| Hotline: 0983.970.780

Chiếc chìa khóa thất lạc có thể cứu tàu Titanic

Chủ Nhật 15/01/2023 , 08:13 (GMT+7)

Như một định mệnh, chiếc chìa khóa mở tủ chứa ống nhòm lúc đó đã ở cách con tàu hàng nghìn km và giờ đây, lịch sử mới biết đến thảm họa tàu Titanic.

Khi rời tàu Titanic để chuyển giao nhiệm vụ cho thuyền trưởng khác, David Blair lỡ mang theo một chiếc chìa khóa và ông không bao giờ tưởng tượng được rằng đồ vật nhỏ bé này lại là thứ có thể thay đổi hoàn toàn số phận con tàu.

Vụ chìm tàu Titanic có thể là sự kiện được nhớ đến nhiều nhất trong tất cả các thảm họa tàu chở khách trên biển. Khi con tàu sang trọng va vào một tảng băng trôi ở phía bắc Đại Tây Dương đêm 15/4/1912, nó đã về với đáy biển cùng với sinh mạng của 1.500 người. Đây là hành trình đầu tiên và cũng là cuối cùng của con tàu xấu số.

Sau thảm họa, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra và cần có câu trả lời. Bên cạnh nỗi đau buồn và những cú sốc, nhà chức trách cũng phải tìm ra nguyên nhân và quy kết trách nhiệm. Theo giới chuyên gia, lỗ hổng trong thiết kế của Titanic khiến nước có thể tràn vào hệ thống khoang kín được cho là “không thể chìm”  là nguyên nhân chính dẫn tới thảm kịch, cũng như việc con tàu thiếu nghiêm trọng xuồng cứu sinh.

Tuy nhiên, đối với một người đàn ông ở Anh, sống sót sau sự cố nhưng cảm giác tội lỗi luôn đeo bám ông. David Blair, sĩ quan thứ hai trên Titanic, đã rời khỏi tàu ngay trước khi nó bị chìm. Là một trong những thuyền trưởng có kinh nghiệm nhất của công ty vận hành Titanic, Blair thừa tiêu chuẩn để điều khiển con tàu.

Nhưng yêu cầu thay đổi nhân sự được đưa ra vào phút chót và Blair đã rời tàu với một vật có vẻ nhỏ bé và không mấy quan trọng trong túi quần. Nhưng hóa ra, món đồ này lại chính là thứ có thể thay đổi số phận nghiệt ngã của con tàu.

A2

Xác tàu Titanic dưới đáy biển hồi năm 2004. Ảnh: Courtesy of NOAA.

Edward Smith, thuyền trưởng cao cấp nhất của công ty White Star Line, nhận thức rõ tầm quan trọng của hành trình mà ông là người dẫn đầu. Danh tiếng của công ty đang bị đe dọa và bất chấp những cảnh báo về rủi ro do băng trôi từ các tàu khác hoạt động trong khu vực, Titanic vẫn kiên quyết băng qua Đại Tây Dương với tốc độ tối đa.

Smith tin rằng các thủy thủ trên tàu có thể nhìn thấy những tảng băng trôi hay những mảnh vỡ trôi nổi khác từ một khoảng cách đủ để họ thực hiện những bước điều hướng nhằm tránh mọi mối nguy hiểm. Con tàu còn có riêng một đội canh gác thường trực, quan sát đường chân trời bằng ống nhòm bất kể ngày đêm.

Tuy nhiên, kế hoạch tưởng chừng như hoàn hảo của vị thuyền trưởng đã không thể thắng được số phận. Đầu tiên là việc tàu Titanic gặp phải tảng băng trôi định mệnh vào ngay ban đêm, khi tầm nhìn bị hạn chế đáng kể.

Thứ hai, thời điểm sự cố xảy ra, sương mù giăng đầy trong không gian khiến tầm nhìn tiếp tục bị thu hẹp. Nhưng cả hai điều này đều không khiến thuyền trưởng Smith bận tâm quá mức. Biển lặng và các tảng băng không được coi là mối đe dọa lớn đối với con tàu. Một số vụ va chạm đã được ghi nhận trước đó và không có bất kỳ chuyện gì xảy ra.

Tuy nhiên, điều xui xẻo thứ ba nằm chính ở món đồ mà Blair đã mang đi khỏi con tàu. Nó là chiếc chìa khóa giúp mở chiếc tủ chứa ống nhòm được những thủy thủ canh gác trên đài quan sát sử dụng. Không có chiếc chìa khóa này đồng nghĩa thủy thủ đoàn cũng không có ống nhòm.

Fred Fleet, một trong những người canh gác, đã sống sót sau thảm họa Titanic. Khi được hỏi về sự cố, ông cho biết nếu có ống nhòm, họ chắc chắn đã có thể nhìn thấy tảng băng trôi sớm hơn. Ông cũng cho rằng với ống nhòm, họ hoàn toàn đủ khả năng né vật thể khả nghi kịp thời và tránh tai họa cho con tàu. Thực tế là tàu Titanic đã suýt né được tảng băng trôi bởi phần lớn thiệt hại được nhìn thấy ở phần mạn tàu khi tảng băng cào dọc chiều dài của nó.

Nhưng như một định mệnh, chiếc chìa khóa mở tủ chứa ống nhòm lúc đó đã ở cách con tàu hàng nghìn km và giờ đây, lịch sử mới biết đến thảm họa tàu Titanic.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.