Còn sức khỏe còn lao động
“Lao động là cách duy nhất để tạo ra của cải vật chất, có làm thì mới có ăn, không làm mà đòi có ăn thì không được đâu anh ạ”, anh Chíu Đức Thắng (thôn Khe Mằn, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) tếu táo.
Từ chỗ là một trong những hộ nghèo nhất thôn, phải lo ăn từng bữa, nhưng nhờ một phần ở ý chí vươn lên làm kinh tế, một phần được hỗ trợ từ các cấp chính quyền, mọi thứ với anh Thắng dường như đã thay đổi, từ chính ngôi nhà nơi anh sinh sống.
Trò chuyện với tôi, anh Thắng hào hứng kể, ngày trước anh ở cùng bố mẹ trong căn nhà lợp tạm bợ. Vào những ngày mưa bão, nhà bị dột nước từ trong ra ngoài. Chỗ thì nước cứ nhỏ tong tong, chỗ thì xối xả thành dòng. Nửa đêm, anh Thắng phải lấy xô, chậu ra hứng nước và tìm cách bịt chỗ dột, xong xuôi thì người cũng ướt như chuột lột. Anh vừa kể vừa dùng tay diễn đạt hành động khiến cậu con trai anh, nay mới 9 tháng tuổi, cứ cười như nắc nẻ vì nghĩ rằng cha đang chơi cùng mình.
Ngày mưa là vậy, còn những ngày đông giá rét, gió rít qua từng khe hở, căn nhà mỏng manh không đủ che đi sự khắc nghiệt của thời tiết. “Nghĩ lại thấy khổ thật”, anh Thằng bùi ngùi.
Là một trong những thanh niên có tuổi đời thuộc dạng “nhỏ” nhất thôn, anh Thắng nhận thấy, nếu cứ tiếp tục sống mà không có mục tiêu phấn đấu thì mãi không thể thoát khỏi câu chuyện cái nghèo.
Gia đình anh hiện tại có 5 người, gồm vợ chồng anh và 3 người con. Đứa lớn được 7 tuổi còn đứa nhỏ nhất mới được 9 tháng. Nhấp ngụm trà, anh nhíu mày kể, từ ngày có gia đình, có con, anh luôn tâm niệm trong đầu rằng phải làm sao để nuôi con, chăm sóc gia đình. “Mình khổ mình chịu được chứ những đứa trẻ chúng cần sự chăm sóc tốt nhất”, anh Thắng thẳng thắn chia sẻ.
Khi được hỏi tại sao có nhiều hộ không muốn thoát nghèo để được hưởng trợ cấp của Nhà nước, anh lại không làm theo họ? Đôi mắt anh như sáng rực lên, “mình còn trẻ khỏe, còn sức lao động, sao lại có thể làm gánh nặng cho gia đình, cho xã hội được”.
Thời điểm cuối năm 2018, phong trào người dân viết đơn xin thoát nghèo nở rộ ở huyện miền núi Ba Chẽ. Đây được ví như một “cuộc cách mạng” trong cuộc chiến đẩy lùi “giặc” nghèo đói ở huyện.
Nung nấu ý định thoát nghèo, lại thấy trong thôn nhiều người lên xã nộp đơn xin thoát nghèo, anh Thắng ngay lập tức nhớ đến tờ đơn xin thoát nghèo mà cán bộ xã gửi vợ anh hôm trước. Tờ đơn với nét chữ còn nguệch ngoạc nhưng gửi gắm trong đó bao tâm tư, nguyện vọng của cá nhân anh Thắng nói riêng, cũng như của người dân xã Đồn Đạc nói chung.
Năm 2016, anh Thắng xin ra ở riêng chứ không sống cùng bố mẹ. Anh cho biết, việc ra ở riêng phần nào đó tạo động lực cho anh làm việc, tập trung lao động sản xuất, và chứng minh anh có thể đứng lên trên chính đôi chân mình.
Được gia đình cắt cho 4ha đất rừng, anh mạnh dạn đầu tư vào trồng cây lâm nghiệp lâu năm như keo, quế. Đây đều là giống cây bản địa cho giá trị kinh tế cao hơn là việc cấy lúa. Thời gian đầu, anh Thắng gặp nhiều khó khăn như vốn đầu tư, nơi trồng cây cách nhà hơn 10km, rồi vấn đề về con nhỏ không có người chăm sóc.
Để giải quyết từng khó khăn, đầu tiên, anh nộp đơn xin vay vốn ngân hàng. Số tiền 50 triệu đã được giải ngân, giúp anh giải quyết được khâu vốn đầu tư. Vợ anh cũng nghỉ làm ruộng để tập trung ở nhà trông 3 đứa con nhỏ, giúp anh yên tâm lao động, sản xuất.
Dường như, cuộc sống của gia đình anh đã và đang thay đổi một cách đáng kể, nên khi gặp khách đến thăm, anh càng phấn chấn hơn. Dù năm nay mới bước sang tuổi 31, nhưng anh thanh niên người Dao đã từng nếm trải, thấu hiểu tận tâm can cái đói, cái nghèo bủa vây lấy gia đình, thôn xóm của mình.
“Bây giờ, gia đình có rừng, có ruộng, lại có người, có sức khỏe lao động, có thu nhập ổn định thì mình phải xin thoát nghèo thôi. Xin thoát nghèo để mà phấn đấu làm giàu. Xin thoát nghèo, để nhường cho người khác còn có điều kiện khó khăn hơn mình, chứ không phải xin thoát nghèo vì a dua theo người khác”, anh Thắng nói.
