Cứ mỗi một năm, ông Vũ Văn Mài (76 tuổi, trú tại tổ 20 phường Trần Lãm, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) lại cộng thêm một con số để tính thời gian nộp tiền mua đất ở, nhưng đến nay vẫn chưa được nhận đất bàn giao.
Đó cũng là câu chuyện khốn khổ của 40 hộ dân khác, từ năm 1996 đến nay, họ nghe theo lời kêu gọi của chính quyền xã Trần Lãm (nay là phường Trần Lãm, Tp Thái Bình) mua đất khu dân cư ao Rọc Mành. Dù đã nộp tiền đầy đủ, có giấy biên nhận… nhưng 27 năm trôi qua, 41 hộ dân vẫn chưa được bàn giao đất thực địa.
Nhiều người trong số họ, tuổi cao, sức yếu đã qua đời. Nhiều người không đủ kiên nhẫn chờ đợi, đã “bán sang tay” cho người khác mua lại đất trên giấy. Người mua sau lại tiếp tục thành nạn nhân chờ đợi, dù lúc đó, chính quyền xã phải vận động trầy trật mãi mới có đủ người mua, từ đó mới hoàn thành nhiệm vụ được tỉnh giao chủ trương bán đất lấy tiền xây dựng các công trình phúc lợi, nhà mẫu giáo, đường giao thông xã…
Hàng chục năm qua, ông Mài đại diện 41 hộ dân gửi đơn thư kêu cứu chính quyền các cấp để yêu cầu bàn giao đất cho dân, nhưng câu trả lời vẫn chỉ là những lời hứa hẹn, sau đó “đá bóng” từ cấp này lên cấp khác.
Tháng 8/1996, UBND tỉnh Thái Bình có quyết định số 306 thu hồi 2.813m2 đất của HTX nông nghiệp Lạc Đạo, xã Trần Lãm (nay là phường Trần Lãm, TP Thái Bình) để quy hoạch khu dân cư (2.100m2) và làm nhà trẻ, rãnh thoát nước (713m2).
Phần diện tích đất ở (khu dân cư Rọc Mành) được chia làm 41 ô đất, UBND tỉnh Thái Bình có quyết định cho phép xã Trần Lãm bán để lấy tiền xây dựng nhà trẻ, rãnh thoát nước, xây dựng hạ tầng.
Giá bán 1 ô đất khu dân cư Ao Rọc Mành năm 1996 là 12 triệu đồng/lô, diện tích 60m2. Toàn bộ tiền thu được (492 triệu đồng), UBND xã Trần Lãm nộp vào Kho bạc Nhà nước tỉnh, sau đó, UBND tỉnh Thái Bình có quyết định cho phép chính quyền xã được sử dụng toàn bộ số tiền bán đất nói trên vào việc xây dựng hạ tầng của xã (gồm đường giao thông, nhà trẻ).
Đường xây dựng xong, nhà trẻ, nhà mẫu giáo đã đưa vào sử dụng…, thế nhưng, ngót 30 năm trôi qua, những người nộp tiền mua đất vẫn không được bàn giao đất đã mua!
Ông Phạm Ngọc Toan, người có thời gian dài đảm nhiệm các chức vụ Bí thư, chủ tịch xã Trần Lãm (sau này là phường Trần Lãm) giai đoạn từ năm 1996 – 2017 cho biết: kiến nghị của người dân hoàn toàn chính đáng, đúng người đúng việc.
Ông Toan cũng chính là người thực hiện chủ trương quy hoạch khu dân cư Rọc Mành để bán lấy kinh phí xây dựng hạ tầng theo chủ trương của UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt năm 1996.
“Khi đó, ao Rọc Mành là vùng ngập trũng, không có đường vào. UBND tỉnh Thái Bình cho chủ trương san lấp để tạo quỹ đất bán cho dân, tiền bán đất sử dụng tái đầu tư xây dựng hạ tầng cho xã.
“Giai đoạn đó khó khăn, dân nghèo không có tiền, số tiền 12 triệu đồng là rất lớn, tương đương với 4 cây vàng thời điểm đó.
Sau một thời gian dài vận động, phải mời người mua, xã mới bán được hết 41 lô đất; tiền bán đất được sử dụng xây dựng hạ tầng nhà mẫu giáo, đường xóm…. nhưng đất thì chưa chia cho bà con. Tiền mua đất đều có phiếu thu, hiện vẫn được lưu giữ tại phường”, ông Toan cho biết và khẳng định, “nếu cán bộ xã có gì khuất tất, không minh bạch, ông đã bị “bắt đi tù” chứ không còn được ngồi đây như bây giờ”.
Không bàn giao đất vì thiếu hụt 2 ô đất
Theo ông Toan, 41 hộ dân mua đất của xã, nhiều người đến nay đã mất; nhiều người không đủ kiên nhẫn chờ đợi, đã bán, chuyển nhượng cho người khác. Những hộ mua đất về sau lại tiếp tục chờ đợi hàng chục năm qua.
