| Hotline: 0983.970.780

CCHC ngành nông nghiệp: Phải tạo điểm nhấn có tính đột phá

Thứ Tư 15/02/2012 , 09:47 (GMT+7)

Cải cách hành chính (CCHC) luôn là câu chuyện khó của nhiều bộ, ngành. Ngành Nông nghiệp vẫn phải thực hiện để đạt kết quả là một trong 10 Bộ đi đầu trong công tác CCHC...

* Báo NNVN sẽ có chuyên mục "Cải cách hành chính"

Ngành Nông nghiệp phấn đấu là một trong 10 Bộ đi đầu trong công tác CCHC (Ảnh minh họa)

Đó là nội dung xuyên suốt toàn bộ Hội nghị triển khai chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày hôm qua, 14/2. Bộ trưởng Cao Đức Phát trực tiếp chủ trì hội nghị.

Nhiều người sáng cắp ô đi, tối cắp ô về

Không ngạc nhiên khi nhiều người nhận xét: Chẳng có cuộc họp nào là không buồn chán nếu cứ dính đến chữ cải cách thủ tục. Cầm đống tài liệu trên tay, Bộ trưởng Cao Đức Phát khởi đầu Hội nghị bằng nhận định: "Tôi sẽ lắng nghe tất cả ý kiến đóng góp của các vị có mặt tại đây. Cải cách hành chính (CCHC) luôn là câu chuyện khó của nhiều bộ, ngành. Ngành Nông nghiệp vẫn phải thực hiện để đạt kết quả là một trong 10 Bộ đi đầu trong công tác CCHC".

Theo báo cáo của ông Nguyễn Sông Thao, Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, trong công tác quy hoạch cán bộ, chủ động tạo nguồn cán bộ lãnh đạo luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong CCHC những năm vừa qua. Đến nay, đã có 37 cơ quan, đơn vị được rà soát, bổ sung với 247 người vào 284 chức danh, riêng năm 2011 đã hoàn thành danh sách của 335 người vào 404 chức danh. Trong đó, quy hoạch lãnh đạo cấp trưởng đơn vị là 121 người (312/335 đảng viên), trình độ cao cấp và cử nhân chính trị là 298 người…

Tuy nhiên, theo ông Thao, hạn chế của CCHC vẫn rất lớn. Đó là mục tiêu của CCHC phải giảm phiền hà cho nhau, thế nhưng chất lượng cán bộ công chức của ngành còn nhiều mặt chưa đáp ứng với yêu cầu đổi mới. Đặc biệt vẫn còn nhiều công chức trì trệ theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” hay hiện tượng quan liêu, vô cảm, thiếu trách nhiệm, đạo đức công vụ.

Ông Thao kiến nghị, Bộ cần tăng tỷ lệ nhân lực qua đào tạo từ 15,5% (năm 2010) lên 50% (năm 2020); phát triển đồng bộ đội ngũ nhân lực ở mọi lĩnh vực, vùng, miền và có trình độ chuyên môn, chất lượng ngang tầm các nước trung bình trong khu vực.

Theo ông Cao Cảnh Giác, Trưởng phòng Kiểm soát Thủ tục hành chính (Bộ NN-PTNT) nhiều thủ tục hành chính chưa công bố từ năm 2009 đến tháng 6/2011 là Tổng cục Lâm nghiệp 86 văn bản; Tổng cục Thủy lợi 17 văn bản; Cục Chăn nuôi 23 văn bản. Nhiều đơn vị còn chưa xác định việc đánh giá tác động là giúp nâng cao chất lượng nội dung thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Để khắc phục những bất cập trên, ông Giác cho biết sẽ đẩy mạnh việc kiểm soát thủ tục hành chính trên các kênh thông tin như báo, tạp chí, truyền thanh. Bộ sẽ chọn Báo NNVN mở chuyên mục CCHC và Kiểm soát Thủ tục hành chính, tuyên truyền về công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Phải mang tính đột phá

Để khắc phục những bất cập do thủ tục đem lại, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho hay, năm 2012, Vụ sẽ hoàn thành khá nhiều việc “nặng nhọc”. Đó là tiếp tục soạn thảo 5 dự án Luật, trong đó có dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai để trình Quốc hội có ý kiến vào tháng 11/2012; xây dựng và trình Chính phủ 10 Nghị định, 16 Quyết định của Thủ tướng, ban hành 76 Thông tư của Bộ và xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia...

Ngày 14/2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám phát động cuộc thi Chung tay Cải cách thủ tục hành chính. Đối tượng dự thi là các cá nhân, công dân VN, tổ chức trong nước hoặc nước ngoài có trụ sở tại VN. Bài dự thi có thể gửi về địa chỉ thư điện tử: chungtancaicach@thutuchanhchinh.vn hoặc gửi địa chỉ: Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, số 1 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội.

Song song là rà soát, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn bổ sung thêm: Nên chọn 1 điểm nhấn cần thiết nhất có tính đột phá để thực hiện sẽ tạo được sự đổi mới, thành công hơn. Ví dụ như Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính đã làm rất thành công, được nhiều bộ, ngành triển khai có hiệu quả.

Theo ông Tuấn, từ trước đến nay các đơn vị chưa có quyết tâm trong CCHC. Phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm. Vì vậy, yếu kém đó phải quy trách nhiệm cho chính người đứng đầu đơn vị đó. Cách xây dựng quy phạm cũng có vấn đề, văn bản chồng chéo quá nhiều. Tổng cục Thủy sản năm nay sẽ xử lý gắt gao các văn bản chồng chéo này. Rất mong Bộ cùng vào cuộc để kiểm tra và loại bỏ các văn bản “có vấn đề”.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, CCHC sẽ là nhiệm vụ xuyên suốt từ nay đến năm 2020 và ông đồng tình với việc cần chọn ra một điểm nhấn để thực hiện việc CCHC. Trách nhiệm thực hiện lớn nhất sẽ là lãnh đạo các đơn vị. Để làm được việc này, Bộ trưởng gợi ý: CCHC phải luật hóa 5 điểm: thị trường, xã hội hóa, phân cấp, phù hợp thông lệ quốc tế - cam kết của VN và thực tiễn. 

5 tiêu chí mà CCHC phải đạt là: Năm 2015 có 60% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các đơn vị dưới dạng điện tử và 2020 là 90%. Các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên mạng của Chính phủ. Thực hiện hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008. Năm 2015, trên 60% cá nhân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của đơn vị hành chính và đến 2020 là trên 80%.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.