| Hotline: 0983.970.780

Chiều cuối năm ở xã nông thôn mới nơi biên thùy

Thứ Năm 31/12/2020 , 09:10 (GMT+7)

Những ngày cuối năm, chúng tôi về xã nông thôn mới nơi biên thùy - Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La không khỏi ngạc nhiên về sự đổi thay đến ngỡ ngàng.

Nhãn đã mang lại sự giàu cho đồng bào các dân tộc Chiềng Khương. Ảnh: LT

Nhãn đã mang lại sự giàu cho đồng bào các dân tộc Chiềng Khương. Ảnh: LT

Chiềng Khương là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Sơn La về đích nông thôn mới. Ngày Chiềng Khương về đích nông thôn mới, không chỉ là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Chiềng Khương, của huyện sông Mã nức tiếng trong và người nước bởi cây nhãn,  mà còn là của cả đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La. Hôm nay, trên mảnh đất này, sự tự hào ấy đã biến thành sức mạnh của đồng bào, thi đua nhau phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng cuộc sống ấm no, giàu có nơi biên thùy...

Bản Huổi Nhương vẫn là cái tên được rất nhiều người nhắn đến, dù một lần đi qua Chiềng Khương. Huổi Nhương có 100% dân số là đồng bào Khơ Mú, là một trong những bản trước đây nghèo khó nhất vùng. Cây lúa, củ khoai không thể giúp họ thoát nghèo được, hết năm này qua năm khác, đồng bào Khơ Mú vật lộn với khó khăn, thu nhập, nâng cao đời sống.

Nhưng, Huổi Nhương hôm nay đã thay đổi hoàn toàn. Cơ sở vật chất, hạ tầng đường, điện, trường, trạm khang trang, nông nghiệp phát triển, nhất là trồng trọt và chăn nuôi, cuộc sống sôi động. “Đó là nhờ vào chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Từ đó, làm thay đổi tư duy của người dân. Chúng tôi tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc một cách mạnh mẽ. Và rồi, quả sai, trái ngọt đã không phụ lòng người dân” -  nông dân Quàng Văn Thuông nói.

 Ông Quàng Văn Thuông trở thành một trong những người dân đi đầu của bản Huổi Nhương trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng,  là một trong những hộ dân tiêu biểu tiên phong ttrong phát triển kinh tế. Hiện nay gia đình ông Quàng Văn Thuông  có trên 2 ha trồng nhãn và các loại cây ă quả khác với thu nhập gấp nhiều lần so với cây ngô, sắn trước đây mỗi năm chỉ cho thu nhập trung bình chỉ khoảng 20 triệu đồng.

Mỗi năm, riêng cây nhãn, với nhiều loại nhãn ngon, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng đã cho gia đình ông Quàng Văn Thuông thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. “Tổ tiên người Khơ Mú chỉ biết canh tác nương lúa, nương ngô. Về sau, thấy đồng bào người Kinh mang cây nhãn từ Hưng Yên lên trồng và cho thu nhập cao gấp nhiều lần cây ngô. Tôi liền đi tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật để trồng nhãn. Lúc đầu chỉ trồng trên một nửa khu đất của gia đình để xem mình có làm được không. Được mấy năm thì thấy hiệu quả bất ngờ. Thế là tôi triển khai trồng trên toàn bộ diện tích 2 ha. Từ đó, bà con Khơ Mú trong bản và nhiều người dân trong khu vực đến học tập, làm theo. Đến nay, gia đình nào cũng khá giả từ cây nhãn và cây ăn quả” – ông Quàng Văn Thuông nói.

Chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện việc chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp, diện tích cây ăn quả của Huổi Nhương đã tăng lên nhanh chóng, đến nay, đã có gần 100 ha, với thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Vì thế, nông thôn mới đã thực sự mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân nơi đây.

Ở Chiềng Khương, không chỉ có đồng bào Khơ Mú và còn đồng bào Thái, Xinh Mun cũng nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, vươn lên làm giàu, trở thành điểm sáng của Sông Mã trong xây dựng nông thôn mới.

Nhãn Sông Mã ngày càng có chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa thích. Ảnh: LT

Nhãn Sông Mã ngày càng có chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa thích. Ảnh: LT

Để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, xã Chiềng Khương đã huy động được tổng số trên 70 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 47 tỷ đồng, còn lại là nhân dân đóng góp trên 23 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân Chiềng Khương còn đóng góp hơn 31.000 ngày công, hiến trên 12.000 m2 đất để hoàn thành 170 tuyến đường giao thông nội bản, dài gần 50 km, xây dựng được nhà văn hóa tại tất cả các thôn, bản.

Có thể khẳng định, nhờ chủ trương đúng đắn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy tối đa được vai trò làm chủ của người dân, sức mạnh của đồng bào các dân tộc Chiềng Khương đã tạo nên một phong trào xây dựng nông thôn mới sôi động và thành công. Nay, Chiềng Khương đang tiếp túc xây dựng nông thôn mới nâng cao, tiếp tục phát triển nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường, có giá trị gia tăng cao, tiêu thụ tốt để tiếp tục nâng cao đời sống của nhân dân. Đó là khát vọng của đồng bào các dân tộc Chiềng Khương.

Huyện Sông Mã đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm xã biên giới Chiềng Khương và xã Chiềng Sơ; có 8 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 5 xã đạt từ 6 - 7 tiêu chí. Hết năm 2019, bình quân các xã trên địa bàn huyện đạt 10,06 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.