| Hotline: 0983.970.780

Chán và buồn với cái nếp nhà chồng

Thứ Ba 01/12/2020 , 09:43 (GMT+7)

Cháu không làm dâu nhưng khi xuất hiện ở nhà chồng, cháu xắn tay làm hết, đổi mới, lập lại trật tự, gây dựng nếp sống. Nhưng rồi cháu cũng không làm xuể.

Cô kính mến!

Thâm niên vợ chồng của cháu đã tính bằng những thập kỷ rồi cô. 20 năm. Mẹ cháu là người sống kỹ, mẹ cứ rèn cháu hai chữ nếp nhà, nếp nhà.

Vì nhà nội của mẹ sống kỹ, rất chú trọng gia phong. Hồi bé, cháu hay vùng vằng khi mẹ quá kỹ tính. Ví như phơi quần áo, phải trật tự, sào quần áo phải thấy đẹp, đồ lót phải có chỗ riêng, khuất.

Ví như ăn cơm phải có mâm bàn, không được qua loa, không được ngồi ăn trên nền nhà.

Ví như cái tô bún mình ăn cũng phải có dĩa lót. Ví như khăn lau bàn phải sạch, riêng với khăn lau bếp…rất nhiều ví như vậy đó cô.

Nhà chồng của cháu nghịch hẳn nếp sống ấy. Nhà đông con, cha cũng là trí thức, mẹ nội trợ nhưng mẹ tạo ra nếp rồi cha chắc là uốn theo luôn.

Điều cháu sợ nhất đã thấy: ăn không cần bàn ghế nói gì mâm, quần áo có thể máng trên hàng rào thay cho dây phơi hay sào phơi, lúc nào cũng ồn ào, lộn tùng phèo, khăn cũng xài chung, phòng tắm ướt đẫm, bồn cầu không ai hy sinh để cọ rửa.

Cháu không làm dâu nhưng khi xuất hiện ở nhà chồng, cháu xắn tay làm hết, đổi mới, lập lại trật tự, gây dựng nếp sống. Nhưng rồi cháu cũng không làm xuể.

Vợ chồng ở xa, mỗi năm về năm ba lần, con cái của cháu nhỏ, cháu bận ít về, có việc chồng cháu về nhiều hơn.

Khi làm có tiền, anh ấy mặc cảm gia đình mình xô bồ nên mua sắm bàn ghế, mâm bát, sắm từ cái khăn lau chén đến xấp khăn lau bàn lau bếp. Có khá lên. Nhưng không thể nào như nhà cháu được, cái nếp nhà nhỏ bình an, yên tĩnh, ngăn nắp mà anh sống trong đó 20 năm nay với vợ con.

Bây giờ chúng cháu đã trung niên, cha mẹ chồng vào tuổi già, con cái dâu rể, cháu nội cháu ngoại của cha mẹ chồng cháu đông lên mấy chục người. Mỗi khi có việc họp mặt, tết nhất, cháu thấy ngộp.

Cháu cũng già rồi sao. Vấn đề là các con cháu không thích về ông bà nội nữa. Rất chán và buồn đó cô.

---------------------

Cháu thân mến!

Đã rõ. Vì sao người ta nhấn mạnh Nhà đó có nếp. Cái nếp, cái nề nếp có thể hình thành hàng trăm năm. Người đàn ông lo sinh kế, người phụ nữ lo nội tướng.

Và cưới được một cô vợ có nếp nhà thì không gì bằng. Có khi chỉ với phương châm "Khéo ăn thì no khéo co thì ấm".

Cứ thế, mẹ truyền bí quyết cho con gái và con gái của cô gái, rồi sẽ theo nết mẹ. Có khi người ta chỉ nói đơn giản, nết ăn và nết ở. Cô có cảm giác cháu vững vàng nhờ ông bà cha mẹ đã cho mình một nếp sống. Cứ thế mà bước vào nhà người ta, cứ thế làm dâu (dù thi thoảng về), cứ thế làm vợ và làm mẹ.

Ân sủng của tổ tiên ông bà cha mẹ ấy lớn lắm. Cứ thế mà rèn con gái mình để nối dài nhé. Ấy là văn hóa sống.

Với nhà chồng, vì họ quá đông mà cái gốc họ nông nên cháu có tác động gì cũng không làm sâu sắc được. Rất nhiều gia đình sống qua loa sơ sài như vậy. Vì đâu?

Vì gốc gác nông dân, lúa nước, sình bùn, lao động. Cho dù có một hai thế hệ đang sống ở thành thì cái đuôi tiểu nông lúa nước vẫn còn. Ăn ở xập xệ, xà quần và vô kỷ luật, đông người càng mất vệ sinh, cứ thế họ sinh sôi, nối dài lối sống buông tuồng, bỗ bã, qua ngày.

Dĩ nhiên thế hệ con của cháu sẽ thấy cách sống ấy xa lạ. Chúng dị ứng vì chúng phải hòa nhập, chúng có cảm xúc huyết thống và sâu xa, chúng buồn bực. Sao nhà nội mình xập xệ thế chứ.

Đành thôi cháu ơi, như xứ sở văn minh, nhà nhà giữ khoảng cách lớn, đừng mất thời gian vào những chuyện dòng họ, ai vui ai buồn, ai tốt ai xấu mãi đi rồi kéo nhau vào mớ lùng nhùng trách cứ, soi mói, chỉ trích, mất dần hết tình cảm.

Còn ông bà nội là chúng còn nghĩa vụ, khi ông bà trăm tuổi thì chú bác cô dượng là những gia đình nhỏ độc lập nhau và có thể xa cách.Rất khổ tâm cho chồng cháu. Lo và chăm nhưng không như ý.

Vậy thì cháu cũng đừng chán quá khiến chồng nản, mất vui. Kệ đi, về gặp, chăm chút cha mẹ, mọi chuyện khác, kệ hết. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất