Cô Dạ Hương kính mến!
Cháu là đứa con gái miền Tây lên Sài Gòn học hành, bằng cấp đàng hoàng như ba má mong ước. Quê cháu ở xứ dừa, con gái truyền thống, chân phương, cháu tự biết mà bạn bè cũng nhận xét như vậy.
Chồng của cháu là người bắc miền Trung cô ạ. Hồi cháu chưa gặp anh, cháu “bị” nhiều người theo đuổi, chắc con gái miền Tây hiền mà duyên nên hay như vậy. Cháu gạt hết, thấy hoặc là hiền khờ, hoặc là chỉ có cái mã nên làm gì cũng lóng ngóng, hoặc có người xem bạn trọng hơn người yêu…Rồi cháu va phải anh, đây là từ của anh, va nhau cái, anh đeo quá trời, cháu dứt không ra.
Anh có nhiều ưu điểm và cũng nhiều nhược điểm. Ưu là cần cù, bộc trực, tiết kiệm, có chí học hành. Nhược điểm là nóng tính, gia trưởng, kỹ càng đến mức có thể ki bo, ăn mặn, nói lớn… Ba cháu cũng giỏi giang cần cù nên ba cháu rất thích anh, chỉ kêu thằng gì nói giọng khó nghe quá. Má cháu theo ba, cũng chấm anh. Anh hơn cháu 5 tuổi nên khi cưới, anh đã 31.
Về quê anh lần đầu sau cưới, cô ơi, cháu sốc quá. Cháu sốc nhất là họ hàng bà con nói gì cháu cũng không nghe được. Sốc thứ hai là cái nhà vệ sinh, phần đông còn chưa có toa-lét như trong này, gọi là hố xí. Sốc thứ ba là nhà bếp còn ngồi xổm nấu, củi để nguyên cành lồm xồm rồi cứ vậy đẩy vô, lọ nghẹ dày ngoài mấy cái nồi như xi măng. Ngày Tết rét mướt, nước giếng từng gàu, cháu sợ luôn cô.
Chồng biết cháu vất vả lạnh lẽo nấu nướng khác với nhà vợ nên lúc nào cũng lấn quấn động viên. Anh yêu và thương chu đáo, không một câu trách cháu sao buồn sao không giúp mẹ bếp núc nhiều hơn. Mẹ chồng thương mẹ chồng hay giành làm nhưng cháu đâu có ngồi không. Những món bếp quê anh cháu chưa từng nghe anh nhắc, anh thèm, giờ cháu mới biết có món đó.
Rồi cũng qua cái đợt trình diện ấy. Về, cháu đâu dám kể hết, sợ má buồn. Má không đi đâu xa nên má đâu có biết những vùng quê người ta sống như vậy. Nhưng sâu xa cháu sợ về quê anh rồi đó cô. Đến năm nay con trai cháu đã 5 tuổi, anh nói trước khi nó vô lớp 1 phải đưa ra chơi với nhà nội. Mà đi vào mùa hè, cháu nghe nói khủng khiếp hơn mùa đông, đúng không cô?
---------------------
Cháu thân mến!
Trước tiên nói về hôn nhân. Chữ va của chồng cháu cho cháu là diễn tả đúng với duyên thiên lý, duyên kỳ ngộ của trai và gái giữa đường đời. Vì sao muôn vạn người mà ta không vấp ai, chỉ vấp chính người đó. Cái nhìn đầu tiên, sự va quệt đầu tiên, sự cảm nhận đầu tiên đã khiến hai bên dính vào nhau và cứ thế bước đến nhau.
Cũng chính vì bí ẩn và kỳ diệu nên nhà chồng luôn là một cái gì đó không như mình mong muốn. Giàu quá mình ngại mà nghèo khó thì đáng thương. Nhưng hình như với nhà chồng nghèo, ta dễ xử sự hơn nếu chịu khó. Con trai bắc miền Trung thì đúng như cháu mô tả, ưu điểm nhược điểm gì cũng lồ lộ. Và quê nhà của họ, nếu ở vùng sâu vùng xa thì ta sẽ thấy sự khác biệt rất rõ của các vùng miền.
Miền Nam chúng ta có văn minh bếp núc hơn ngoài kia, cô thừa nhận như vậy. Vì thời thuộc Pháp, tính chất thuộc địa ở Nam kỳ được người Pháp duy trì, miền Trung và miền Bắc chỉ là bảo hộ. Thuộc địa toàn tập có nghĩa là chính quyền mạnh, bản sắc văn hóa có bị lai và về giáo dục, cũng thuần Pháp hơn, người đi Tây học nhiều hơn.
Ví như nhiều nhà có đi-văng trong khi ở Bắc ở Trung chỉ có bộ ván, ván ngựa. Từ gỗ mà đóng thành đi văng là một bước tiến về mỹ thuật, tiện ích ở trong nhà và mấy chứ đi-văng là Việt hóa đi, như cà phê được Việt hóa vậy. Còn nhiều đơn cử hơn nữa.
Người Pháp sống trau chuốt, người Việt ảnh hưởng bởi họ nên bếp núc sáng choang, nồi niêu trắng, bày biện khuôn bếp ngăn nắp đẹp, có văn minh phòng tắm và chỗ vệ sinh, cây củi cũng cưa ra bằng ngăn ngắt chất thành vựa (ta gọi là cự củi). Tất cả ảnh hưởng nhau, họ đâu có cầm tay chỉ việc nhưng nhiều nhà sống như thế thì sự lan tỏa mạnh mẽ như sóng, như ánh nắng, như làn gió.
Không sao, đừng bộc lộ nỗi sợ quê chồng mà chồng tổn thương. Quê nghèo, họ càng yêu, cha mẹ nghèo họ càng bận tâm. Yêu chồng là phải biết chia sẻ, quan tâm, đi về nhé. Dĩ nhiên phải đưa cháu trai người ta ra với nhà nội chứ, người ta ở đời ở kiếp nơi đó còn được, huống chi mình chỉ đáo qua, nhé. Phải yêu bằng sự thấu cảm và khi có tiền, giúp họ nâng cuộc sống lên, toa-lét tự hoại, bếp đứng, bếp gas…