| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi an toàn

Thứ Sáu 08/08/2014 , 08:15 (GMT+7)

Hằng năm, tổng đàn gia súc, gia cầm của nước ta thải ra môi trường khoảng 80 - 85 triệu tấn chất thải rắn, vài chục tỷ khối chất thải lỏng và vài trăm triệu tấn khí thải. 

Đây là nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường ở nông thôn. Do đó, xử lý chất thải toàn diện đang là vấn đề rất bức thiết.

Môi trường nông thôn bị đe dọa

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, đến năm 2013 cả nước có hơn 8.000 trang trại chăn nuôi. Những năm qua, chăn nuôi có sự tăng trưởng nhanh cả về quy mô và giá trị.

Tốc độ tăng trưởng giá trị SX 5 - 6%/năm cho cả giai đoạn 2011 – 2013. Phát triển chăn nuôi trang trại đã tiếp cận được nhiều tiến bộ KHKT mới và có tiến bộ đáng kể về giống, thức ăn, công nghệ chăn nuôi và nhất là công tác quản lý.

Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn hình thức chăn nuôi trang trại: Lợn chiếm 70% về đầu con và 60% về sản lượng thịt hơi; gà chiếm 70% về đầu con và 55% về sản lượng thịt hơi…

Chăn nuôi nhỏ lẻ dẫn đến khó kiểm soát, quản lý và thiếu đầu tư cho xử lý chất thải. Bên cạnh đó, phương thức nuôi đa con, cơ sở chăn nuôi nằm trong khu dân cư đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cư dân nhiều vùng nông thôn.

 Các trang trại có hệ thống xử lý môi trường còn chiếm tỷ lệ thấp. Đa phần hiệu quả chưa cao, khó đáp ứng được tiêu chuẩn xả thải. Các công nghệ tiên tiến, hiện đại phải đầu tư chi phí vận hành cao chưa được áp dụng nhiều.

Ông Phạm Hùng Cường, Viện Chăn nuôi cho rằng, công nghệ biogas là một giải pháp thích hợp mang lại nguồn năng lượng sạch, đồng thời góp phần đáng kể giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thống kê cho thấy, tỷ lệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống biogas khoảng 53% ở miền Nam; 60% ở miền Bắc và 42% ở miền Trung.

Tuy nhiên, chất thải sau biogas chưa bị phân huỷ đang là nguồn phát thải gây hiệu ứng nhà kính, nguồn lây lan bệnh tật và gây nên sự phì dưỡng trong đất và nguồn nước mặt. Hơn thế, lượng phát thải nitơ và phốt pho từ chất thải sau biogas ra môi trường còn nhiều hơn so với các hộ không xử lý chất thải bằng hầm biogas.

 Do vậy, cần phải tiến hành nghiên cứu các giải pháp sử dụng lượng khí thừa ra từ hệ thống biogas. Số hộ thừa khí biogas ở miền Bắc khoảng 47%; miền Nam 57% và miền Trung 80%.

SX khí sinh học trong các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ là một giải pháp hữu hiệu mang lại lợi ích to lớn về cung cấp nguồn năng lượng sạch, phục vụ nhu cầu đun nấu, thắp sáng, chạy máy phát điện và đang dần thay thế cho các nguồn nguyên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, việc quản lý, vận hành công trình khí sinh học vẫn còn nhiều bất cập và gây ra nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, những lợi ích từ ủ phân sinh học giúp tận dụng được các phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra phân bón tốt cho cây trồng, làm giảm chi phí đầu tư trong trồng trọt, tiêu diệt các mầm bệnh có trong phân chuồng, nhất là khi gia súc bị bệnh.

Tuy nhiên, việc ứng dụng xỷ lý chất thải vật nuôi bằng phương pháp ủ composting còn rất hạn chế tại Việt Nam do chi phí đầu tư trang thiết bị tốn kém; tốn nhiều thời gian (2 - 3 tháng), cần diện tích đất, hố ủ, nơi gom thu chất thải lớn. Ý thức sử dụng phân bón hữu cơ của nông dân còn hạn chế.

Đẩy mạnh ứng dụng đệm lót sinh học

“Người chăn nuôi phải chịu áp lực lớn từ cộng đồng khi để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, hoặc có được sự trợ giúp nhất định của chính quyền như ở Hà Nam thì chăn nuôi trên đệm lót sinh học là biện pháp rất có ý nghĩa trong xỷ lý chất thải gia súc, gia cầm”, TS Nguyễn Khắc Tuấn.

Trong những năm gần đây, phong trào sử dụng đệm lót sinh học (sử dụng chế phẩm BALASA N01) trong chăn nuôi gà đã được thử nghiệm và áp dụng theo các quy mô khác nhau ở nhiều địa phương.

Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi, tính đến tháng 11/2013, cả nước có 702 trang trại nuôi gà, gần 58 ngàn hộ gia đình thực hiện làm đệm lót sinh học với tổng diện tích hơn 5,4 triệu m2.

TS Nguyễn Khắc Tuấn cho biết, ứng dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi gia cầm đã tiêu huỷ triệt để toàn bộ phân gà, tạo được môi trường chăn nuôi trong sạch.

Các mô hình thực nghiệm tại huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cho thấy, người chăn nuôi thu được nhiều lợi ích như giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và bệnh hô hấp, giảm công và chi phí thuốc trong việc chữa trị bệnh, tăng khả năng sinh trưởng, giảm tiêu tốn thức ăn... nhờ đó tăng lợi nhuận so với cách nuôi truyền thống.

Sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn cũng thu được những kết quả rất tốt; tạo cơ hội phát triển chăn nuôi ngay ở khu dân cư đông đúc mà tránh được những mâu thuẫn nảy sinh do chăn nuôi ô nhiễm gây ra.

Phương thức này cũng giúp cho chăn nuôi nông hộ có sự ổn định và phát triển, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, diện tích ứng dụng mới chỉ đạt 70.000 m2 với 28 trang trại và gần 3.700 hộ gia đình sử dụng.

“Trong 3 năm trở lại đây, nông dân ở các địa phương gần như hoàn toàn tự phát trong sử dụng đệm lót sinh học. Họ không hề được sự trợ giúp về bất cứ vấn đề gì từ phía cơ quan nhà nước (trừ Hà Nam). Nếu phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học cũng được sự quan tâm trợ giúp như đối với sử dụng bể biogas thì chắc sẽ phát triển rất nhanh, trên quy mô lớn gấp nhiều lần", TS Nguyễn Khắc Tuấn nhấn mạnh. 

Là một trong những người đi đầu trong việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, ông Ngô Văn Thêm (xóm 7, Nhân Chính, huyện Lý Nhân, Hà Nam) chia sẻ: “Vừa qua, tôi nuôi 100 con lợn theo đúng quy trình hướng dẫn là chuồng hở, mái kép và chống nóng dùng quạt nên mùa hè lợn vẫn nằm được trên đệm lót. Trong các tháng đông xuân, lợn nuôi ở chuồng có đệm lót tăng trọng cao hơn 6 - 8% so với lợn nuôi trên nền xi măng".

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).