| Hotline: 0983.970.780

Chi trả dịch vụ môi trường rừng tới từng thôn, bản

Thứ Ba 23/07/2024 , 10:22 (GMT+7)

Với gần 670.000 ha rừng và là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất miền Bắc, Sơn La đã triển khai nhiều chính sách để thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Tỉnh Sơn La có 1.073 cộng đồng thôn bản là chủ rừng, đã xây dựng quy chế sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Quang Dũng.

Tỉnh Sơn La có 1.073 cộng đồng thôn bản là chủ rừng, đã xây dựng quy chế sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Quang Dũng.

Tỉnh Sơn La có hơn 2.000 cộng đồng dân cư, nhóm hộ, tổ chức thôn bản, đang quản lý trên 350.000 ha rừng, chiếm khoảng 54% tổng diện tích rừng được chi trả. Số tiền chi trả hàng năm cho các cộng đồng trung bình trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước đây do chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng chưa hướng dẫn rõ việc sử dụng tiền đối với cộng đồng, dẫn tới việc một số cộng đồng chi tiền chưa đúng với mục đích.

Trước thực tế trên, năm 2021, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Sơn La đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 273 về xây dựng, nhân rộng mô hình quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại thôn, bản, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tiền dich vụ môi trường rừng phù hợp với điều kiện thực tiễn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Theo ông Lê Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La, đơn vị đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tại các thôn, bản tự nguyện tham gia xây dựng dự thảo quy chế, đảm bảo đúng đối tượng, phạm vi và các nguyên tắc thực hiện, triển khai đầy đủ nhiệm vụ và các nội dung của Kế hoạch 273.

Từ 10 mô hình điểm, đến nay, toàn tỉnh Sơn La có 1.073 cộng đồng bản là chủ rừng đã xây dựng quy chế sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, vượt 541,9% so với kế hoạch giao. Theo quy chế, hàng năm, dựa trên tổng số tiền được chi trả, các cộng đồng bản sẽ trích 25% phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ, chữa cháy rừng, mua cây giống trồng rừng, trồng cây phân tán, mua sắm trang thiết bị phục vụ quản lý, bảo vệ rừng; trích 38% đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa, đường nội bản, công trình thủy lợi, nhà lớp học... 17% hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình và trích 20% thực hiện công tác tuyên truyền, khen thưởng...

Nhờ xây dựng quy chế, các cộng đồng đã sử dụng hơn 722 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng đầu tư cho trên 13.670 công trình hạ tầng nông thôn như nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, sửa chữa lớp học, kênh mương thủy lợi. Trên 200 tỷ đồng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng; 190 tỷ đồng chi cho các hộ gia đình nâng cao thu nhập và các hoạt động khác; hỗ trợ 18,8 tỷ đồng trồng cây phân tán và các dự án khác.

Nguồn kinh phí trên đã góp phần làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Đến nay, tỉnh Sơn La đã có 65 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La cho biết, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trong giai đoạn 2009 - 2024 đạt khoảng 2.065 tỷ đồng. Ảnh: Quang Dũng.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La cho biết, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trong giai đoạn 2009 - 2024 đạt khoảng 2.065 tỷ đồng. Ảnh: Quang Dũng.

Theo đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La, từ khi được thành lập (8/6/2009) đến nay, Quỹ đã phối hợp và ký được 88 hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng với 69 đơn vị nội tỉnh và 19 đơn vị liên tỉnh với tổng nguồn thu trên 2.200 tỷ đồng, trung bình mỗi năm trên 150 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2019-2023 là 235 tỷ đồng/năm.

Xác định việc chi trả cho các chủ rừng là động lực giúp người dân gắn bó với rừng. Hàng năm, Quỹ đã phối hợp chặt chẽ với các cấp các ngành, các đơn vị liên quan xác định kịp thời diện tích chi trả, rà soát đúng đối tượng, đẩy nhanh tiến độ trả cho các chủ rừng. Nhờ nguồn lực được phân bổ kịp thời, đã giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời có thêm nguồn lực để giúp các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn. Thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng không ngừng tăng lên theo từng năm, đơn giá chi trả ngày càng cao.

“Nếu như năm 2009 đơn giá chi trả bình quân toàn tỉnh chỉ là 100.000đ/ha/năm, thì đến năm 2023 đã tăng lên 360.000đ/ha/năm, tăng gấp 3 lần. Đặc biệt, có lưu vực nhỏ mức chi lên đến 2 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 20 lần. Tổng số tiền chi trả trong giai đoạn 2009 - 2024 đạt khoảng 2.065 tỷ đồng”, ông Lê Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La cho biết.

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Sơn La còn thực hiện cơ chế chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng không dùng tiền mặt thông qua giao dịch điện tử và tài khoản ngân hàng. Nhờ đó, nhiều hình thức chi trả phong phú, tối ưu đã được triển khai như chi trả qua tài khoản ngân hàng, bưu điện, giao dịch điện tử...

Việc chi trả không dùng tiền mặt đảm bảo tính công khai, minh bạch và còn đúng đối tượng chi trả. Đến nay, đã có 39.700 chủ rừng được thanh toán qua tài khoản, chiếm tỷ lệ 96,8% tổng số chủ rừng; số tiền chi trả không dùng tiền mặt đạt 99,43%.

Xem thêm
Phát hiện loài ong mới ở Vườn quốc gia Vũ Quang

Loài ong ký sinh này thuộc họ ong mật, được đặt tên theo nơi phát hiện ra chúng ở Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.