| Hotline: 0983.970.780

Chán nản vì công việc

Thứ Ba 13/03/2012 , 11:04 (GMT+7)

Cháu cảm thấy rất chán nản và bất công. Tại sao con ông cháu cha lại dễ dàng có việc, trong khi người học hành vất vả như cháu lại không có nơi làm ổn định...

Ảnh minh họa
Gửi cô!

Cháu là một độc giả thường xuyên của chuyên mục. Cháu thấy cô tư vấn cho nhiều người đi đến thành công và họ đã đạt được kết quả mà họ mong muốn.

Cháu muốn tâm sự với cô câu chuyện của cháu:

Tại sao số phận của cháu rất khó khăn về công việc? Cháu cũng biết xin việc bây giờ rất khó, vì cháu đã 30 tuổi rồi. Nhưng hồi cháu học xong 28 tuổi và lấy chồng, lúc ấy đi xin việc ở đâu họ cũng đòi hỏi từ 22 đến 27 tuổi mà thôi. Cháu thấy chán và nghĩ về số phận, chẳng lẽ mất công học bao nhiêu năm mà không xin được việc làm ổn định ư? Thực sự cháu có làm cho nhiều công ty nhưng toàn là những công ty chậm lương, tận 4 tháng không trả lương cho nên cháu đành phải nghỉ, để đi tìm một chỗ ổn định cho mình và có các chế độ đầy đủ cho mình rồi còn sinh con. Nhưng tìm mãi  mà không được, cháu thấy nản quá đi cô.

Nhưng cháu cũng thấy thật bất công. Tại sao cứ con ông cháu cha là được vào làm dễ dàng trong các nghề như công an, giáo viên, ngân hàng..., họ chỉ cần bằng trung cấp hoặc chỉ có bằng cấp III là họ vào được nghề đó. Cô biết không, đường học của cháu thật là gian nan vất vả, cháu học trung cấp du lịch, ra trường đi làm được 3 năm sau cháu mới đi học tiếp cao đẳng kế toán 3 năm nữa. Cho nên cháu thấy tại sao công việc nó lại khác xa với thực tế vậy cô? Cháu chẳng biết giờ phải làm thế nào để xin được việc làm ổn định và lâu dài cho mình nữa. Ở đâu cháu cũng thấy họ nhận người quen.

Cô hãy cho cháu một lời khuyên và hướng đi, cô nhé!

Cháu xin được giấu kín email

Cháu thân mến!

Trước hết nói vì sao hiện nay khó xin việc:

Thứ nhất, bây giờ thực sự đất chật người đông, phần do người VN mình đẻ nhiều và mấy chục năm qua, dân số ta đã tăng gấp đôi, một quốc gia tươi vì nhiều dân số trẻ.

Thứ hai, người đông mà của khó, ngành nghề chưa phong phú mà số có học, có bằng cấp tương đối để vào đời quá đông. Người mình hiếu học, nghèo gì cũng lo cho con cháu ăn học, cũng là một quốc gia kỳ lạ trong sở thích học và chí học.

Thứ ba, cũng chỉ vì việc ít người nhiều nên dễ sinh ra hiện tượng dành việc cho quen biết, phe nhóm.

Thứ tư, mấy năm nay, hai lần suy thoái kinh tế, năm 2008 một lần và năm 2011 thêm một lần nữa. Kinh tế khốn đốn, người mất việc đông lên làm cho tình trạng thừa người thiếu việc trở nên nghiêm trọng.

Cháu không bất hạnh quá như cháu nghĩ. Cháu đã từng đi làm, rồi đi học lên để thoát khỏi số phận tấm bằng trung cấp, quá tốt. Nhất là bằng cao đẳng kế toán nữa thì không lo ế. Cháu đã lấy chồng và sinh con, hai việc quan trọng nhất cháu đã làm xong thì chuyện việc làm bỗng trở thành việc thứ, đừng hốt hoảng.

Lại nói về chuyện xin việc. Cô biết một người thầy dạy lái xe ở một tỉnh nọ. Cậu ta là thầy giỏi, mát tay, tận tâm. Thế là cậu ta xin được việc ở ngân hàng cho vợ dù vợ mới chỉ có bằng cấp III. Với nhiều người đã có việc, cô biết, họ đều phải chạy việc bằng tiền cả. Bất công là ở chỗ ấy, chỗ người nghèo mà giỏi thì bị đẩy ra, người kém (thường con ông cháu cha nên ỷ lại và kém cỏi) thì được nhận vào những chỗ thơm, chỗ mát.

Cô nghĩ, con của cháu còn nhỏ, hãy an ủi là mình ở nhà với nó thêm một thời gian. Dĩ nhiên, ở nhà thêm thì tuổi thêm, khả năng xin việc sẽ khó hơn, nhưng biết làm sao bây giờ? Cũng nên xem lại sự nhảy việc nhiều, nó thành vết hằn trong lý lịch và dù mình có thanh minh gì người ta cũng không hiểu như mình hiểu. Vì vậy, phải chọn chỗ để xin và hãy suy nghĩ kỹ mọi mối quen biết của bên mình lẫn bên chồng để đâm đơn xem sao.

Hãy xem ti-vi để thấy châu Âu cũng thất nghiệp đầy ra trong thời đại suy thoái toàn cầu. Vì vậy, mỗi cá nhân hãy kiên nhẫn, mỗi gia đình hãy tự thu xếp và gói ghém, còn khó khăn nhiều nữa chứ đâu đã dễ hơn. Nhiều người đi làm thấp hơn bằng cấp, bán hàng tại nhà, cũng là việc và tiện chăm con. Cố gắng lên cháu nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm