| Hotline: 0983.970.780

Chậm xanh hóa là có lỗi với thế hệ tương lai

Thứ Tư 15/03/2023 , 20:10 (GMT+7)

Chủ trương chính sách chuyển đổi sang kinh tế xanh khá rõ, cái chính là doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực vượt trội để có thể đi theo hướng kinh tế xanh.

Empty

Vinamilk là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn từ những cánh đồng cỏ trồng theo hữu cơ, nuôi bò theo cách hữu cơ để có thể có những sản phẩm hữu cơ.

Nhiều doanh nghiệp tiên phong phát triển kinh tế xanh

Chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam bên lề Lễ trao chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2023, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nhìn lại hành trình 27 năm chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao có thể thấy, có rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã phấn đấu tốt để trở thành những doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, có sản phẩm đạt chất lượng tốt cho phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Đã có không ít mặt hàng xuất khẩu thành công, đưa nền kinh tế Việt Nam lên vị thế khá tốt trên toàn cầu, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, thủy sản, tiêu, đồ gỗ…

Tuy nhiên, theo bà Lan, trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế trên toàn cầu đều đang chuyển mạnh sang xanh, nếu chỉ có hàng chất lượng cao không thôi thì chưa đủ, mà buộc chúng ta phải suy nghĩ đến "phát triển xanh", và nó trở thành yêu cầu, trước hết là của người tiêu dùng.

Sau đại dịch Covid-19, con người bị thúc đẩy hiểu hơn về cuộc sống với thiên nhiên, không phá hoại thiên nhiên một cách quá đáng. Mặt khác, biến đổi khí hậu cũng gây ra những vấn nạn vô cùng tàn khốc, đòi hỏi các quốc gia buộc phải quan tâm tới việc phát triển xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn và chung tay bảo vệ môi trường tốt hơn.

Bà Lan trăn trở, trong những năm qua, chúng ta mải mê chạy theo tăng trưởng, phát triển thì nhiều, nhưng không quan tâm ảnh hưởng đến môi trường, làm cho môi trường bị hủy hoại. Cái giá của khôi phục môi trường lớn hơn rất nhiều so với lợi ích chúng ta đã làm được trong thời gian vừa qua.

Việt Nam là một trong những nước có thể chịu tác hại nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong 5 đồng bằng trên thế giới có nguy cơ lớn nhất chìm xuống nước biển, ngay TP.HCM cũng đang bị đe dọa là một trong những thành phố dễ bị chìm dưới nước biển nhiều nhất.

"Phát triển xanh, tăng trưởng xanh bây giờ đối với chúng ta là vô cùng quan trọng và cần thiết và cần bắt tay vào làm ngay cho thế hệ ngày nay và cả thế hệ tương lai của đất nước. Không làm bây giờ thì là quá muộn, quá trễ để có thể bắt đầu lại và cứu vãn được cuộc sống của chính mình trên chính đất nước của mình", bà Chi Lan nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tầng lớp trung lưu và thế hệ Z là hai đối tượng quyết định xu hướng tiêu dùng hiện nay và tương lai. Đặc biệt, họ có ý thức khá rõ và sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm thân thiện với môi trường, sẵn sàng tẩy chay những sản phẩm gây hại cho môi trường.

Qua 10 năm quan sát, bà Lan nhận thấy, có nhiều doanh nghiệp đã ý thức được sớm và đã có một số doanh nghiệp đi tiên phong, làm khá nhiều việc hướng tới kinh tế xanh. Như Vinamilk đã rất thành công và là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển theo hướng kinh tế xanh từ những cánh đồng cỏ trồng theo hữu cơ, nuôi bò theo cách hữu cơ để có thể có những sản phẩm hữu cơ.

Hoặc như Vĩnh Hoàn cũng là doanh nghiệp đầu tiên đi vào kinh tế tuần hoàn, đầu tư ban đầu khá công phu và vất vả nhưng đã mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều cho doanh nghiệp. Hay như Vinamit vài năm trở lại đây cũng đi theo kinh tế xanh và dẫn dắt rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khác trong nông nghiệp, kể cả những người trẻ bắt đầu khởi nghiệp bằng cách làm xanh, cách làm bản địa, cách làm thân thiện với môi trường đều được Vinamit rót vốn đầu tư.

