| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền xã Diễn Kỷ cố tình phạm luật với một gia đình chính sách?

Thứ Sáu 10/06/2016 , 13:16 (GMT+7)

Khi ông Lan được UBND huyện cấp đất, UBND xã Diễn Kỷ đã tự ý xây dựng 1 ki-ốt trong phần đất thuộc hành lang an toàn giao thông của quốc lộ 1A (án ngữ ngay trước phần đất nhà ông Lan) để cho bà Ngô Thị Xuân thuê. Việc làm trái pháp luật này...

Đầu năm 1990, ông Nguyễn Văn Lan, thương binh 1/4 được UBND huyện Diễn Châu cấp cho 116,5m2 đất giáp với QL1A tại thôn 7, xã Diễn Kỷ, theo tiêu chuẩn “gia đình chính sách”.

Sau khi ông Lan được UBND huyện cấp đất, UBND xã Diễn Kỷ đã tự ý xây dựng 1 ki-ốt trong phần đất thuộc hành lang an toàn giao thông của quốc lộ 1A (án ngữ ngay trước phần đất nhà ông Lan) để cho bà Ngô Thị Xuân thuê.

Việc làm trái pháp luật này của UBND xã Diễn Kỷ kéo dài nhiều năm, đơn thư phản ánh cũng nhiều, nhưng không được Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo kiểm tra, xử lý.

Hành trình đơn độc

Đơn gửi các cơ quan báo chí, ông Lan trình bày: “Chiến tranh biên giới Tây - Nam kết thúc, tôi trở về quê hương với đôi nạng gỗ.

Khi về địa phương, tôi được UBND huyện Diễn Châu xét, cấp cho 1 thửa đất có diện tích hơn 116,5m2 giáp với hành lang an toàn giao thông quốc lộ 1A thuộc địa bàn xóm 7, xã Diễn Kỷ. Phía tây thửa đất là nhà ông Phan Đình Căn, phía nam giáp nhà ông Đỗ Hồng Việt.

Tôi an dưỡng tại nhà theo nguyện vọng, mỗi khi trở trời, vết thương lại đau nhức, đầu bị choáng, tôi lại phải ra bệnh viện quân đội tại Hà Nội để điều trị. Sức khỏe yếu, vợ chồng tôi chuyển về ở với mẹ tôi tại ngôi nhà nhỏ phía nam (cùng xóm 7, xã Diễn Kỷ) và giao lại ngôi nhà cấp 4 tại thửa đất này cho con tôi trông coi.

Khi tôi đi viện vắng nhà, UBND xã Diễn Kỷ đã tự ý xây dựng một ki-ốt ngay tại phần đất thuộc hành lang an toàn giao thông phía trước phần đất của gia đình tôi.

15-04-20_nh-2
Trụ sở UBND xã Diễn Kỷ bên QL1A, cách ki-ốt xây dựng trái phép chưa đầy 300m

 

Khi phát hiện sự việc, tôi đã gặp Chủ tịch UBND xã Diễn Kỷ lúc đó để đề nghị phá dỡ ki-ốt vì xây dựng như thế là trái phép, và yêu cầu trả lại mặt bằng thông thoáng phía trước cho gia đình tôi. Tuy nhiên, những phản đối, kiến nghị của tôi gửi tới Chủ tịch UBND xã, gửi lên cả Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu đều rơi vào im lặng…”.

Trong ngôi nhà chật hẹp do cha mẹ ông Lan để lại, người thương binh ấy nói với chúng tôi trong rơm rớm nước mắt: “Cha tôi là người miền Nam tập kết ra Bắc, cũng là thương binh chống Pháp. Ông bà gặp nhau, sinh được 12 người con nhưng bị mất 4 người do mệnh yểu. Nhà nghèo, mẹ tôi vừa chạy chợ, vừa nuôi chồng, nuôi con.

Tôi thường bị những cơn đau của vết thương hành hạ, phải vào bệnh viện thất thường và rất cần tiền. Túng thiếu, nhiều lần gia đình tôi quyết định bán ngôi nhà và mảnh đất đó đi để lấy tiền chữa bệnh và trang trải cuộc sống. Nhưng, ai đến xem thửa đất cũng im lặng bỏ đi vì ở phía trước, cái ki-ốt của bà Xuân án ngữ chềnh ềnh”.

Vì sao UBND huyện Diễn Châu im lặng?

Chúng tôi tìm gặp ông Ngô Sỹ Truyền - Chủ tịch UBND xã Diễn Kỷ với mong muốn có câu trả lời nhưng ông liên tục đi vắng, quạt trần phòng làm việc vẫn quay nhưng cửa phòng khóa chặt.

