| Hotline: 0983.970.780

Cháu không còn ham muốn làm việc

Thứ Sáu 06/08/2010 , 08:00 (GMT+7)

Chuyện chẳng có gì nếu năm ngoái cháu không chuyển công tác tới cơ quan khác.

Cô Dạ Hương thân mến!

Cháu là sinh viên ĐH Nông nghiệp Hà Nội, một trong 5 người có số điểm cao nhất lớp khi ra trường. Như bao sinh viên, cháu luôn khao khát được làm việc, đem kiến thức ra áp dụng vào thực tế giúp người nông dân đỡ vất vả. Cháu đã làm 8 bộ hồ sơ gửi đi tất cả các cơ quan trong huyện và tỉnh có liên quan đến lĩnh vực mình học để xin việc. Cháu đã thực sự hẫng hụt, có cơ quan khi đến người ta không xem hồ sơ mà chỉ hỏi bố mẹ cháu làm gì, có quen biết ai ở đây không? Khi cháu trả lời bố mẹ làm ruộng và không quen ai thì họ nói thẳng là cầm hồ sơ về đừng nộp cho phí ra vì ở đấy họ đã nhận quá nhiều hồ sơ mà toàn là con cháu các lãnh đạo, cháu không quen ai thì đừng có mơ.

Sau những ngày tháng lang thang gõ cửa tìm việc, cháu thất vọng về nhà phụ giúp gia đình và chờ đợi. Ba tháng sau nhờ quan hệ họ hàng, cháu được nhận vào làm hợp đồng ở một cơ quan của huyện liên quan đến nông nghiệp nhưng không đúng chuyên ngành cháu học. Tuy lương không cao nhưng cháu được làm việc mặc dù đôi lúc cũng cảm thấy chán vì những chuyện không hay thường xảy ra, chắc cô cũng hiểu. Chuyện chẳng có gì nếu năm ngoái cháu không chuyển công tác tới cơ quan khác, là chỗ của chồng cháu hiện nay. Chúng cháu yêu nhau từ hồi đại học, ra trường mỗi đứa một chỗ, khi tính đến chuyện cưới nhau thì anh xin cho cháu vào làm cùng cơ quan cho gần. Trước kia anh hay kể về chỗ làm việc của anh có nhiều chuyện khiến anh không vui, từ khi chuyển về đây cháu mới hiểu được, ở đấy chỉ có vợ chồng cháu là trẻ và tốt nghiệp đại học chính quy, vì thế mà những người trong cơ quan họ ghen tị, nói xấu, không ưa, từ hồi thêm cháu về là họ biểu hiện ra mặt. Đặc biệt có một người làm trưởng phòng tổ chức lúc nào cũng gây khó dễ, hễ mọi người đề cử chồng cháu làm việc gì đều bị người này gạt đi và lấy nhiều lý do như còn trẻ, hay chưa là đảng viên nên không thể…

Cháu không còn ham muốn làm việc, lúc nào trong đầu cũng suy nghĩ là bỏ làm, nhưng không dám nói với chồng bởi xin việc đâu phải dễ. Cháu định ở nhà buôn bán thuốc bảo vệ thực vật vì trước kia cháu từng làm nhưng không có vốn, không có địa điểm. Không biết những cơ quan khác có tình trạng này không, nếu ở đâu cũng thế thì những người như chúng cháu làm sao có thể tìm được chỗ đứng trong xã hội? Cháu biết chồng cũng cảm thấy như cháu nhưng anh không nói ra. Mỗi lần bị người ta gạt ra hay nói xấu là anh lại buồn và nằm thở dài. Chẳng nhẽ cứ như thế này mãi?

Cháu gái Vĩnh Phúc xin giấu địa chỉ email

Cháu thương mến!

Biết nói sao với cháu về tình trạng nát như tương ở các công sở bây giờ? Đổ cho kinh tế thị trường ư? Ở những nơi kinh tế thị trường nhiều thâm niên, công sở lương không cao nhưng tay nghề giỏi, nghèo mà ổn và nhiều cơ hội cho những người muốn thử sức với tư nhân dù ở đó, phải biết cười lễ phép với chủ. Chúng ta ở vào thời điểm nửa nạc nửa mở, khó chịu và khó khăn, phải rất lâu nữa xã hội mới lành mạnh theo hướng tốt đẹp, hy vọng thế.

Biết bao cô gái chàng trai vỡ mộng như cháu. Họ đâu có mong gì cho mình, họ muốn cống hiến, xã thân, muốn một lẽ sống. Nhưng thời buổi bè cánh, ở đâu cũng con ông cháu cha, thật ra đó là cách đối phó với những người sáng giá và trung thực thôi. Làm gì có nhiều con cái ông nọ bà kia như thế? Chỗ bèo tép mà họ cũng đâm đầu vào ư? Nhiều lớp hàng rào họ dựng lên vô hình nhưng chắc chắn để ngăn chận những tâm huyết, những người chuyên nghiệp thực, chỉ để nội bộ ấy dễ thao túng mà thôi. Chuyện đơn giản như tiền, họ cần nhiều tiền chứ không cần lợi ích của tập thể hay cộng đồng gì đâu.

Vợ chồng làm việc chung thì hay chứng kiến bực mình chung và người ta tưởng hai người đang liên kết để chống lại họ. Rất kỵ vợ chồng làm chung. Chồng cháu có thể nản hơn vì cháu cứ nói ra nói vào. Có chuyện mỗi người phải tự ôm lấy, không nhất thiết phải chia sẻ. Một mà hai hai mà một là như vậy. Nếu cháu tránh ra được thì tiện hơn, bán thuốc bảo vệ thực vật, như cháu nói. Muốn thì phải nhất trí, dần dần tính sau. Vả lại chồng cháu mới vào đó, đừng mơ gánh vác cơ quan, sếp có yêu thì sếp phải tính. Ở đâu cũng có đường dây, chúng cháu với sếp một hệ mà tay trưởng phòng tổ chức một hệ thì sẽ có chuyện “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”. Kệ, rất nhiều người đã bị nguội như vậy, im lặng, việc chuyên môn mình làm, mọi sự hy vọng vào phép màu và thời gian. Với cháu mọi thứ đều mới toanh, sống là trải nghiệm và đấu tranh, phải thích nghi rồi dần dần cái thiện nó, cháu nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm