Theo đó, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã bị Cơ quan Giám sát liên bang (GAO) trưng ra bằng chứng thanh toán tiền đền bù thiệt hại cho nông dân trồng bắp (ngô) khoảng 3 tỷ USD từ nguồn viện trợ chính phủ vào năm 2019. Và đặc biệt là nông dân ở miền Nam đã được chi trả tiền nhiều hơn so với những nơi khác.
GAO cho biết trong một báo cáo được công bố hôm đầu tuần này rằng, các tranh chấp quốc tế về thuế quan do Tổng thống Donald Trump áp đặt đã gây tổn hại cho nông dân. Tuy nhiên những phương pháp tính toán bồi thường ở mỗi địa phương một kiểu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về mức độ thiệt hại đã có nhiều sai sót, dẫn đến việc chi trả ngân sách quá nhiều và không nhất quán.
"Mặc dù năng suất ngô cao hơn ở các vùng Trung Tây và Tây, nhưng các nhà sản xuất ngô ở miền Nam đã nhận được ước tính trung bình khoảng 69 USD/mẫu, còn ở miền Trung Tây là 61 USD, Đông Bắc là 34 USD và miền Tây là 29 USD/ mẫu", báo cáo cho biết.
GAO cũng ước tính rằng, các khoản chi trả đền bù cho các nhà sản xuất ngô cao hơn ước tính khoảng 3 tỷ USD về thiệt hại thương mại đối với ngô, trong khi đó các khoản thanh toán cho các nhà sản xuất đậu tương, lúa miến và bông lại thấp hơn mức thiệt hại thương mại ước tính của USDA.
Báo cáo của GAO được Ủy ban Nông nghiệp Thượng viện yêu cầu thực hiện do Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Debbie Stabenow chủ trì. "Báo cáo này xác nhận rằng chính quyền ông Trump đã tự ý chọn ra đơn vị tiến hành thực hiện chương trình chi trả bồi thường. Việc trả nhiều tiền hơn cho nông dân ở miền Nam so với nông dân ở Trung Tây hoặc các nơi khác, bất chấp những nông dân đó có thực sự phải hứng chịu thiệt hại lớn hơn hay không, làm suy yếu khả năng hỗ trợ nông dân trong tương lai một khi thảm họa thực sự xảy ra", ông Stabenow cho biết trong một tuyên bố.
GAO hiện đã đưa ra khuyến nghị Văn phòng Kinh tế trưởng của USDA phải xem xét sửa đổi quy trình đánh giá nội bộ của mình để đảm bảo tính minh bạch và yêu cầu cơ quan này tiến hành đánh giá lại để đảm bảo các phương pháp cơ sở phù hợp được sử dụng trong phân tích.
Trong khi đó, tiến sĩ Seth Meyer, nhà kinh tế trưởng của USDA đã phúc trình trong một bức thư ngày 21 tháng 10 cho biết, phân tích của USDA dựa trên mô hình và phương pháp thương mại được chấp nhận rộng rãi mà Văn phòng Tổng thanh tra của USDA thấy là hợp lý và được áp dụng nhất quán trên nhiều loại mặt hàng cho các gói giảm nhẹ thiệt hại thương mại năm 2018 và 2019.
Ông Mayer cho biết Văn phòng Kinh tế trưởng của USDA không phải là nơi đưa ra quyết định chính sách và cơ quan này chỉ cung cấp các lựa chọn cho các nhà hoạch định chính sách mà thôi.
“Các quyết định chính sách để lựa chọn giữa nhiều giải pháp thay thế mà GAO coi là ‘có vấn đề’ được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo cấp cao của USDA dưới chính quyền trước đó chứ không phải Văn phòng Kinh tế trưởng (OCE)”, ông Mayer nói.
Trước đó trong cuộc thương chiến với hàng loạt quốc gia, ông Trump đã áp đặt mức thuế cao hơn đối với một số dòng sản phẩm từ Trung Quốc, châu Âu, Canada và các đối tác thương mại chính khác vào năm 2018. Và sau đó Trung Quốc, Canada, Mexico, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã đáp trả Mỹ bằng các mức thuế nhắm vào các sản phẩm của nước này, trong đó có cả các mặt hàng nông sản.
Trong năm 2018 và 2019, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ bị sụt giảm nghiêm trọng và chính quyền của ông Trump đã đổ tiền ngân sách để hỗ trợ nông dân, bao gồm cả Chương trình Tạo thuận lợi Thị trường, vốn là đối tượng kiểm toán của GAO.
Nông dân Mỹ trồng ngô, bông, lúa miến, đậu tương và lúa mì đã được chi trả hơn 21,7 tỷ USD trong năm 2018 và 2019. Còn nông dân chăn nuôi bò sữa và lợn được nhận bồi thường thiệt hại hơn 900 triệu USD, trong khi các loại cây trồng đặc sản khác như trái anh đào, việt quất, nhân sâm và nho cũng đã nhận được 346 triệu USD.
Trước khi thất bại trước ứng cử viên đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2020, ông Trump từng tuyên bố “đang thu hút thêm phiếu bầu của nông dân bằng tiền viện trợ liên bang”. Còn nhớ trong một lần xuất hiện tại chiến dịch tranh cử vào cuối tháng 10 năm 2020 ở Omaha, bang Nebraska, ông Trump cao hứng nói rằng: “Nông dân tốt hơn nên nhận các khoản thanh toán của chính phủ hơn là chỉ dựa vào biên lai canh tác”.
Theo con số thống kê vào năm 2019, một phần ba thu nhập từ trang trại của Mỹ đến từ các khoản thanh toán trực tiếp của chính phủ và năm ngoái, con số này là gần 40% thu nhập của họ. Hiện một số nhóm hội nông dân Mỹ cũng đang đặt câu hỏi về cách chi trả nguồn tiền viện trợ liên bang cho nông dân khu vực chăn nuôi và hàng hóa.
Trong khi đó giám đốc điều hành Hiệp hội Những người trồng ngô quốc gia Jon Doggett cho biết, USDA đã chi trả tiền bồi thường cao hơn cho nông dân trồng ngô năm 2019 bao gồm cả các đầu mục mà GAO đã không đưa vào trong phân tích của mình, như giá trị thiệt hại thương mại đối với ethanol ngô và một sản phẩm phụ từ thức ăn chăn nuôi có hàm lượng protein cao trong quá trình sản xuất ethanol.
“Cả năm 2018 và 2019 đều là những năm khủng khiếp đối với những người nông dân đã phải chịu lỗ ròng do các quyết định thuế má của chính phủ và điều kiện thời tiết bất lợi. Trên thực tế, nông dân đã bị thiệt hại 6,3 tỷ đô la chỉ riêng trong năm 2018 trong thời gian đó chỉ tính riêng đối với thiệt hại do thuế quan”, ông Jon nói.