Andrei Pivovarov, người đứng đầu phong trào Nước Nga Mở rộng đã tuyên bố tự giải tán vào tuần trước. Đến cuối ngày hôm qua, ông này tiếp tục bị đuổi khỏi máy bay tại sân bay ở thành phố St.Petersburg và hiện đã được chuyển đến thành phố Krasnodar ở miền nam nước Nga như một phần của cuộc điều tra tội phạm chống lại ông.
Cũng trong ngày thứ Ba, cảnh sát Nga đã đột kích một ngôi nhà ở vùng nông thôn của chính trị gia đối lập Dmitry Gudkov, một cựu nghị sĩ từng có ý định tham gia tranh cử quốc hội vào tháng Chín tới.
Giới quan sát cho hay, có ít nhất hai cộng sự của ông Gudkov cũng bị nhà chức trách khám xét nhà riêng.
Theo AP, các động thái này là một phần của chiến dịch đàn áp từ nhiều phía đối với các phe phái đối lập trong nước. Điều này được coi là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn bất kỳ phe nhóm đối lập nào thách thức đảng Nước Nga Thống nhất do Điện Kremlin hậu thuẫn trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, nhất là trong bối cảnh đang này đã suy yếu đáng kể cùng với đà đi xuống của nền kinh tế.
Tuần trước, nhà lãnh đạo đối Pivovarov thông báo rằng, đảng Nước Nga Mở rộng sẽ tự giải tán để bảo vệ các thành viên của mình khỏi bị truy tố sau khi các nhà chức trách coi là "khó ưa".
Ngoài ra, chính quyền cũng đã “chỉ mặt vạch tên” ra ngoài vòng pháp luật hơn 30 phe nhóm, tổ chức đã vận dụng điều luật từ năm 2015 quy định tư cách thành viên trong các tổ chức “không được mong muốn” trở thành tội phạm hình sự. Một dự luật khác hiện cũng đang chờ được quốc hội thông qua nhằm thắt chặt các hình phạt đối với các thành viên thuộc các tổ chức này.
Đảng Nước Nga Mở rông (Open Russia) do nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovsky tài trợ cấp ngân sách hoạt động. Ông Khodorkovsky, người đã phải tị nạn đến London sau khi thụ án tù 10 năm ở Nga với tội danh được nhiều người coi là một sự trả thù chính trị vì đã thách thức sự cai trị của Tổng thống Vladimir Putin.
Hồi tháng 3, cảnh sát Nga cũng đã tạm giữ khoảng 200 người tham gia một diễn đàn mà đảng Nước Nga Mở rộng đã đứng ra tổ chức.
Trước đó, một nhân vật được coi là đối thủ chính trị cứng rắn nhất của ông Putin, là Alexei Navalny cũng đã bị bắt vào tháng 1 khi ông trở về từ Đức, sau khi ông trải qua 5 tháng hồi phục sau vụ đầu độc chất độc thần kinh mà ông đổ lỗi cho Điện Kremlin gây ra. Tiếp đó, ông Navalny đã bị tuyên án 2 năm rưỡi tù vào tháng 2 vì vi phạm các điều khoản của một bản án quy tội danh tham ô vào năm 2014 mà ông này tố là một sự trả đũa vì mục đích chính trị.