Vườn quốc gia Cát Tiên được ví như "túi thú" của vùng Đông Nam bộ nhờ tính đa dạng sinh học về cả động vật lẫn thực vật. Với hơn 70.000ha rừng nguyên sinh và sông Đồng Nai trải dài qua, nơi đây là môi trường sống thuận lợi của hàng trăm loài động vật, trong đó có gần 30 loài nằm trong sách Đỏ và rất nhiều quần thể thú lớn như bò tót, voi, gấu...
Cát Tiên cũng được xem là nơi có cơ hội quan sát thú hoang dã lớn nhất với một chương trình trải nghiệm đã làm nên thương hiệu của vườn, là ngắm thú đêm. Thậm chí, có người nói, đến Cát Tiên mà chưa đi ngắm thú đêm coi như chưa đến.
Mùa khô, cây cối thưa, thú đi ăn nhiều rất dễ gặp, nhưng mùa mưa muốn gặp thú cần đến nhiều yếu tố, đặc biệt là may mắn. Lý do là thú rừng sợ sấm sét, lại sẵn cây cỏ, nước uống nên không cần ra ngoài ăn đêm.
Từ bến đò cổng vườn, tuyến trải nghiệm xem thú được bố trí xuôi theo dòng sông Đồng Nai về hướng Tây Nam, sở dĩ có cung đường này là vì theo tập tính của động vật, chúng thường tìm về nơi có nguồn nước.
Đàn bò tót trong cơn mưa đêm
"18h45 đoàn mình xuất phát nhé, chuyến đầu tiên, khả năng gặp thú rất cao", anh Lê Đức Khánh, cán bộ Trung tâm Giáo dục, môi trường và dịch vụ của vườn thông báo cho nhóm du khách. Thế nhưng, Khánh vừa dứt câu thì cơn mưa ập đến, mùa mưa ở đây, nước có thể trút xuống bất cứ lúc nào. Kế hoạch tạm hoãn.
Sau 2 lần lùi giờ, 19h15 nhóm khách đầu tiên mới bắt đầu lên thùng chiếc xe chuyên dụng của vườn để khởi hành. Trong đêm tối, đoàn người lập lòe xanh đỏ do ánh đèn điện phản chiếu vào những tấm áo mưa giấy họ khoác trên người.
Sau khi khách đã ổn định chỗ ngồi, Khánh bắt đầu phổ biến một số thông tin cần lưu ý vì hôm nay anh là người soi thú, dùng đèn chiếu cho du khách quan sát trong đêm.
Thứ nhất, tuyệt đối không dùng đèn flash của điện thoại để soi chiếu vì thú rất sợ thứ ánh sáng trắng này, đèn chiếu trên xe chuyên dụng rọi ánh sáng vàng, có công suất được tinh chỉnh để không làm thú hoảng sợ.
Thứ hai, nếu gặp thú phải tuyệt đối giữ im lặng vì không ít lần du khách phấn khích quá, hét lên khi nhìn thấy thú khiến chúng giật mình mà bỏ chạy vào rừng.
Chiếc xe nổ máy, tiến thẳng vào bóng tối tĩnh mịch. Không gian chỉ còn tiếng động cơ gầm gừ xen lẫn tiếng mưa, văng vẳng thêm chút tiếng ếch nhái ở phía xa.
Sau khoảng 2km đầu tiên, chiếc đèn pha trong tay Khánh được bật lên, anh nhanh tay đảo một lượt từ gần ra xa rồi nhanh chóng đưa ánh sáng tập trung vào phía vệ đường, không phát tán rộng.
Cỡ độ đến lần lướt đèn thứ 4 thì có 2 đốm đỏ xuất hiện trong lùm cây, cách xe khoảng 20m. "Thú kìa", vài du khách thốt lên, lập tức Khánh ra hiệu cho mọi người bình tĩnh để tiếp tục quan sát.
Trong đêm, một con nai nhỏ nằm trọn trong luồn ánh sáng vàng hình chữ V đang phóng từ xe vào phía bìa rừng. Sau vài giây ngơ ngác, con nai tiếp tục cúi xuống, như thể đang ăn gì đó rồi đủng đỉnh tiến vào lùm cây.
Gõ 2 tiếng vào cửa sau cabin, Khánh ra hiệu cho tài xế tiếp tục di chuyển, còn ám hiệu cho xe dừng lại là 1 tiếng gõ. Những thao tác tay quen thuộc lại lặp lại, lúc gần lúc xa, hươu, nai, mang, kỳ đà... lần lượt xuất hiện trong ánh đèn của Khánh.
Đến khi những du khách dường như đã no mắt với thú hoang trong đêm, đột nhiên Khánh nói khẽ: "Bò tót đấy", cả đoàn không ai bảo ai, lập tức hướng mắt về phía ánh đèn. Đầu tiên là hàng chục đốm đỏ lập lòe, sau đó là những mảng đen đồ sộ rồi đến những cặp sừng hùng dũng dần rõ nét.
Để nói về bò tót, đây là loài hiếm gặp nhất nhì ở Vườn quốc gia Cát Tiên, chỉ sau voi rừng. Chúng rất nhạy cảm với con người cũng như thời tiết nên ngay cả chờ sẵn ở những địa điểm quen thuộc nhất, xác xuất gặp bò chỉ vào khoảng dưới 20%.
Các đồng nghiệp của Khánh kể, có vị khách ngoài 60 tuổi, đến Cát Tiên gần chục lần chỉ để ngắm bò tót nhưng không gặp được lần nào, cuối cùng phải bỏ cuộc vì sức khỏe không còn cho phép.
Còn đoàn khách này đã gặp may mắn, họ không những gặp bò tót mà còn gặp giữa cơn mưa đêm. Có lúc, dưới cơn mưa dày hạt, những tia chớp rạch ngang bầu trời kéo hoàn toàn đàn bò tót ra khỏi màn đêm đen kịt.
Theo kinh nghiệm của những hướng dẫn viên đưa khách đi trải nghiệm xem thú đêm, để phát hiện ra thú đầu tiên là từ cặp mắt phản xạ với ánh sáng của chúng.
Với người nhiều kinh nghiệm như Khánh, việc phân biệt được bò tót với các loài thú khác cũng dựa vào đôi mắt, cụ thể là khoảng cách giữa 2 mắt của con vật.
"Khoảng cách giữa 2 mắt của bò tót lớn hơn rất nhiều so với hươu, nai... nên những người nhiều kinh nghiệm sẽ nhận ra ngay khi lướt đèn qua chúng", Khánh phân tích.
Chạm mặt thú rừng
Trải nghiệm xem thú đêm rất thú vị nhưng nếu ai đó đủ may mắn thì đạp xe trên những con đường mòn của vườn cũng có thể bắt gặp thú hoang, kể cả bò tót hay voi rừng.
Những trảng cỏ rộng lớn của vườn là địa điểm ưa thích của bò tót, nhất là những người điểm râm mát, không nắng, không mưa. Có du khách, đang đạp xe ngang qua những trảng cỏ này thì giật mình bởi một cơn gió mang theo mùi của bò tót, một thứ mùi rất nồng, đậm và đặc trưng.
Lần theo thứ mùi đó, có thể bắt gặp ngay một đàn bò tót hàng chục con đang thung thăng đứng gặm cỏ. Nếu thuận lợi, bạn có thể đứng nhìn chúng thỏa thích, quay phim, chụp ảnh thoải mái mà không sợ đàn bò bỏ đi.
Thuận lợi ở đây nghĩa là phải đứng ở cuối chiều gió, nơi mà chúng không cảm nhận được hơi người. Cũng tùy thuộc vào gió, nếu đúng hướng, những du khách đam mê nhiếp ảnh, có thể dùng flycam dõi theo đàn bò từ trên cao mà chúng không hề hay biết, vì tiếng cánh quạt bị tạt đi theo một chiều khác.
Ngược lại, nếu đứng ở đầu chiều gió, đàn bò có thể phát hiện ra con người từ rất sớm dựa vào sự nhạy cảm của chúng. Hoặc khi những cơn giông kéo đến, dù đám mây đen vẫn ở rất xa nhưng sự thay đổi trong không khí cũng khiến đàn bò cảm thấy bất ổn mà di chuyển khỏi trảng cỏ rộng lớn vào khu vực có nhiều cây lớn, có thể che chở cho chúng trước sấm sét.
Bò đã hiếm nhưng tỷ lệ giáp mặt voi rừng ở Cát Tiên còn thấp hơn rất nhiều. Theo lời kể của các kiểm lâm viên và cán bộ của vườn, có khi vài tháng không thấy voi nhưng cũng có lúc đang đi tuần lại gặp một chú voi thong thả dạo trên đường mòn.
Dù là voi rừng nhưng có một cá thể voi đực ở Cát Tiên được đánh giá là lành và dạn người. Đó là con voi duy nhất xuất hiện ở các đường mòn du khách hay qua lại. Tuy nhiên, mỗi năm nó chỉ về khu vực này khoảng 1 - 2 lần, đủ để có người bắt gặp rồi lại đi. Các kiểm lâm viên nói vui, có khi con voi này đang "đi tuần" để kiểm tra vườn có gì thay đổi không.
Từ khu dân cư, muốn vào Vườn quốc gia Cát Tiên phải qua sông Đồng Nai, ở đây có một bến phà phục vụ du khách, gồm cả phà và đò. Trong lúc chờ đủ người, ông Thanh - lái đò hào hứng khoe với mấy du khách đang đứng trên bờ đoạn clip ông quay được cảnh voi rừng.
Dưới những tán cây rậm rạp, con voi đực như choán hết con đường mòn, khoan thai vẫy đuôi rong ruổi bước. Ông Thanh nói, hôm đó ông đưa khách vào Bàu Sấu, lúc quay ra cách ngã ba Bàu Sấu khoảng gần 1 km thì nhìn thấy chú voi này, đó là vào tháng 11/2022.