| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi an toàn sinh học giúp đẩy lùi dịch bệnh

Thứ Hai 14/03/2022 , 10:31 (GMT+7)

Chăn nuôi an toàn đang ngày càng được mở rộng tại các địa phương của Tuyên Quang, nhờ đó mà rủi ro dịch bệnh trên đàn vật nuôi của tỉnh được giảm thiểu.

Sơn Dương là địa phương dẫn đầu tỉnh Tuyên Quang về số lượng các trang trại chăn nuôi lơn quy mô lớn. Ảnh: Đào Thanh.

Sơn Dương là địa phương dẫn đầu tỉnh Tuyên Quang về số lượng các trang trại chăn nuôi lơn quy mô lớn. Ảnh: Đào Thanh.

Lợn đực cũng… có chửa

Hơn 10 năm nay, kể từ khi nhận nhiệm vụ là cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Dương, hằng ngày chị chị Lê Thị Thu Thủy thường xuyên đi hơn 80km để đến nằm vùng tại xã Văn Phú, huyện Sơn Dương.

Văn Phú là xã điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số cao. Ngày chị Thủy mới được phân công về phụ trách xã Văn Phú, cứ đi rà soát đàn lợn trong diện phải tiêm hộ nào cũng khai báo lợn đang chửa để khỏi phải tiêm, kể cả những con lợn đực họ cũng bảo đang có chửa. Nhiều hộ, trước đây lợn chết do bệnh người dân hay vứt ra những bãi hoang hay ra sông, suối.

Để bà con hiểu được ý nghĩa của việc tiêm phòng vacxin, mỗi mùa vụ tiêm phòng, chị Thủy thường mời cán bộ khuyến nông, thú y xã, cán bộ thôn tuyên truyền, giải thích cho bà con. Việc tiêm phòng cũng như chăn nuôi an toàn sinh học là bảo vệ tài sản của chính các hộ dân.

Khi nhà có lợn bị dịch bệnh chết, các hộ dân cần thực hiện chôn tập trung và thực hiện nghiêm túc công tác tiêu độc khử trùng như vậy sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại cho hộ chăn nuôi cũng như cộng đồng. Nhờ đó, các hộ dân đã dần ý thức hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Đến nay, việc tiêm phòng hằng năm của xã Văn Phú đạt hơn 80%.

Những năm 2018 và 2019, ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu Phi đã khiến tổng đàn lợn của xã Văn Phú từ hơn 5.000 con đến nay chỉ còn hơn 3.500 con lợn. Đến nay, số lượng đầu lợn của xã Văn Phú đang dần được tăng lên. Xã vẫn duy trì được 6 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, những hộ nuôi nhỏ lẻ từ 5 đến 7 con đã không còn nữa.

Từ những người cán bộ cơ sở như chị Thủy đã giúp kiến thức về chăn nuôi an toàn cũng như tư duy chăn nuôi của người nông dân ở các vùng nông thôn ở huyện Sơn Dương thay đổi rõ nét. Hiện nay, tổng đàn lợn của huyện Sơn Dương là 157.000 con, huyện có khoảng 80 tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại. Sơn Dương cũng là địa phương dẫn đầu tỉnh Tuyên Quang về tổng đàn lợn cũng như các mô hình chăn nuôi trang trại và theo hướng trang trại.

Chăn nuôi an toàn đang ngày càng được mở rộng tại tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Chăn nuôi an toàn đang ngày càng được mở rộng tại tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Mở rộng chăn nuôi an toàn

Chăn nuôi an toàn đang là xu hướng nâng cao giá trị kinh tế cho người chăn nuôi. Nâng cao năng lực và hiệu quả của cán bộ thú y cơ sở, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa mở các lớp tập huấn về kiến thức chăn nuôi an toàn cho các học viên là cán bộ của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện và hộ chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tham gia lớp tập huấn, các học viên sẽ được trang bị những kiến thức, trang bị phương pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi hiệu quả.

Anh Đặng Hữu Hiển, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn cho biết, anh được phân công phụ trách 2 xã Nhữ Hán, Nhữ Khê. Ở đây phong trào chăn nuôi phát triển khá mạnh, nhất là chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, Dịch tả lợn Châu Phi cũng đã tác động không nhỏ đến người chăn nuôi.