Năm 1998, xã Trần Lãm tiếp tục thu mỗi hộ 5 triệu đồng làm kinh phí san lấp ao Rọc Mành lấy mặt bằng với cam kết, sau khi lấp ao xong sẽ chia đất ở cho người mua.
Nhưng, mặt bằng san lấp xong, đất vẫn chưa giao cho dân. Nguyên nhân được lý giải là do tuyến đường Trần Lãm được điều chỉnh mở rộng, đã “lẹm” vào khu đất dân cư Ao Rọc Mành khiến thiếu mất 2 ô đất ở, do đó không đủ diện tích đất để chia cho dân.
Vị trí đường Trần Lãm “xén” mất 2 lô đất chính là con đường vào trường mầm non có tên “Tâm Việt”, không bị sử dụng vào mục đích nào khác và vẫn còn tồn tại.
Ngày 25/3/2011, UBND TP Thái Bình đã có tờ trình số 67 gửi UBND tỉnh xin ý kiến về việc giải quyết tồn tại, giao đất làm nhà ở cho 41 hộ dân.
Theo tờ trình, tới thời điểm năm 2011, quy hoạch tuyến đường Trần Lãm được UBND tỉnh phê duyệt tại bản vẽ quy hoạch ngày 22/2/2005 và được điều chỉnh tại quyết định số 1685 ngày 29/7/2009. Khu đất ao Rọc Mành vẫn được quy hoạch thành khu dân cư.
UBND TP cho rằng, diện tích của cả khu đất có thay dổi do ảnh hưởng của đường nội bộ từ phố Ngô Thì Nhậm sang đường Trần Lãm. TP đề xuất UBND tỉnh cho phép TP được tự điều chỉnh quy hoạch chia lô cho phù hợp với thực tế để giao đất cho các hộ dân.
Đối với 2 lô bị thiếu so với số lô xã đã thu tiền trước đây do bị ảnh hưởng của đường nội bộ sẽ bố trí vào vị trí khác trên địa bàn phường.
Cụ thể: chiều dài mặt đường khu dân cư Rọc Mành là 179,4m được quy hoạch 39 lô đất ở gồm 37 lô có diện tích 66m2 (4m x 16,5m); một lô có diện tích 80,5m2; 1 lô có diện tích 70m2 để giao cho 39 hộ; 02 hộ còn thiếu sẽ được bố trí ở vị trí khác.
Về giá đất, đối với diện tích 60m2/lô các hộ đã nộp tiền cho UBND xã Trần Lãm (có phiếu thu) sẽ không phải nộp thêm; đối với diện tích đất chênh lệch (lớn hơn 60m2) các hộ phải nộp theo khung giá đất quy định tại thời điểm năm 2011.
Mặc dù UBND tỉnh chấp thuận phương án giao đất cho các hộ dân từ năm 2011, nhưng không rõ vì lý do gì, TP Thái Bình vẫn chưa giao đất cho người mua.
Tiếp đó, tháng 4/2011, Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình tại báo cáo số 265 gửi UBND tỉnh đề xuất phương án lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 toàn bộ khu ao Rọc Mành với diện tích khoảng 1,4ha thành khu dân cư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, trong đó quy hoạch 41 lô đất có diện tích bằng nhau (60m2, kích thước 3,64m x 16,5m) để giao đủ cho 41 hộ.
Theo Sở Xây dựng, phương án này phù hợp với quyết định của UBND tỉnh từ năm 1996 và tương ứng với số tiền mà UBND phường Trần Lãm đã thu của 41 hộ dân, không có hộ nào phải nhận đất từ vị trí khác. Ngoài ra, sẽ không phát sinh thắc mắc, khiếu kiện khi triển khai dự án.
Phương án 2 là theo đề xuất của UBND TP Thái Bình tại tờ trình số 67. Tuy nhiên, phương án này sẽ phát sinh việc bố trí 2 lô đất khác bị thiếu hụt cho 2 hộ dân ở vị trí khác, dễ phát sinh thắc mắc, khiếu kiện.
Ngày 4/5/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình tại văn bản số 744 đã chấp thuận phương án 1 theo đề xuất của Sở Xây dựng là quy hoạch khu dân cư Rọc Mành 1,4ha trong đó bố trí 41 lô đất để trao trả cho 41 hộ dân, diện tích đồng đều 60m2/lô.
UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo UBND TP thực hiện ngay khi nhận được công văn 744. Tuy nhiên, dù tỉnh đã có văn bản chấp thuận phương án nhưng không rõ vì lý do gì, UBND TP Thái Bình vẫn chưa thực hiện.
Trong lúc dân mỏi mòn chờ được giao đất, các cấp chính quyền của Thái Bình đùn đẩy "quả bóng trách nhiệm" từ cấp này xuống cấp khác, người dân chỉ biết khiếu kiện, đơn thư kéo dài nhiều năm.