| Hotline: 0983.970.780

Chấp nhận thế hệ ấy nó đi xa quá rồi, nó sẽ là công dân toàn cầu...

Thứ Tư 07/11/2018 , 06:50 (GMT+7)

Mẹ và con gái chưa gả đi, chưa có gia đình riêng mà xa cách. Tấm gương bà ngoại với mẹ gần gũi, bạn bầy như thế nào, không tác động đến nó tí nào. Đúng là một thế hệ ích kỷ, vô cảm, như người máy...

Cô kính mến!

Giữa vợ chồng cháu và con cái là hai khoảng cách chứ đâu chỉ là hai thế hệ. Ở đây cháu muốn nói đến khoảng cách tinh thần, mới 20 năm thôi mà thực sự nó là hai thế kỷ cô ạ. Cháu nói có quá không? Bởi vì cháu thấy giữa bố mẹ và cháu vẫn rất gần: phương châm vẫn khéo ăn thì no khéo co thì ấm, chậm rãi, tích cóp, ai sao mình vậy, biết đủ là đủ.

Con gái đầu vợ chồng cháu cho du học. Một làn sóng, bạn bè nó thế, con mình không đi, thành ra mình kém, mình khiến con không mở mày mở mặt. Làm ra vẻ có, chứ kỳ thật nội ngoại giúp cả, chỉ có con là không biết mà thôi.

Bố nó cày dập mặt, đến mức bị dạ dày, gần như mãn tính rồi cô. Con cần đi sớm, học lùi, một năm phổ thông, bốn năm đại học, lại học thêm năm rưỡi bằng quốc tế tài chính nữa. Coi như mất cho con hẳn cái nhà, rồi nữa lấy chồng, chồng lo, nhé.

Đứa con trai chúng cháu rút kinh nghiệm, cho học nội quốc, nhàn thân mọi người. Nhưng đưa đón học thêm cũng chết khiếp. Vẫn hơn đưa con lên bệ phóng sớm, vừa mất tiền vừa nơm nớp. Đến hôm nay chúng cháu cũng chưa thể nói nó chịu học trong nước, vì càng học lên càng thấy sự học nước mình nhếch nhác, vô bổ, quá nhiều vấn nạn.

Vấn đề là cho con du học, khi thu con về như là trong nhà mình có đứa tây làm khách. Phòng riêng hay chốt, ăn gì mặc gì đi đâu bố mẹ đừng hỏi han giám sát nhé. Rồi nó yêu, nó với người yêu đi làm dành tiền đi du lịch nước ngoài suốt.

Nó không có ý thức đóng góp với bố mẹ để nuôi em, nói gì đến chuyện con muốn hoàn ít tiền mà bố mẹ đã chi cho con du học. Coi như nuôi là nghĩa vụ bố mẹ, miễn bàn, tự do của con, kể cả tự do về thu nhập là tuyệt đối nhé.

Mẹ và con gái chưa gả đi, chưa có gia đình riêng mà xa cách. Tấm gương bà ngoại với mẹ gần gũi, bạn bầy như thế nào, không tác động đến nó tí nào. Đúng là một thế hệ ích kỷ, vô cảm, như người máy ấy cô.

Con trai lớn nữa, đi nữa và thế là chắc cầm chắc bất hạnh đấy cô. Đâu phải nghèo hay bệnh tật mới bất hạnh đúng không cô? Mình mất con ngay trong nhà của mình, chán quá cô ơi.

---------------------

Cháu thân mến!

Lá thư chừng như nói lên được tâm tư chung của bố mẹ trung niên hôm nay. Cô đã làm bà, cô cũng băn khoăn suốt về khoảng cách khó cứu vãn này.

Phải khách quan để nhìn thấy nguyên do. Như cô đây và như mẹ cháu, thế hệ chiến tranh và hậu chiến, một hậu chiến bao cấp, đói kém triền miên, con người căn cơ đâm ra ai cũng giỏi, ai cũng rất hương vị, phải công bằng như thế.

Rồi cháu hay như con gái cô, bộ gene ấy, cực quý, trong một xã hội chưa thoát thai, vẫn chật vật, vẫn rèn luyện con người, vẫn như làng xã. Nhưng mình đã tụt hậu quá so với thế giới rồi, thế là tăng tốc, vừa chạy vừa xếp hàng, các cháu vẫn vừa cày (như cháu nói) mà vừa phải nâng cao đủ thứ mới bắt kịp thiên hạ đó chứ.

Bọn trẻ sinh ra đã có bỉm chứ không dùng khăn vải như bố mẹ nó nữa. Phải uống sữa cho cao ráo, thông minh, đẹp đẽ…Học đủ thứ, nhất là phải giỏi tiếng Anh, không thì như bị thọt chân ấy.

Và khát vọng du học không của riêng ai cả, có điều người giàu đi được người nghèo hơn đành chịu, thế thôi. Dĩ nhiên nền giáo dục cực kỳ kinh nghiệm của người ta đã khiến người Việt mình thành như người khác trong mắt bố mẹ, quê hương, gốc gác. Tự do, độc lập, cá tính…được tuyệt đối đề cao.

Với lại, điều này mới khiến con trẻ khác. Vì sao ngày xưa cũng những con người du học ấy mà họ không mất gốc, họ văn minh một cách đáng ngưỡng mộ, nhất là tiếng Việt của họ được ý thức bảo toàn rất kỹ.

Ngày nay, cả thế giới đều lắc đầu trước một thế hệ có nguy cơ robot hóa bởi điện tử, những tiện ích điện tử. Vây quanh chúng ta mà con trẻ là lứa hít thở với chúng, thứ tiện nghi điện tử ấy nên chúng giống hệt nhau ở cách mê say, cách hành xử với người thân, cách con người lệ thuộc máy móc.

Thôi rồi, nhà nào cầm trịch giỏi còn được con làm giúp, còn được ngồi ăn với con. Không thì ăn chúng cũng không thiết, ngủ chập chờn, và như con của cháu, đi du lịch nước ngoài chứ trong nước ư, xập xệ lắm, quên đi!

Lứa làm bố làm mẹ ở các nước văn minh người ta nhìn thấy viễn cảnh nên người ta lập nghiêm với con từ khi nó nhỏ, ăn sao, ngủ sao, Internet lúc nào. Cũng nhờ học phổ thông của họ nhẹ nhàng, ở đâu học đó, dù sao con cũng trong tầm mắt bố mẹ cho đến khi nó 16 tuổi hoặc 18 tuổi.

Văn hóa tây có nhiều ưu việt chứ. Nhưng cháu vẫn phải kềm cặp con gái lại, giúp mẹ bếp núc để nữa, biết đường mà làm vợ làm dâu (dù không ở chung với nhà chồng), phải nhắc con nghĩa vụ tài chính, đừng giữ ý, phải quy định, chữ hiếu cũng phải yêu cầu cháu ơi.

Và nhiều thứ khác. Ai xa cách mà chẳng thay đổi, thu hồi con về thì dấu ấn du học vẫn đậm nhưng rồi nó sẽ nhạt và sẽ về với quỹ đạo khi làm vợ làm mẹ thôi mà, đừng quá lo, đừng quá dị ứng rồi không khí gia đình không vui. Và chấp nhận thế hệ ấy nó đi xa quá rồi, nó sẽ là công dân toàn cầu, hay nó đã là và đang là.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm