| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn sinh thái Vườn quốc gia nổi tiếng Việt Nam

Chiến binh voi trong rừng khộp Yok Đôn

Thứ Ba 08/08/2023 , 09:10 (GMT+7)

Bướng bỉnh, ngang ngạnh và tốn nhiều công chăm sóc, nhưng Y Khun lại lập công lớn trong chiến dịch di dời voi rừng Tánh Linh cách đây hơn 20 năm.

Voi Y Khun, 67 tuổi, từng tham gia chiến dịch di dời voi Tánh Linh hồi năm 2001.

Voi Y Khun, 67 tuổi, từng tham gia chiến dịch di dời voi Tánh Linh hồi năm 2001.

Đường về với Yok Đôn

Sinh năm 1956, Y Khun là cá thể già nhất tham gia chương trình du lịch voi thân thiện tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Là một quý cô ưa thích sự sạch sẽ và không gian riêng, Y Khun rất kén chọn trong việc ăn uống. Khi gặp món khoái khẩu là những bụi le đuôi chồn, cô không vồ vập, quật cả cụm ngay mà thường chỉ chọn chỗ ngon nhất, bứt một nhúm rồi lại thong thả tản bộ tìm nguồn thức ăn khác.

Bài liên quan

Giống nhiều đồng loại, Y Khun rất thích tắm bùn và đằm mình hàng giờ trong làn nước. Nhưng nếu trên con đường nhẽo nhoẹt đất và rải rác phân của voi khác, Y Khun sẽ tránh và một mực tìm đường khác. Ngay cả khi phải chịu khát, Y Khun cũng kiên nhẫn nhịn nếu phát hiện nước có mùi lạ. Đặc biệt, cô không bao giờ chịu uống nước ở vũng nước đọng hay suối nhỏ, mà chỉ tận hưởng nước từ sông, suối lớn.

Nhìn điệu bộ của Y Khun, hẳn nhiều người nghĩ cô thật xứng với cái tên có nghĩa là “May mắn”. Điều đó thậm chí đã đúng từ khi cô còn thuộc sở hữu của một người dân tại Buôn Đôn. Y Khun khét tiếng ở khả năng săn voi rừng. Tính đến ngày “về hưu”, cô bắt được tổng cộng 4 voi con và được xem là nguồn tài sản lớn của cả gia đình bởi khả năng kéo gỗ, thồ gạo và nhiều loại cây trồng khác mỗi lần vào rừng.

Thứ duy nhất khiến người ta nghĩ khác là chiếc lưng của Y Khun. Thông thường, lưng voi sẽ thẳng, một số vổng lên kéo dài xuống tận phía mông. Nhưng nếu phải chở nặng lâu ngày, chúng có thể bị vẹo cột sống. Từ phần ngang chân trước xuống đến giữa bụng sẽ lõm xuống, hệt như thể bị tảng đá nghìn cân đè.

Một trường hợp nổi tiếng từng được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) giải cứu tại Thái Lan vẫn được cán bộ Vườn quốc gia Yok Đôn truyền tai nhau, đó là voi Pai Lin, hơn 70 tuổi. Cột sống của cá thể này bị biến dạng rõ rệt, kèm nhiều vết sẹo do liên tục phải đeo một chiếc bành cỡ lớn, loại có thể chứa tối đa 6 người. Hơn 15 năm trước, Pai Lin được giải cứu trong tình trạng sợ hãi, mất nước, thiếu cân và bị nhiễm trùng đường hô hấp dẫn tới chảy nước mũi và mắt.

Theo lời ông Huỳnh Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, thời điểm Y Khun trở thành một phần của vườn vào năm 2001, cột sống của cá thể voi này được chẩn đoán là “có vấn đề”. Dù không tới mức như người bạn Pai Lin ở Thái Lan, Y Khun cần những can thiệp tích cực.

“Voi được biết đến là động vật có sức mạnh và kích thước lớn, nhưng cấu tạo sinh học phần lưng của chúng sinh ra không phải để mang vác. Xương lưng voi có cấu trúc nhô lên. Do đó, áp lực liên tục từ khách du lịch lên xương sống voi có thể dẫn đến tổn thương thể chất vĩnh viễn. Biến dạng cột sống của voi thuộc dạng không thể phục hồi”, ông Hiệp chia sẻ.

Những con voi phục vụ du lịch thường làm việc cả ngày không ngừng nghỉ. Chúng mang theo sức nặng của quản tượng, khách du lịch và chiếc ghế bành. Qua nhiều năm, xương và mô của chúng bị thoái hóa.

Tại vườn, Y Khun (bên trái) và Bun Khăm là đôi bạn thân, gần như đi đâu chúng cũng có nhau.

Tại vườn, Y Khun (bên trái) và Bun Khăm là đôi bạn thân, gần như đi đâu chúng cũng có nhau.

Cũng có thể bởi cái lưng đau này mà ngày về vườn Y Khun khá bướng. Anh Y Mức, nài voi được giao nhiệm vụ chăm sóc cô kể rằng, lắm lúc không rõ cô có phải voi đực không. So với các bạn đồng trang lứa, Y Khun hung dữ hơn hẳn. Tính cách cô "lúc nóng lúc lạnh", sẵn sàng len lén đánh người nếu họ xâm phạm không gian riêng. Ngay cái tên cũng phần nào nói lên cá tính của quý cô thuộc hàng lão tướng này. Để phân biệt giới tính, người Êđê thường dùng tên “Y” để đặt cho nam và “H” để đặt cho nữ, tương tự tên đệm “Văn” và “Thị” của người Kinh. Trong Vườn quốc gia Yok Đôn, những voi cái đều tên bắt đầu bằng “H” như H'Pló, H'Blú. Chỉ riêng Y Khun, dù là voi cái, lại bắt đầu bằng “Y”.

“Ngày mới nhận chăm Y Khun, nhiều đêm tôi mất ngủ. Hầu như ngày nào cũng phải theo từng bước, quan sát thường xuyên và phải thật sự tinh ý để phát hiện ra những thay đổi trong hành vi thường ngày”, anh Y Mức nhớ lại.

Trong vườn, Y Khun chỉ chơi được với mỗi Bun Khăm, ít hơn cô 9 tuổi. Khác với người chị lớn, cá thể voi có tên mang nghĩa là “Cô gái vàng” khá ham ăn và không khó tính trong lựa chọn đồ ăn. Cô cũng là một trong những cá thể voi đầu tiên "làm việc" cho Vườn quốc gia Yok Đôn, thậm chí là phụ tá đắc lực cho lực lượng kiểm lâm trong các chuyến tuần rừng.

Chiến binh tại Tánh Linh

Câu chuyện về Y Khun khiến chúng tôi thích thú. Sau nhiều ngày ngang dọc khắp huyện Buôn Đôn, nhờ hết người này người kia liên hệ, chúng tôi cũng tìm được anh Y Mắt, chủ sở hữu của cá thể voi sắp sang tuổi 70 trước khi chuyển voi cho Vườn quốc gia.

Ngoài 50 tuổi, nhưng Y Mắt nhanh nhẹn chẳng khác nào một chú nai rừng. Tham gia lực lượng kiểm lâm đi tuần rừng đến 30 năm, không ngọn núi, con suối nào ở Yok Đôn không lưu lại dấu chân anh. Hễ nghe ở đâu có giống hồng trà quý là anh lại cơm nắm muối vừng lên đường.

“Hầu như ngày nào mình cũng đi rừng. Có ngày đi tới 30 cây số, đếm và ngắm từng tán cây. Nhìn rừng xanh tươi là mọi lo âu, mệt mỏi đều tan biến”, Y Mắt kể.

Voi được xem là loài vật rất thông minh, ngoài tự nhiên chúng sống theo bầy có thể lên tới hàng chục cá thể. Ảnh: Tùng Đinh.

Voi được xem là loài vật rất thông minh, ngoài tự nhiên chúng sống theo bầy có thể lên tới hàng chục cá thể. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhìn đôi mắt trũng sâu, nghe giọng nói ào ào như rừng khộp mùa thay lá, chúng tôi hiểu Y Mắt có nhiều tâm sự. Và để nhanh lái câu chuyện vào chủ đề chính, chúng tôi cắt ngang, hỏi anh còn nhớ Y Khun không.

“Quên sao được cán bộ ơi”, Y Mắt đáp và nhắm hờ mắt như để nhớ về cố nhân. Sau chừng một tuần trà, anh mới thủng thẳng kể về lai lịch Y Khun. Đây là món quà mà người cha đã quá cố để lại cho gia đình. Những năm thập niên 1990, cưỡi Y Khun ra bản, anh thấy bản thân oai lắm, chẳng khác gì ngày nay đại gia lái siêu xe bạc tỉ xuống phố. Ai cũng hỏi thăm và nhìn Y Mắt bằng ánh mắt ngưỡng mộ.

Săn voi đã khó, săn được một con voi hiểu việc, chăm chỉ làm lụng và biết săn lại voi rừng càng khó hơn. Nhờ Y Khun, gia đình Y Mắt có của ăn của để. Đối lại, cả nhà coi cá thể voi sinh năm 1956 như một thành viên trong gia đình. Mỗi khi có dịp lễ hội hay cúng giỗ, Y Khun đều tham gia. Hôm ấy, quý cô sẽ được mặc váy, ăn uống xả láng trong những chiếc máng lớn được để riêng. Suốt mấy ngày, Y Khun sẽ được thả rông, không phải làm việc.

Cuộc sống có lẽ vẫn êm đềm trôi như thế, nếu như không có sự kiện voi rừng Tánh Linh hồi cuối năm 2001. Ngày đó, Bộ NN-PTNT phối hợp các tỉnh thực hiện chiến dịch quy mô lớn để di dời 9 cá thể voi phá phách, hại chết người ở Bình Thuận. Nhiều chuyên gia nước ngoài, trong đó có Malaysia, được mời về. Chốt kiểm lâm dã chiến mọc lên dày đặc ở những điểm nóng.

Nhiệm vụ khó nhất là tìm được 2 voi nhà mạnh mẽ, có kinh nghiệm săn voi rừng và nhất là phải áp chế được voi đầu đàn ở Tánh Linh. Sau nhiều ngày đánh giá trực tiếp, Y Khun và người em thân thiết Bun Khăm được chọn. Dù không muốn chia tay thành viên lâu năm này, nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng, gia đình Y Mắt quyết định nhận kinh phí bồi thường với giá khoảng một cây vàng thời đó, tương đương 45 triệu đồng.

Cùng với Y Khun, anh Y Mắt bước vào chiến dịch đặc biệt kéo dài từ mùa mưa năm 2001. Ngày 3 lần, anh vào rừng bổ sung dinh dưỡng cho Y Khun bằng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng như mía, chuối, rồi cùng các chuyên gia tập luyện cho voi. Do đã quen phối hợp săn voi rừng, Y Khun nắm bắt rất nhanh. Tới khoảng tháng 11, cô làm quen với cách lên xuống xe chuyên dụng Kamaz, cũng như học thuộc bài hướng dẫn để sau này áp voi Tánh Linh lên xe...

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Vượt thách thức, triển khai toàn diện công tác thủy lợi, nước sạch nông thôn

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024, nhưng Cục Thủy lợi đã triển khai thực hiện toàn diện công tác về thủy lợi, nước sạch nông thôn.

Khánh Hòa dự báo mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo dự báo, từ đêm 23 - 25/12, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…