“Nhìn thấy những hộ dân khác trong bản đã thoát được nghèo nhờ siêng năng lao động, đầu tư làm ăn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo chăm sóc rừng keo, quế, vợ chồng tôi đã học tập làm theo. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, gia đình tôi vẫn làm đơn xin thoát khỏi hộ nghèo và lấy đó làm mục tiêu phấn đấu vươn lên”.
“Trước đây, bà con trồng cây lâm nghiệp lâu năm nhưng vì thiếu thốn, bữa đói bữa chớm no, nên thành ra cây chưa đến tuổi thu hoạch đã phải chặt mang đi bán. Như vậy, giá trị kinh tế mang lại không cao, hàng bán ra nhưng thu về rất ít tiền, có khi còn lỗ đơn lỗ kép”, anh Thắng tâm sự.
Nhờ chăm chỉ lao động, ngoài những lúc lên rừng làm keo, quế, anh Thắng còn nhận làm ruộng thuê, đi bóc vỏ quế cho các hộ dân khác, thu nhập khoảng 200.000đ một ngày. Bây giờ, trung bình mỗi tháng gia đình anh Thắng đã có thu nhập hơn 5 triệu đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của gia đình được nâng lên rõ ràng. Cuộc sống hiện tại đang dần ổn định hơn.
Câu chuyện cứ thế trôi đi theo những tiếng nói, tiếng cười và từng ngụm trà nâng lên đặt xuống. Thoáng cái đã là giữa trưa, nắng ngày hè bỏng rát ngoài sân nhưng bên trong nhà anh Thắng, từng làn gió mát cứ vương vấn mãi khiến ai cũng cảm thấy thật dễ chịu.
Chung tay để không ai bị bỏ lại phía sau
Câu chuyện phòng chống dịch Covid-19 trên khắp cả nước đã cho thấy tinh thần đoàn kết, cả nước một lòng đẩy lùi dịch bệnh. Khi một địa phương cần sự giúp đỡ, cả nước sẵn sàng chung tay chi viện, để không một ai bị bỏ lại phía sau.
Có thể nói, với sự đồng lòng, chung tay của người dân và các ban ngành, đoàn thể thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua, kẻ thù nào cũng có thể chiến thắng, dù cho đó có là “giặc dịch” hay là “giặc đói nghèo”.
Ở một địa phương mà đồng bào dân tộc thiểu số nhưng lại chiếm “đa số”, bà con chưa được trang bị tốt nhất về tư duy làm kinh tế cũng như tiếp cận khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi. Thêm vào đó, hòn “đá tảng” mang tên “sức ì” vẫn chưa được đập vỡ, khiến cho nhiệm vụ đặt ra với các cấp chính quyền huyện Ba Chẽ càng nặng nề hơn.
Bên cạnh đó, theo bà Phạm Thị Hằng, Trưởng phòng LĐ-TBXH (huyện Ba Chẽ), các hộ nghèo gặp khó khăn trong việc thoát nghèo chủ yếu là các gia đình có người già neo đơn, người khuyết tật không có khả năng lao động. “Họ không còn sức khỏe để lao động, lại sống neo đơn một mình nên chúng tôi thường xuyên đến thăm hỏi, động viên tinh thần”, bà Hằng cho biết.
Để đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo, huyện Ba Chẽ đã triển khai các giải pháp và thực hiện tốt “chiến lược” chống giặc “nghèo”. Đó là Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, cả hệ thống chính trị đã làm việc không biết mệt mỏi, không quản mưa nắng, với mục tiêu mang lại nét tươi sáng hơn trong bức tranh cuộc sống ở huyện miền núi Ba Chẽ.
Việc tổ chức các chương trình truyền thông cũng như tăng cường công tác tuyên truyền đến bà con về ý chí tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo, đã cho kết quả khả quan bất ngờ. Điển hình như gia đình chị Nhung, anh Thắng ở xã Đồn Đạc và rất nhiều hộ khác trên địa bàn huyện.
“Muốn giải quyết một vấn đề, phải xử lý từ phần gốc rễ. Vì vậy, việc cần làm đầu tiên là giải thích cho bà con hiểu rõ những chủ trương, chính sách hỗ trợ mà địa phương đang triển khai, cho người dân hiểu thêm về những thuận lợi từ hạ tầng giao thông, điện sản xuất, thủy lợi, nước sinh hoạt, vốn đầu tư...”, Bà Phạm Thị Hằng cho biết.
Các xã trên địa bàn huyện Ba Chẽ cũng đã thường xuyên họp bàn, lấy ý kiến từ người dân và thống nhất cách làm sao cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện, nhu cầu, nguyện vọng của các hộ gia đình.
Bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết, để người dân thoát nghèo bền vững, không tái nghèo, không phát sinh hộ nghèo mới, huyện cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, cho vay vốn lãi suất thấp, tập huấn kỹ thuật, nâng cao kiến thức nông, lâm nghiệp cho người dân.
“Thay vì hỗ trợ cho người dân cây, con giống thì nay chỉ cần hướng dẫn họ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình phát triển sản xuất, chú trọng việc phát triển trồng cây dược liệu, trồng rừng gỗ lớn để họ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Từ đó, người dân có ý thức và động lực để thoát nghèo”.
Câu chuyện về những người miền núi Ba Chẽ viết đơn xin thoát nghèo đang lan tỏa rộng khắp, để khi nhắc đến Ba Chẽ là người ta nói về một địa phương có nền kinh tế nông, lâm nghiệp phát triển, là điểm sáng trong phong trào làm kinh tế giỏi của tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2020, trên địa bàn huyện chỉ còn 47 hộ nghèo và số hộ cận nghèo là 106 hộ. So với năm 2017, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm mạnh từ 19,91% xuống còn 0,85% đối với số hộ nghèo, từ 15,29% xuống còn 1,92% với số hộ cận nghèo.