"Đó là những tấm gương, những người đi tiên phong, có tác động thúc đẩy, lôi cuốn những người khác trong cùng ngành mình cùng đi theo hướng đó. Chúng ta có thể tin tưởng, trong tương lai các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thực sự giác ngộ và cố gắng làm tốt hơn để phát triển kinh tế xanh", bà Chi Lan nhận định.

Làm kinh tế xanh tốt là cách để doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh, thuyết phục, tạo được niềm tin lớn cho người tiêu dùng, từ đó tạo cơ sở cho doanh nghiệp phát triển bền vững trong tương lai và theo kịp những trào lưu quan trọng trên thế giới.

Empty

Nông trại Vinamit Organic Farm nằm tại thị xã Phú Giáo, tỉnh Bình Dương với diện tích lên đến hơn 150ha với hơn 54 giống cây trồng, đã đạt được chứng nhận Canh tác hữu cơ và Nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic hữu cơ USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và Organic hữu cơ EU (Liên minh châu Âu).

Chuỗi cung ứng xanh, tiêu chuẩn xanh

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp bước vào kinh tế xanh lại không hề dễ dàng. Vì vậy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ba vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp cần thực hiện để phát triển kinh tế xanh bền vững.

Thứ nhất, phải xây dựng được các chuỗi cung ứng xanh để cùng nhau đi theo kinh tế xanh, từ đó  hình thành được những doanh nghiệp xanh thực sự. Thứ hai, tăng cường đào tạo cho người lao động về kinh tế xanh, cả về nhận thức cho đến kỹ năng, thái độ làm việc, tính nghiêm túc để tuân thủ tất cả các quy định về xanh. Đây là việc tốn kém và không dễ dàng. Thứ ba, nguồn lực tài chính cho kinh tế xanh trước bối cảnh lạm phát cao, kinh tế toàn cầu có nhiều chao đảo.

"Chủ trương chính sách chuyển đổi sang kinh tế xanh cũng đã được Chính phủ ban hành khá rõ. Cái chính là các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực của mình vượt trội để có thể đi theo hướng kinh tế xanh. Tôi tin nền nông nghiệp Việt Nam sẽ là thành công nhưng bằng con đường phát triển xanh", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Để phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học - Công nghệ), cũng cần có các tiêu chuẩn xanh. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xây dựng tiêu chuẩn của chính mình để phục vụ cho chính lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng với thế giới.

Hiện Việt Nam đã xây dựng 13.500 tiêu chuẩn quốc gia với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn thế giới (khoảng 65%) ở tất cả các lĩnh vực. Đây là nền tảng kỹ thuật hỗ trợ cho các bộ ngành xây dựng khoảng 800 quy chuẩn chất lượng quốc gia với mục tiêu đảm bảo tính an toàn, sự công bằng trong sản xuất kinh doanh.

Theo định hướng đến năm 2030, Bộ Khoa học - Công nghệ sẽ tiếp tục nâng cao, cập nhật các tiêu chuẩn mới, đưa tiêu chuẩn của thế giới về ứng dụng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam một cách nhanh nhất. 

Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp phải gắn chặt với các yếu tố văn hóa, xã hội và xu thế phát triển bền vững cũng như tư duy toàn cầu. Kinh tế nông nghiệp bao hàm cả nền kinh tế tri thức và kinh tế tương lai. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp phải đi theo xu thế kinh tế tuần hoàn, từ đó tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn thông qua sự sáng tạo và phát triển các sản phẩm mới. 

Và để phát triển nền kinh tế xanh đáp ứng được các tiểu chuẩn chuẩn mực của thị trường, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bắt buộc chúng ta phải hành động, phải thay đổi ngay. Bắt đầu từ việc "xanh hóa" tư duy doanh nghiệp trước tiên, để khớp với tư duy của nền kinh tế xanh, trở thành xu thế của quốc gia, và là động lực của đất nước, cùng chung tay khởi tạo nền kinh tế xanh, tránh tình trạng “mạnh ai nấy đi”. 

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.