| Hotline: 0983.970.780

Chờ đợi mòn mỏi, 41 hộ dân kêu cứu Bí thư, Chủ tịch tỉnh Thái Bình

Thứ Năm 30/03/2023 , 10:00 (GMT+7)

Các hộ dân mua đất khu dân cư Ao Rọc Mành gửi đơn kêu cứu lãnh đạo tỉnh Thái Bình vì chờ đợi quá lâu không được giao đất, dù lỗi không thuộc về mình.

Phản ánh tới Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Ngọc Toan, nguyên Chủ tịch, Bí thư phường Trần Lãm (đã nghỉ hưu) cho biết, người dân vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình Ngô Đông Hải; Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận để chính quyền các cấp vào cuộc, có phương án bàn giao đất cho bà con.

Ông Toan cũng là người bỏ tiền mua đất khu dân cư Ao Rọc Mành từ năm 1996 theo chủ trương của UBND tỉnh, nhưng cũng như số đông, ông cũng chưa được bàn giao đất.

Trả lời câu hỏi, vì sao trong thời gian dài là lãnh đạo của phường nhưng cá nhân ông không tham mưu để giải quyết dứt điểm khiến sự việc kéo dài, ông Toan cho hay: “Đã nhiều lần xã/phường kiến nghị, sau đó Tỉnh, thành phố đều có phương án, chủ trương chia đất trả cho dân, nhưng không hiểu vì lý do gì lại bị ách lại. Ít nhất đã 2 – 3 lần ra phương án, người dân đều chấp thuận để được nhận đất đã mua, dù phải chấp nhận thiệt thòi…, nhưng cuối cùng lại không thấy giải quyết”.

41 hộ dân mua đất khu dân cư Ao Rọc Mành gửi đơn kêu cứu lên Bí thư, Chủ tịch tỉnh vì quá lâu không được bàn giao đất.

41 hộ dân mua đất khu dân cư Ao Rọc Mành gửi đơn kêu cứu lên Bí thư, Chủ tịch tỉnh vì quá lâu không được bàn giao đất.

Mới đây nhất, cuối năm 2022, Chủ tịch thành phố Thái Bình Đinh Gia Dũng đã chỉ đạo UBND phường Trần Lãm kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ, lịch sử, hiện trạng khu đất, báo cáo TP để sớm có phương án giải quyết.

Sau đó, lãnh đạo thành phố Thái Bình chủ trì cuộc họp liên ngành yêu cầu UBND phường Trần Lãm báo cáo nội dung sự việc.

Nguyên nhân mấu chốt được chỉ ra, vẫn là do tuyến đường nối phố Ngô Thì Nhậm - đường Trần Lãm đi qua khu đất, làm thiếu hụt diện tích 2 ô đất khu dân cư Rọc Mành. Vì thiếu 2 suất nên địa phương không biết làm thế nào cho đủ, bởi con đường nói trên sau đó đã được điều chỉnh để phù hợp về giấy tờ, quy hoạch.

Tại các cuộc họp, Thành phố đều cho biết: “… đã có nhiều văn bản chỉ đạo phường chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nhưng phường vẫn chưa rà soát, đề xuất được phương án giải quyết tồn tại, còn trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Trách nhiệm giải quyết tồn đọng này thuộc về UBND phường Trần Lãm” –Kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Đức thời điểm ngày 18/4/2022 tại Thông báo số 26.

Trong khi đó, phường Trần Lãm lại đưa ra lý do: quy chế hiện tại không cho phép giao đất cho người dân mà phải thực hiện đấu giá. Việc mua bán diễn ra từ 26 năm trước, nếu thực hiện giao đất thời điểm này thì cần xin ý kiến của cấp cao hơn.

Trụ sở UBND phường Trần Lãm, nơi xảy ra sự việc tồn đọng kéo dài gần 30 năm chưa xử lý.

Trụ sở UBND phường Trần Lãm, nơi xảy ra sự việc tồn đọng kéo dài gần 30 năm chưa xử lý.

Lãnh đạo Thành phố tiếp tục yêu cầu cấp phường có báo cáo, để “trên cơ sở báo cáo của UBND phường Trần Lãm, TP sẽ yêu cầu xử lý dứt điểm vụ việc kéo dài”.

Ngày 8/7/2022, UBND phường Trần Lãm tiến hành đo vẽ, xác minh hiện trạng sử dụng đất tại khu dân cư ao Rọc Mành. Tiếp đó, ngày 5/8, phường tổ chức đối thoại với 33 hộ dân mua đất.

Từ cuộc họp này, phường đề xuất thành phố cho phép địa phương bố trí các ô đất còn thiếu ra vị trí mới để đủ số lượng giao cho các hộ đã nộp tiền mua, vì quỹ đất giãn dân của phường Trần Lãm vẫn còn rất nhiều.

Khi có Báo cáo của phường Trần Lãm, lãnh đạo của Thành phố Thái Bình cho biết, đề xuất của phường là hợp lý. Hướng xử lý là sẽ tổ chức bốc thăm để xác định hộ nào ra khu đất mới, hộ nào ở lại, nhận đất ở khu mình đã mua.

Chính quyền "đá bóng trách nhiệm"?

Trước thông tin trên, ngày 6/8, 33 hộ dân đã chủ động tổ chức họp, kiến nghị bằng văn bản lên chính quyền về nguyện vọng được nhận đất tại khu dân cư Ao Rọc Mành kèm danh sách những hộ dân chấp thuận phương án nhận đất tại vị trí khác do phường bố trí.

Một công trình lụp xụp, tạm bợ được xây dựng trên mặt bằng khu đất Ao Rọc Mành mà người dân đang kiến nghị nhiều năm.

Một công trình lụp xụp, tạm bợ được xây dựng trên mặt bằng khu đất Ao Rọc Mành mà người dân đang kiến nghị nhiều năm.

Theo người dân, bà con đã quá mệt mỏi, chán chường vì chờ đợi, vì chính quyền hết lần này tới lần khác hứa chia đất cho dân nhưng rồi đâu lại vào đó.

“Lần này, chúng tôi chủ động đề xuất phương án để phường, thành phố hết lý do thoái thác. Người dân chỉ mong nhận được đất, dù vị trí, diện tích như thế nào cũng được, miễn là chấm dứt được sự bức xúc kéo dài ngần ấy năm” – một người dân bày tỏ.

Trước đó, người dân còn chủ động đề xuất phương án giảm diện tích mỗi ô đất (từ 4m x 16,5m xuống còn 3,64m x 16,5m) để đủ số ô/thửa chia cho 41 người mua, TP không phải bố trí đất khác đền bù cho 2 lô bị thiếu hụt.

Tuy nhiên, những thiện chí của người dân vẫn không được chính quyền ghi nhận.

Kiên trì gửi kiến nghị lên Ban Tiếp công dân thành phố; Ban tiếp công dân tỉnh Thái Bình…, người dân chỉ nhận được “Thông báo chuyển đơn” về UBND Phường Trần Lãm để “xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định”.

“Bước sang năm thứ 27 sự việc vẫn không có gì suy chuyển. Chúng tôi gửi đơn kêu cứu lên Bí thư, Chủ tịch tỉnh Thái Bình để các ông nắm được sự việc, chỉ đạo cấp dưới giải quyết quyền lợi cho bà con” – ông Vũ Văn Mài, đại diện các hộ dân cho biết.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.