| Hotline: 0983.970.780

Cháu hãy lựa lời với ba mẹ mình, cho mọi việc tròn trịa, không gai góc nữa

Thứ Hai 11/06/2018 , 06:50 (GMT+7)

Chúng cháu không thiếu thứ gì, nhà riêng, ô tô, công việc tốt, có đủ con trai con gái, vậy mà chuyện hai nhà cứ dội xuống.

Cô kính mến!

Cháu lập gia đình năm 24 tuổi, chồng 26 tuổi, hai gia đình vốn là chỗ quen biết nếu không nói là thân thiết nhau. Hai ông ba khi đó cùng cơ quan, cùng làm phó một sở lớn. Khi chia tách, một ông được điều đi, một ông ở lại, không hiểu sao xích mích nặng. Đám cưới diễn ra một năm trước, không thì chắc tan luôn.

Thật khổ tâm lắm cô. Mẹ cháu là nông dân trơn, sau này theo chồng ra thị xã sống cho gần chồng và chăm sóc bếp núc cho con. Mẹ không trình độ như người ta nhưng mẹ xả thân cho cháu nội cháu ngoại. Còn mẹ chồng cháu là phu nhân, giới phu nhân chắc cô cũng biết, họ chơi với nhau, tiệc tùng, du lịch, mua sắm…Thực lòng mẹ chồng của cháu cũng không đến nỗi, vì so với những bà chót vót thì bà cũng chưa là gì cả.

Xã giao ban đầu rơi rụng hết. Đẳng cấp cách biệt càng khiến hai bên xa nhau ra. Trong khi đó, anh trai cháu và bên vợ anh ấy thì không hục hặc gì, vì mẹ vợ anh ấy cũng chân lấm tay bùn. Hai bà má cứ ríu rít với nhau như bạn bè trẻ vậy cô. Chuyện của hai bên sui gia rất ảnh hưởng đến hạnh phúc của vợ chồng cháu, anh ấy ít khi chịu về quê, về bên ba mẹ cháu, anh nói tạt luôn “anh không muốn hạ mình với cái người từng đập bàn đập ghế chửi bới ba của anh!”. Chuyện đã qua lâu rồi, mỗi ông một phương trời mà anh còn để bụng vậy đó cô.

Càng ngày cháu càng thấy chúng cháu còn thua những đôi vợ chồng nông dân ở trong quê cháu. Họ chia sẻ với nhau việc lớn đến việc nhỏ, giản dị mà ấm áp. Chúng cháu không thiếu thứ gì, nhà riêng, ô tô, công việc tốt, có đủ con trai con gái, vậy mà chuyện hai nhà cứ dội xuống. Bà nội muốn thế này thế kia, con của cháu học ở đâu phải do bà quyết định, mùa hè đi du lịch thì cũng phải cô ruột nó, tức chị gái của chồng cháu ở thành phố quyết định và dẫn đi.

Giàu không sướng là chỗ đó đó cô. Cháu chưa một tháng hạnh phúc bình yên như một đôi nông dân như cháu biết. Chán mà không thoát được cô, cũng chỉ vì chính cháu cũng không muốn thoát, vì không thoát nổi.

---------------------

Cháu thân mến!

Có hai nhóm đối tượng cần tách ra để tâm sự trong chuyện của cháu.

Nhóm sui gia (thông gia). Hai miền Bắc và Nam có hai quan niệm về sui gia khác nhau, rất khác. Miền Bắc sâu sắc, phức tạp, thâm nho nữa, vì vậy, ngay từ đầu họ xem sui gia như khách trọng, mãi mãi, giữ khoảng cách, mãi mãi. Đã vậy nhưng ít khi sui gia chan hòa, dễ chịu với nhau vì hai bên gia đình đều bênh con, trọng con mình, bình thường đã khó dung hòa trong đánh giá con, khi đụng chuyện, càng giành phần phải về con mình, thế là mích lòng. Miền Nam cởi mở, hào sảng và nói thật, cũng đơn giản nên sui gia vồ vập dữ lắm. Vậy rồi cũng xa dần, y như ngoài Bắc, tức là bênh con mình chê con nhà kia, tức là cũng rơi vào quỹ đạo mà người miền Bắc tránh. Tuy nhiên, do hay mở lòng nên mâu thuẫn sui gia người Nam không gay gắt đến mức chửi nhau, từ nhau.

Riêng việc của chúng cháu ở đây có yếu tố công sở, chiến trường, thời cuộc, chia tách, cất nhắc, điều động… nên phức tạp quá. Lại cộng thêm đẳng xã hội của hai bà sui, một bên phu nhân hàng tỉnh, một bên nông dân chân chỉ tay lấm chân bùn mặc cảm yếm thế…đủ cả, làm sao có tình bạn giữa các bà với nhau được. Vì vậy mà chuyện các ông đã nặng, chuyện hai bà lại khó gần nhau nên hai nhà xa cách, đương nhiên, và các cháu bị ảnh hưởng rất nhiều, cũng đương nhiên.

Có lẽ, nếu không bỏ nhau, không có nguy cơ tan vỡ thì chính các cháu phải là nhân tố hàn gắn. Bốn ông cha bà mẹ không làm, các cháu khư khư bên mình mình giữ ý hoặc để bụng, thì sớm muộn gì cũng tan ư? Tan thì tan, các cháu đường ai nấy đi, có thể kẻ lấy vợ người lấy chồng nhưng còn con cái thì sao? Với chúng nó là sự khó hiểu kéo dài, khi chúng trưởng thành, chuyện của ông nội ông ngoại và chuyện bà nội bà ngoại nghe như chuyện hoang đường, buồn cười, vô nghĩa quá. Sao các ông đập bàn đập ghế với nhau trong công sở, sao bà nội uy quyền lấn át bà ngoại quá thể? Đúng, rồi mọi chuyện sẽ qua cùng với thời gian và tuổi tác, các cháu lớn lên và nhận thức hoàn toàn khác, khi đó, cả ông nội ông ngoại và bà nội bà ngoại và cả các cháu cũng sẽ bị bọn trẻ đưa vào tầm phán xét hết đó.

Cháu hãy lựa lời với ba mẹ mình, cho mọi việc tròn trịa, không gai góc nữa. Cháu hãy là người vợ mềm mại cực kỳ với chồng để uốn cậu ấy có ứng xử đúng đắn với bên cháu. Cháu hãy là nàng dâu không để tâm đến chuyện cũ, một mực ngoan lành với ba mẹ chồng đi đã. Trong quá trình này, cháu phải bước nhiều hơn, vì dâu là con, rể là khách. Cô tin, khi các ông công sở quyền chức ấy về hưu, họ sẽ gần nhau hơn trong tâm trạng, tâm lý, tâm tư, cả chuyện thời cuộc nữa và khi ấy hai ông sẽ trở thành người bình thường, như dân thường. Và từ đó làm lại mối quan hệ sui gia, nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm