| Hotline: 0983.970.780

Chắp tay lạy thánh, em mê cô đồng

Thứ Bảy 02/06/2018 , 14:05 (GMT+7)

Thấy mặt Hoa thộn ra, chị Minh bật cười. Còn Hoa, khi biết sự thật đó, thì cô cứ như người bị ngã ngửa. Làng Mai của Hoa có ngôi điện...

- Chị Minh này, sao mà cô xinh thế nhỉ.

- Cô nào?

- Cô Mạnh. Cô đồng Mạnh vẫn lên đồng ở điện Mẫu làng ta ấy mà.

- Xì. Cô gì mà cô. Đực rựa đấy.

- Thế à? Thế mà em cứ tưởng.

Thấy mặt Hoa thộn ra, chị Minh bật cười. Còn Hoa, khi biết sự thật đó, thì cô cứ như người bị ngã ngửa. Làng Mai của Hoa có ngôi điện thờ Mẫu, đã tàn tạ từ lâu. Gần đây điện được thanh đồng (cô đồng) Hồng đứng ra quyên góp, trùng tu lại, trở nên to đẹp, lộng lẫy hơn trước gấp cả chục lần. Lễ khánh thành điện Mẫu diễn ra tưng bừng. Khách thập phương đổ về đông nghịt. Riêng ô tô con đã có mấy chục chiếc, đỗ dọc con đường làng, kéo dài hàng trăm mét. Khánh thành điện Mẫu, tất nhiên, là có hầu bóng. Lâu nay, Hoa chỉ nghe người ta nói về “bọn đồng cốt”, nên lần này, cô quyết đến xem cho bằng được.

Thì ra lên đồng là thế, chẳng khác gì xem văn công: Đàn ngọt, hát hay, múa giỏi... Nhất là một “cô” mà người xem vẫn gọi là “cô Mạnh”. Ăn mặc thì là con gái mà tên sao lại như con trai. Tùy theo từng giá đồng, mà lúc thì Mạnh là cô Ba Thoải (thủy) phủ, lúc là cô Đôi Thượng ngàn, lúc lại là cô Chín mắt phượng long lanh, mày ngài công vút, má đỏ môi hường... Đúng như lời hát văn “Làn da cô trắng tựa tuyết đông/ Tóc dài da trắng lưng ong dịu dàng/ Chân cô đi đưa nhởn đưa nhang/ Bước nào bước ấy thiên đường nguyệt hoa/ Chạnh lòng vàng đá người ta/ Chau mày quân tử, xót xa anh hùng...”. Cô xinh không thể tả được. Tay cô lúc chèo đò, lúc hái quả, lúc phát lộc... sao mà dẻo, mà mềm mại đến thế. H

oa từng xem nhiều đĩa về Xuân Hinh, thấy những lúc giả gái, Xuân Hinh còn “gái” hơn cả con gái, cô đã mê, đã nể phục lắm rồi. Nhưng nếu so với “cô” Mạnh, thì Xuân Hinh còn kém xa. Trí tò mò đã khiến Hoa chờ bằng được giá đồng kết thúc, để xem con người thật của cô. Thì kia, chả “cô” Mạnh đang ngồi uống nước ở bàn sau khi giá đồng kết thúc, thì là ai? Chỉ có khác là lúc này “cô” đã biến thành một chàng trai rất khôi ngô, tuấn tú. Thấy Hoa cứ chăm chăm nhìn mình, Mạnh rời bàn nước, tiến lại phía Hoa bằng những bước chân “đưa nhởn đưa nhang” và hỏi Hoa bằng một giọng nói còn ngọt hơn cả tiếng đàn nguyệt:

- Sao em nhìn anh ghế thế?

- Không... Không ạ

- Em người xã này à?

- Sao anh biết?

- Nhìn em một cái là anh biết liền.

Câu chuyện chỉ vu vơ, nhấm nhẳng thế, mà khiến Hoa cứ vấn vương mãi. Từ đó, tuần nào Mạnh cũng về hầu bóng ở điện Mẫu làng Mai một vài lần. Và cứ mỗi lần nghe tiếng đàn nguyệt tửng từng tưng là Hoa lại tìm ra. Lần nào Hoa cũng được Mạnh phát lộc. Câu chuyện của họ càng ngày càng thân mật, mặn mà hơn. Sau buổi hầu bóng, Hoa lại nán lại với Mạnh lâu hơn. Mạnh kể cho Hoa nghe, anh không phải là những kẻ “có căn có cốt” đồng bóng, mà anh đi hầu đồng là vì... nghệ thuật, bởi anh là dân nghệ thuật, đã tốt nghiệp khoa hát chèo trường sân khấu điện ảnh, và đã có mấy năm ở đoàn chèo tỉnh. Nhưng nghề diễn viên bạc bẽo, lương tháng chỉ đủ sống mấy ngày. Bực mình, anh quyết định giải nghệ, đi đền nọ phủ kia, tiền một giá đồng bằng cả tháng lương. Mạnh khẳng định anh sẽ không làm nghề này lâu, chỉ muốn tích cóp ít lâu, có chút vốn rồi sẽ chuyển sang kinh doanh, thành đạt rồi mới tính đến chuyện vợ con...

Hoa nghe, lòng dạ cứ mê đắm như người trúng phải bùa. Cô cũng tâm sự với Mạnh về mình. Năm nay hăm mốt tuổi, hai năm thi đại học không đỗ. Cũng có mấy trường trung cấp, cao đẳng gọi, nhưng cô không muốn đi, vì học những trường ấy xong cũng chẳng biết làm gì. Vốn xinh đẹp, nên xung quanh nàng lúc nào cũng có cả chục chàng trồng cây si. Nhưng Hoa chưa “đổ” trước ai, vì tất thảy họ đều là thanh niên nông thôn, tương lai rất mờ mịt. Hoa và Mạnh trao đổi số điện thoại cho nhau. Từ đó, Hoa biết rõ ngày nào Mạnh sẽ về điện Mẫu, cô chờ từng phút một. Những ngày Mạnh không về, Hoa lại “buôn” điện thoại với anh đến cháy máy. Rồi họ hẹn gặp nhau, đi chơi với nhau...

Khi tôi viết câu chuyện vừa đến đoạn này, thì một ông bạn đến chơi. Lướt qua màn hình máy tĩnh của tôi, ông trề môi:

- Chuyện của ông nhạt như nước ốc. Nói vòng nói vo mãi, thì cũng đến chuyện hai đứa nó yêu nhau. Chỉ đọc mấy dòng đầu, là tôi đã đoán ra kết cục rồi.

- Ông nói đúng. Họ yêu nhau. Nhưng cái kết thế nào?

- Thì yêu nhau, cưới nhau, rồi sinh con đẻ cái chứ còn thế nào nữa.

- Thế mà cũng đòi đoán. Sự thực thế này. Khi cái thai trong bụng cô Hoa được 3 tháng, thì đồng Mạnh không về điện Mẫu làng Mai nữa. Gọi hàng trăm cuộc điện thoại, nhưng cuộc nào cũng chỉ thấy tò te tí. Hoa phải mất rất nhiều thời gian lần mò, mới tìm thấy nhà của Mạnh ở thị xã. Cô bấm chuông. Một người phụ nữ chừng ba mươi tuổi, bụng chửa vượt mặt, nặng nề bước ra:

- Em hỏi ai?

- Dạ, em hỏi anh Mạnh ạ!

- Chồng chị đi vắng, đi hầu Mẫu ở tỉnh khác từ hôm qua rồi.

(Kiến thức gia đình số 22)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm