bình. Trong số những con sông đã đi vào lịch sử, sông Đầm Dơi cũng được người dân bản xứ nhắc đến như một “người hùng”.

Nỗi khiếp sợ của quân thù

Sông Đầm Dơi dài 45km, xuất phát từ vàm Mương Điều chảy ra ngã ba Tam Giang, theo sông Cái Lớn đổ ra cửa Bồ Đề thuộc biển Đông, có độ sâu trung bình khoảng 5 đến 6 m (đây là con sông kinh trục). Cũng như bao con sông khác ở Cà Mau, sông Đầm Dơi hiền hòa nuôi dưỡng người dân địa phương, nhưng cũng hung tợn, dữ dằn, khiến cho quân thù phải khiếp sợ. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tại vàm Mương Điều nơi khởi nguồn của sông Đầm Dơi, các chiến sĩ săn tàu địch của ta đã anh dũng đánh chìm tàu Latoanăng của quân đội Pháp vào ngày 18/5/1947.

Ông Trần Văn Hữu (Ba Mãi), người con ưu tú của quê hương Đầm Dơi nhớ lại: “Sau khi đánh chìm tàu giặc, quân ta đã huy động hàng chục ngàn người đắp cản hai đầu kinh Mương Điều, dùng gàu tát cạn cả một khúc sông để thu nhặt toàn bộ vũ khí trên tàu gồm ba khẩu trung liên 13,2 ly, hai khẩu 12,7 ly, sáu trung liên và nhiều đồ dùng quân dụng khác”. Trận đánh lịch sử này đã làm cho quân Pháp khiếp sợ rút đi, bỏ lại rất nhiều đồn bót trên những tuyến sông mang tính chiến lược. Nhờ vậy, quân ta đã mở rộng vùng căn cứ kháng chiến, bảo vệ an toàn các cơ quan Nam Bộ và Quân khu 9 đóng trên địa bàn. Quân và dân Đầm Dơi đã bám vào những tuyến sông có địa hình hiểm yếu đánh giặc cho đến khi bọn Pháp khiếp sợ, rút ra khỏi nước ta.

Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân địch cho xây dựng chi khu Đầm Dơi rất kiên cố tại ngã tư sông Đầm Dơi để khống chế phía Đông Nam của Cà Mau vốn là vùng căn cứ địa của cách mạng. Rạng sáng ngày 10 tháng 9 năm 1963, tiểu đoàn U Minh Cà Mau sau nhiều giờ chiến đấu kiên cường đã tiêu diệt được toàn bộ chi khu Đầm Dơi, nơi được xem là căn cứ khó tấn công của quân địch. Trận đánh vang dội này đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắt sống hàng chục tên, thu và phá hủy nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch. Sau trận đánh này, vùng giải phóng Cà Mau mở rộng thêm 17 xã nối liền, góp phần thắng lợi cho ngày 30/4/1975 lịch sử.

Dòng chảy của vùng tôm công nghiệp

Chiến tranh đã qua đi, lùi dần vào trong quá khứ. Ngày nay trên miền đất khét tiếng của chiến khu năm xưa là trung tâm huyện lỵ của Đầm Dơi, dòng sông Đầm Dơi hiền hòa trở thành dòng thủy lợi phục vụ đắc lực cho những đầm nuôi tôm trù phú.

Ông Nguyễn Quốc Thống, Phó phòng NN-PTNT huyện Đầm Dơi cho biết: Đầm Dơi là một huyện trọng điểm về nuôi trồng thủy sản với diện tích 62.059ha, trong năm 2010, sản lượng thủy sản của huyện đạt 81.928 tấn đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của huyện nói riêng và của ngành thủy sản nói chung. Riêng quý I năm 2011, diện tích nuôi tôm công nghiệp phát triển thêm được 533,57 ha, nâng tổng diện tích nuôi công nghiệp toàn huyện lên 1.546,31 ha và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng.

Sông Đầm Dơi ngoài việc phục vụ cho vùng phát triển nuôi trồng thủy sản, nó còn là đường giao thông thủy huyết mạch để vận chuyển thủy sản, nông sản với các địa phương khác trong tỉnh Cà Mau. Là điểm đến của những cư dân từ những nơi khác về đây buôn bán tấp nập trên sông. Với những lợi thế do thiên nhiên ban tặng, sông Đầm Dơi nói riêng và nhiều con sông khác trong tỉnh Cà Mau nói chung đã góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Do sông Đầm Dơi thông ra với cửa biển Đông nên nguồn nước là một lợi thế cho địa phương này phát huy thế mạnh trong việc sản xuất thủy sản, phát triển ngày càng mạnh các đầm tôm nuôi công nghiệp cho hiệu quả cao. Ngoài ra, sông Dầm Dơi thuộc hệ thống kinh trục, dòng chảy của sông đảm bảo nguồn nước cho bà con nông dân nuôi trồng thủy sản quanh năm. Dựa vào thế mạnh này, chính quyền địa phương không ngần ngại đầu tư nhiều công trình thủy lợi trọng điểm như: xây dựng dự án tiểu vùng thủy lợi 15, 16, 18 và nhiều công trình thủy lợi khác với số tiền đầu tư hàng trăm tỉ đồng.

Lão nông Lâm Văn Khiếm, Chủ nhiệm của HTX nuôi tôm công nghiệp Tân Duyệt nói: “Vận dụng thế mạnh sẵn có, nhiều thành viên trong HTX đã mạnh dạn đầu tư vốn thành lập nhiều đầm tôm công nghiệp cho thu hoạch hàng triệu tấn”. Do đảm bảo được nguồn nước nên việc canh tác của bà con diễn ra rất sôi động và liên tục trong năm. Theo lịch thời vụ của bà con, tôm công nghiệp được chia thành hai vụ/năm. Vụ chính bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 7 (dương lịch) hàng năm, vụ phụ bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau.

Ngoài việc phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp, bà con nông dân còn áp dụng mô hình một vụ lúa, một vụ tôm, phát triển bền vững. Ông Khiếm cho biết thêm, do dòng chảy của sông Đầm Dơi mạnh, vào mùa mưa bà con có thể thoát nước ra sông, rửa mặn trong đất một cách nhanh chóng để trồng lúa, thả cá nước ngọt thu hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.