Qua lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, anh Hiển hiểu thêm được nhiều kiến thức về chăn nuôi an toàn sinh học. Đây sẽ là hành trang kiến thức quan trọng giúp anh hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn được phân công phục trách.

Đến nay, nhiều hộ chăn nuôi tại xã Nhữ Hán, Nhữ Khê nơi anh Hiển phụ trách đã chú trọng việc chăn nuôi an toàn và tái đàn nhanh và tái đàn thành công sau ảnh hưởng của Dịch tả lợn châu Phi. Rút kinh nghiệm từ những vụ trước, các hộ chăn nuôi tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch và pháp lệnh thú y.

Các hộ chăn nuôi chú trọng vấn đề kiểm soát vào ra khu chăn nuôi, ngăn cách khu chăn nuôi và khu sinh hoạt, có những bộ bảo hộ dành riêng cho việc ra vào khu chuồng chăn nuôi; thực hiện tốt việc kiểm soát con giống, nguồn thức ăn, nguồn nước đưa vào khu chăn nuôi…

Đợt dịch tả lợn châu Phi giữa năm 2018, gia đình ông Nguyễn Văn Hải, thôn Gò Chè, xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn thiệt hại 400 con lợn thịt, 50 con lợn nái. Trong khi nhiều người chạy dịch bán thốc, bán tháo, dù đang lỗ nặng ông vẫn để lại 27 con nái và 300 con lợn thịt còn lại. Chính sự bản lĩnh, quyết đoán ấy đã giúp ông gỡ lại vốn. Bởi sau mấy tháng dịch qua đi, tiền bán lợn thịt, lợn giống ông thu về hơn 2 tỷ đồng.

Ông Hải cho biết, may mắn lớn nhất của ông là đàn lợn nái vẫn còn, nên việc tái đàn cũng nhanh hơn. Ông đang nỗ lực để đàn lợn đạt con số 800 con lợn trong khu trang trại chăn nuôi.

Anh Nguyễn Ngọc Sáng, thôn Đông Thịnh, xã Đông Thọ được biết đến là ông chủ trạng trại lợn có quy mô lớn nhất huyện Sơn Dương. Doanh thu mỗi năm của anh Sáng đạt 20 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi  8 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động tại địa phương với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng. 

Anh Sáng cho biết, năm 2014 sau khi đã tìm hiểu nắm vững được quy trình, kỹ thuật về xây dựng chuồng trại nuôi lợn siêu nạc theo hướng công nghiệp, anh đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại theo phương án gồm chuồng trại, kho, hệ thống xử lý chất thải đảm bảo theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường tiêu thụ gặp khó hơn, song trang trại của gia đình anh vẫn duy trì hoạt động ổn định. Sản phẩm thịt lợn có tem nhãn mác, truy xuất nguồn gốc nên trung bình mỗi tháng trang trại bán ra thị trường gần 2.000 con lợn thịt.

Hiện ngành chăn nuôi của tỉnh Tuyên Quang đang dần phục hồi trở lại. Toàn tỉnh có gần 530.000 con lợn, trong đó có hơn 10 cơ sở chăn nuôi được công nhận chăn nuôi an toàn sinh học, đạt tiêu chuẩn VietGHAP. Đến nay, dịch tả lợn Châu Phi cũng về cơ bản được các địa phương khống chế thành công. Hiện chỉ còn xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương là chưa qua 21 ngày có lợn bị mắc Dịch tả lợn Châu Phi.

Để thúc đẩy ngành chăn nuôi của phát triển theo hướng an toàn, tập trung quy mô lớn, đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 8 chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, trong đó các chính sách hỗ trợ cho chăn nuôi lợn, như: Cho vay có hỗ trợ lãi suất tối đa 5 tỷ đồng/HTX, 500 triệu đồng/trang trại, hỗ trợ 1 tỷ đồng/dự án chăn nuôi lợn, hỗ trợ chăn nuôi nông hộ 5 triệu đồng/lợn đực giống...

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.