Sếu đầu đỏ được xếp vào danh sách sắp nguy cấp trong Sách Đỏ về các loài bị đe dọa tuyệt chủng của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (Tổ chức IUCN).
Sếu đầu đỏ gồm có 3 loại: Sếu Ấn Độ, sếu phương Đông và sếu Australia. Riêng loài sếu Phương Đông xuất hiện ở Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và có quần thể nhỏ nhất trong số ba loài.
Trong 10 năm qua, ở Campuchia và Việt Nam, quần thể sếu đầu đỏ hoang dã đã suy giảm một cách nhanh chóng, từ 850 cá thể được ghi nhận vào năm 2010 giảm xuống chỉ còn dưới 160 cá thể được ghi nhận trong cuộc điều tra quần thể gần đây nhất vào năm 2022.
Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, ban cho loài cỏ năn kim đặc trưng, Vườn quốc gia Tràm Chim từng là nơi được loài sếu đầu đỏ ghé đến vào mùa khô vì cỏ năn kim là món ăn ưa thích của chúng.
Tuy nhiên, số lượng sếu đầu đỏ đến Tràm Chim đang suy giảm nghiêm trọng, năm 2017 chỉ có 3 cá thể sếu đầu đỏ về, năm 2018 là 9 cá thể, năm 2019 là 11 cá thể. Đến năm 2020, không có cá thể sếu đầu đỏ nào về vườn, sang 2021 có 3 cá thể về Tràm Chim sau thời điểm đó đến nay lại trở về con số 0.
Bên bờ vực tuyệt chủng
Là người có nhiều năm quan sát, nghiên cứu sếu đầu đỏ, ông Nguyễn Hoàng Minh Hải, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Tràm Chim cho rằng, đây là loài vật không chỉ có ý nghĩa về mặt sinh thái mà còn mang giá trị về văn hóa với người dân dùng ĐBSCL nói chung và Đồng Tháp Mười nói riêng.
“Người dân ở đây còn gọi sếu đầu đỏ là hạc, loài vật thể hiện sự trường tồn, thanh cao và chung thủy. Do đó, họ rất yêu mến chúng", ông Hải nói và lưu ý thêm, việc số lượng sếu giảm từ gần 1.000 về xấp xỉ 160 con khiến chính quyền tỉnh Đồng Tháp và Vườn quốc gia Tràm Chim rất ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, hồi phục loài chim quý đang bên bờ vực tuyệt chủng này.
Như ông Nguyễn Hoài Bão, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định, việc suy giảm cá thể của sếu đầu đỏ như hiện nay có thể khẳng định là loài chim này đang ở bờ vực tuyệt chủng ở ĐBSCL hay Việt Nam nói chung. “Số lượng sếu ở ĐBSCL sụt giảm quá nhanh”, ông Bão lo lắng.
Nguyên nhân, theo ông Bão là do sự suy giảm môi trường sống của sếu đầu đỏ trên lưu vực sông Mekong, bao gồm cả ở Lào và Campuchia. Ngoài ra, giảng viên của Đại học Quốc gia TP.HCM còn nhắc đến yếu tố ô nhiễm môi trường canh tác nông nghiệp.
Theo đó, sếu đầu đỏ không chỉ ăn củ năn kim mà còn kiếm ăn ở những cánh đồng lúa bỏ hoang, nơi có sự đa dạng sinh học với cá, tôm, ốc, chuột… Vốn là loài có kích thước lớn, sếu đầu đỏ cần một lượng thức ăn đáng kể mới có đủ năng lượng hoạt động.
“Sếu đầu đỏ được xem là chỉ thị của môi trường đất ngập nước. Khi mà sếu không còn xuất hiện nữa, chứng tỏ môi trường của vùng đất ngập nước đó đã bị suy thoái, đa dạng sinh học bị giảm”, ông Bão khẳng định.
Trước tình hình đó, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai một dự án nhằm bảo tồn và khôi phục lại đàn sếu đầu đỏ ở Tràm Chim. Điều này không chỉ có ý nghĩa với riêng loài sếu mà những hoạt động của dự án còn góp phần khôi phục môi trường sống cho nhiều loài sinh vật khác ở vùng đất ngập nước này.
Đưa đàn sếu trở về
Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác quốc tế Nguyễn Hoàng Minh Hải nói, từng là quốc gia không có sếu nhưng Thái Lan đã tìm cách gây nuôi, tạo được đàn sếu đầu đỏ có số lượng lớn.
Do đó, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Hiệp hội Vườn thú Việt Nam (VZA), Hội Sếu quốc tế (ICF) và Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan (ZPOT) thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ nhằm khôi phục lại số lượng sếu”.
Ông Hải cho biết thêm, mục tiêu của dự án là phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Cụ thể, trong vòng 10 năm (2023 - 2033), dự án phấn đấu nuôi thả 150 cá thể sếu về tự nhiên với tối thiểu 100 cá thể sống sót.