Qua điện thoại, ông Truyền nói: “Vấn đề này phức tạp, dài dòng lắm”. Bốn lần, chúng tôi tìm đến UBND huyện Diễn Châu nhưng cũng không gặp được ông Chu Thế Huyền - Chủ tịch UBND huyện.

Chúng tôi nêu lý do với bà Xuân ngay khi tiếp xúc, để chứng minh “chủ quyền” của mình đối với gần 20m2 thuộc hành lang an toàn giao thông QL1A mà bà được UBND xã Diễn Kỷ cho sử dụng kèm theo hợp đồng thuê ki-ốt, bà Xuân khẳng khái: “Chúng tôi thuê của xã, hợp pháp hay không thì xã phải chịu, chúng tôi là người dân, làm sao mà biết”.

15-04-20_nh-3
Vị trí thửa đất được thể hiện tại 1 sơ đồ đang được UBND xã Diễn Kỷ lưu giữ

 

Bà Xuân cho chúng tôi xem những giấy tờ liên quan đến quá trình thuê ki-ốt nói trên. Cả bà Xuân và ông Tuyến (chồng bà) đều khẳng định: “Năm 1992, tôi được xã Diễn Kỷ cho mua ki-ốt này 2 triệu đồng với lời hứa là cho thuê đất lâu dài.

Từ đó đến nay, năm nào gia đình tôi cũng nộp tiền thuế đầy đủ. Ông Lan thương binh được xã cấp đất sau khi chúng tôi đã ở đây thì phải chịu chứ xã đuổi chúng tôi đi làm sao được?”.

Bà Xuân đồng ý cho phóng viên chụp ảnh những tài liệu là “phiếu thu”, “hợp đồng kinh tế” liên quan đến quyền sử dụng ki-ốt mà gia đình đang lưu giữ. Nhiều giấy tờ có đóng dấu của UBND xã Diễn Kỷ.

15-04-20_nh-4
Hóa đơn nộp tiền thuê ki-ốt năm 1992 (không ghi đầy đủ thông tin), được bà Xuân cho là “cơ sở pháp lý để ông bà ở lâu dài” trên hành lang an toàn giao thông

 

Tuy nhiên, có 1 tờ phiếu thu, ghi ngày 4/6/1992 thu 2 triệu đồng tiền “thuê ốt bán hàng”, có đóng dấu treo của UBND xã Diễn Kỷ, nhưng nội dung không ghi rõ vị trí, diện tích ki-ốt cho thuê ở đâu, không có chữ ký của bên nhận tiền.

Tất cả các “hợp đồng kinh tế” bà Xuân còn lưu giữ liên quan đến quyền sử dụng ki-ốt đều có thời hạn thuê ghi rõ từng năm, không phải “dài hạn” như bà Xuân trình bày. Có 1 lá đơn “xin thuê ốt xã”, ghi ngày 25/1/2002, do bà Xuân ký tên nhưng không có xác nhận của UBND xã Diễn Kỷ.

Các giấy tờ mà bà Xuân đang lưu giữ mà chúng tôi được xem và chụp lại, đều thể hiện việc thuê ki-ốt chỉ là tạm thời, không phải “sử dụng lâu dài” như bà Xuân (và chồng bà) ngộ nhận.

15-04-20_nh-5
Vị trí ki-ốt xây dựng trái phép trên thực tế ven QL1A

Mỗi năm, UBND xã Diễn Kỷ chỉ thu của bà Xuân 350.000 đồng tiền thuê ki-ốt này, số tiền quá rẻ mạt để vô tình UBND xã bao che cho công dân chiếm dụng hành lang an toàn giao thông quốc gia.

Về phía ông Lan, tại “giấy chứng nhận” quyền sử dụng đất do UBND huyện Diễn Châu cấp cho ngày 4/7/2001 đối với thửa đất, ở cột “phần ghi thêm”, cán bộ phòng chức năng đã ghi rất cụ thể “Trong phạm vi từ chân QL1A trở ra 20m không được làm nhà và trồng cây lâu năm”.

Như vậy là, căn cứ vào thông tin nêu trong “Giấy chứng nhận” quyền sử dụng thửa đất cấp cho ông Lan thương binh, UBND huyện Diễn Châu đã không thừa nhận sự tồn tại của ki-ốt nêu trên, nếu nó được xây dựng trái phép thì phải bị tháo dỡ.

Vậy thì tại sao nhiều năm qua, đơn kiến nghị, khiếu nại của ông Lan liên quan đến “công trình trái phép” này vẫn không được phá dỡ? Phải chăng, đằng sau hành vi xây dựng công trình trái phép nói trên của UBND xã Diễn Kỷ có điều gì khuất tất?

15-04-20_nh-7
Giấy chứng nhận QSD đất của ông Lan

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.