| Hotline: 0983.970.780

Chiến lược phát triển chăn nuôi toàn diện đầy tham vọng của Hải Phòng

Chủ Nhật 15/05/2022 , 10:15 (GMT+7)

Hải Phòng đang xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi trong nhiều năm tới để đưa lĩnh vực này phát triển toàn diện, hiệu quả, an toàn, bền vững.

Lĩnh vực chăn nuôi ở Hải Phòng chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Trung Quân.

Lĩnh vực chăn nuôi ở Hải Phòng chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Trung Quân.

Chưa tương xứng tiềm năng

Hiện tại sản lượng thịt hơi của Hải Phòng mỗi năm chưa đến 100.000 tấn và trứng gia cầm khoảng 325 triệu quả, tổng giá trị sản xuất cũng chỉ loanh quanh trên dưới 5.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tỷ lệ gia súc gia cầm được giết mổ tập trung thấp, việc tái đàn lợn gặp nhiều khó khăn do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phần nhiều đã chuyển đổi nghề sau khi mất mát quá lớn do dịch tả lợn Châu Phi.

Theo đánh giá chung, tiềm năng để phát triển chăn nuôi ở Hải Phòng là rất lớn nhưng sự phát triển lĩnh vực trong những năm qua là chưa đạt yêu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố Cảng.

Việc lĩnh vực chăn nuôi vẫn ỳ ạch và luẩn quẩn trong nhiều năm qua, ngoài những khó khăn chung, TP Hải Phòng cũng có những đặc thù, hạn chế riêng, vừa khách quan vừa chủ quan.

Trong đó, một số nguyên nhân dễ nhìn nhận, có thể kể đến như việc quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn Hải Phòng đến năm 2020 đã hết hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, thực hiện Luật Quy hoạch năm 2018, không cho phép các địa phương triển khai xây dựng các quy hoạch chuyên ngành và phải tiến hành tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh, thành theo danh mục do Chính phủ quy định đã gây khó khăn cho các địa phương trong triển khai thực hiện quản lý chăn nuôi và giết mổ tập trung.

Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ, nhân viên còn mỏng, tỷ lệ chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ lớn, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như tiêm vắc xin phòng bệnh, phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, còn chờ nguồn hỗ trợ,... đã khiến nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, bùng phát gây tác hại cho sản xuất chăn nuôi.

Ngành nông nghiệp Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 50% giá trị sản xuất nông nghiệp và tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt hơn 120.000 tấn.

Toàn Hải Phòng sẽ có 100% trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn đạt cơ sở an toàn dịch bệnh, 100% cơ sở giết mổ áp dụng dây chuyền bán công nghiệp, công nghiệp, đồng thời có từ 50-60% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn được giết mổ tập trung.

Kỳ vọng vào giai đoạn mới

Để giải quyết những vấn đề tồn tại này, theo Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hải Phòng, địa phương đang xây dựng chiến lược phát triển cụ thể cho lĩnh vực chăn nuôi trong nhiều năm tới đây.

Chiến lược này được được xây dựng nhằm mục đích tập trung khai thác và phát huy lợi thế phát triển chăn nuôi của thành phố theo hướng giảm dần chăn nuôi quy mô nông hộ, phân tán sang chăn nuôi quy mô trang trại áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Tiếp tục huy động và đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.

Đồng thời nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố, giảm thiểu thiệt hai do thiên tai, dịch bệnh, hướng tới xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Sau khi hoàn thiện và được thông qua, các đơn vị chức năng và địa phương cần phối hợp thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp khác nhau.

Các cơ sở giết mổ tập trung ở Hải Phòng ít và chưa phát huy tốt hiệu quả như kỳ vọng. Ảnh: Trung Quân.

Các cơ sở giết mổ tập trung ở Hải Phòng ít và chưa phát huy tốt hiệu quả như kỳ vọng. Ảnh: Trung Quân.

Trước mắt, cần bố trí quỹ đất phát triển chăn nuôi đáp ứng các quy định theo luật Chăn nuôi, luật Thú y, gắn với giết mổ, phù hợp quy hoạch chung của thành phố, bảo đảm yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Cần ưu tiên giao đất, thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trong vùng phát triển chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung, chế biến công nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, chợ đầu mối, trung tâm đấu giá vật nuôi.

Mặt khác, cần xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm đường, điện, nước và xử lý môi trường cho cơ sở sản xuất giống, cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến công nghiệp sản phẩm chăn nuôi thuộc khu vực đã được xác định trong các quy hoạch phát triển.

Hàng năm, cần hỗ trợ việc giám định, bình tuyển, loại thải và thay thế đàn giống vật nuôi, xây dựng các mô hình điểm chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và ap dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất, chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, ưu đãi thuế đối với hoạt động trong các lĩnh vực của ngành chăn nuôi nhằm tạo điều kiện phát triển chăn nuôi hiện đại, toàn diện, đồng bộ.

Đồng thời cần thúc đẩy nhanh việc phát triển và nhận rộng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi và nâng cao hiệu quả hỗ trợ, nhất là đối với khu vực chăn nuôi nông hộ thông qua khuyến khích hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào chăn nuôi có gắn kết với các trang trại, hộ chăn nuôi.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chi cục Chăn nuôi & Thú y Hải Phòng nhận định, ngoài những giải pháp trên, cũng cần quan tâm về tín dụng, khuyến khích cho vay đầu tư dự án phát triển giống vật nuôi, cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghiệp, cơ sở sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học.

Các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân vay vốn theo chính sách ưu đãi của nhà nước để đầu tư con giống, cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ, phát triển chăn nuôi và giết mổ, bảo quản, chế biến công nghiệp các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn.

Cần đổi mới công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ chăn nuôi theo hướng kết hợp nghiên cứu với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Ưu tiên, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học vào lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, sản xuất vắc xin, nhận dạng, truy xuất động vật, giết mổ, chế biến, phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường chăn nuôi.

Mặt khác, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong việc lựa chọn giống vật nuôi, lựa chọn và lai tạo các giống mới có năng suất, chất lượng cao cũng như tiếp thu nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, nhập khẩu và nhân rộng, bổ sung các nguồn giống cao sản, giống chất lượng, phù hợp với nhu cầu sản xuất cho tiêu dùng, cũng như nhu cầu xuất khẩu.

"Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan nhằm thu hút, khuyến khích đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để phát triển chăn nuôi hiện đại, theo chuỗi khép kín, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi", ông Hùng chia sẻ.

Tầm nhìn đến năm 2045, trình độ và năng lực sản xuất ngành chăn nuôi ở TP Hải Phòng thuộc nhóm đầu của các nước khu vực Đông Nam Á, trở thành ngành sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp từ sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở vật nuôi và các bệnh từ vật nuôi lây nhiễm sang người.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.