“Đàn sếu được thả sẽ có thể tự sinh sản và tồn tại, phát triển trong môi trường tự nhiên”, đại diện Vườn quốc gia Tràm Chim chia sẻ về dự án.
Theo đó, dự án có 4 nội dung chính gồm nuôi và thả sếu tại Tràm Chim; cải thiện môi trường sống của sếu; xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ xung quanh vườn.
Bên cạnh đó, quảng bá, giáo dục môi trường, phát triển sinh kế bền vững dựa vào sếu đầu đỏ và nông nghiệp hữu cơ, vận động sự tham gia của cộng đồng địa phương. Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 92 tỷ đồng.
Ở góc độ nhà khoa học, ông Nguyễn Hoài Bão làm rõ thêm, nếu như triển khai từ cách đây 5 - 7 năm, sẽ có nhiều cách để bảo tồn và khôi phục đàn sếu. Tuy nhiên, khi đó không ai có thể tưởng tượng được rằng lượng sếu sẽ giảm nhanh đến như vậy.
Theo ông Bão, bên cạnh việc nhân giống, gây nuôi và tái thả sếu đầu đỏ vào các khu vực được lựa chọn ở Vườn quốc gia Tràm Chim, các cơ quan chức năng phải song song có biện pháp phục hồi sinh thái cho khu vực này.
“Chúng ta cần nuôi rồi đưa sếu ra tự nhiên để xem chúng có thể sống trong môi trường đó hay không. Cùng với đó là khôi phục lại môi trường nguyên bản của vùng đất ngập nước này”, ông Nguyễn Hoài Bão phân tích và nhấn mạnh thêm vào việc phục hồi hệ sinh thái nông nghiệp ở Tràm Chim.
Nếu làm được như vậy, ngoài việc bảo tồn, khôi phục được hệ sinh thái của Tràm Chim thì còn đảm bảo được sinh kế cho những người nông dân sống bằng nghề nông trong khu vực, đó mới là điều đảm bảo được sự bền vững cho sếu đầu đỏ.
“Hy vọng rằng, một ngày không xa, ngoài những con sếu được gây nuôi sẽ có thêm nhiều cánh sếu tự nhiên nữa tung bay trên bầu trời của Tràm Chim”, chuyên gia về chim của Đại học Quốc gia TP.HCM bày tỏ.
Hơn 10 năm trước, Vườn quốc gia Tràm Chim bắt đầu được bao bọc bởi hệ thống kênh, đê với tổng chiều dài hơn 80km. Mục đích nhằm trữ nước, phòng chống cháy rừng tràm và các bãi cỏ năn vào mùa khô.
Việc này kết hợp biến đổi khí hậu, ô nhiễm… khiến môi trường sống cho sếu đầu đỏ ngày càng bị thu hẹp. Thậm chí các nhà khoa học còn phát hiện một số cá thể sếu bị bệnh hoặc chết do mắc lưỡi câu hoặc trúng thuốc trừ sâu.
Để bảo tồn sếu đầu đỏ, bên cạnh việc chuyển giao trực tiếp các cá thể với Thái Lan, huyện Tam Nông kêu gọi người nông dân trồng lúa hữu cơ trong vùng bảo tồn sếu tự nhiên. Huyện đã đề xuất tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ kinh phí triển khai kế hoạch trong 3 năm, từ nay đến 2025, trên diện tích khoảng 200ha vùng đệm. Cụ thể, sau 4 vụ lúa, huyện đặt mục tiêu giảm lượng phân bón hóa học lần lượt là 30%, 50%, 70% và 100%.
Bài học từ sếu đầu đỏ
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh Hải, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia Tràm Chim, biến đổi khí hậu trong thời gian vừa qua đã gây ra nhiều ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu vực đất ngập nước này.
Từ con sếu đầu đỏ, bài học mà Vườn quốc gia Tràm Chim có thể rút ra được đó là phải bằng cách nào đó duy trì được điều kiện tự nhiên để cây năn kim có thể phát triển như trước, tạo ra nguồn thức ăn dồi dào, đảm bảo điều kiện sinh sống của loài chim này.
Tuy nhiên, để tạo được môi trường phù hợp cho cây năn kim là điều không hề đơn giản. “Ngập quá cũng không được mà khô quá cũng không được, mưa nhiều cũng không tốt mà nắng nhiều quá cũng không tốt”, ông Hải nói.
Để làm được điều này, Vườn quốc gia Tràm Chim đã nhờ đến sự hỗ trợ của các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về sinh thái để khôi phục lại được những bãi năn đủ lớn, đủ rộng để sếu có thể quan sát và tiếp cận dễ dàng.
Ngoài ra, vườn cũng đang có kế hoạch khôi phục hoạt động của nhóm cố vấn về đất ngập nước. Đây là những chuyên gia hàng đầu, hiểu biết rất rõ về Tràm Chim để giúp vườn khôi phục đa dạng sinh học.