| Hotline: 0983.970.780

Chọi trâu Hải Lựu - nét văn hóa ngàn đời [Bài 2]: Cuộc chơi bạc tỉ

Thứ Năm 29/02/2024 , 08:10 (GMT+7)

Để tìm được một ông Cầu phù hợp, những chủ trâu Hải Lựu đã tốn không ít công sức, tiền bạc để có thể ăn Tết thứ hai trọn vẹn.

Kỳ công nghề chăm trâu chọi

Ông Nguyễn Tiến Thuận chủ trâu số 08 chia sẻ: " Để tìm một con trâu chọi ưng ý, chúng tôi thường phải dành rất nhiều ngày, nhiều tháng đi lang thang vào các địa phương khác, ăn đợi năm chờ ở đó. Thậm chí sau khi tìm thấy, chúng tôi còn phải dắt chúng về những địa điểm thuận tiện để vận chuyển chúng về làng..." Những người chủ trâu thường phải di chuyển liên tục giữa các tỉnh thành, thậm chí cả qua biên giới để tìm kiếm những con trâu phù hợp với tiêu chí đã đề ra.

Tìm được trâu đã khó, thế nhưng chăm trâu làm sao để ra cái chất của “ông Cầu” lại càng khó hơn. Những điều nhỏ nhất từ khẩu phần ăn, cách thức huấn luyện đều phải được lên kế hoạch tỉ mỉ. Bởi ông Cầu là đại diện cho mong muốn, khát vọng về mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà của các hộ gia đình.

z5188747141918_da9654e13c85cbc371cef6cc6863088f

Trâu được luyện bơi, lội nước để phát triển toàn diện các nhóm cơ (Ảnh: NVCC).

Nuôi trâu chọi khác biệt khá nhiều so với việc nuôi trâu cày bừa thông thường. Điều này thể hiện rõ từ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, chăm sóc và huấn luyện... Chúng cần được cho ăn cỏ non, cỏ sữa. Ban ngày chăn, vào buổi tối thì cho ăn ngọn mía hoặc hòa mật mía để chuẩn bị cho trận đấu...Ngoài ra, các ông Cầu còn được bổ sung thêm trứng gà, thuốc bổ, hay thậm chí là rượu để tốt hơn cho hệ tiêu hoá.

Theo ông Thuận, thời điểm rét đậm rét hại, ông Cầu cần được đắp chăn để giữ ấm cơ thể. Thời điểm nắng nóng cao điểm, cần bật quạt, giữ chuồng luôn sạch sẽ thoáng mát. Bởi nhiệt độ thích hợp để trâu chọi phát triển một cách tốt nhất là từ 20-300C. “Các cụ ngày xưa theo dõi sát sao đến mức, phải hứng phân, nước tiểu để sạch chuồng và kiểm tra những bất thường của trâu…”, ông Thuận nói thêm.

Ngoài ra, việc huấn luyện những chú trâu chọi cũng rất đặc biệt. Các "ông Cầu" thường đưa chúng ra những bờ ruộng hoặc vũng nước để tập húc, hoặc thả chúng ra để chạy quanh các bờ ruộng nhằm rèn thể lực. Khi đưa trâu ra bãi tập, cần phải chú ý vì nếu có trâu khác trên đó, có thể dẫn đến việc chọi trước hội, gây chấn thương không mong muốn. Thậm chí, cho trâu chọi trước lễ hội được coi là không may mắn đối với các chủ trâu.

Anh Dương Anh Việt (24 tuổi, chủ trâu 07) cho biết: “Nhà tôi gần sông nên tôi hay cho trâu ra để luyện bơi. Luyện bơi này nó phát triển đều các nhóm cơ. Cổ thì thường xuyên đeo vòng xích để luyện cơ cổ. Tập húc vào bờ ruộng, thân cây để luyện tập các miếng đánh…”.

Sau Tết Nguyên Đán, là thời gian các “ông Cầu” kết thúc quá trình tập luyện, tập trung vào ăn xuống ngủ nghỉ để đảm bảo sức khoẻ tốt nhất. Thậm chí, thời gian này có những chủ trâu còn ngủ cạnh chuồng để đảm bảo theo dõi được mọi bất thường của trâu nhằm có phương án xử lý kịp thời.

Càng về những ngày sát lễ hội, các chủ trâu càng “giấu” trâu thật kỹ, vừa để bảo vệ trâu vừa để giấu bài. Tuy nhiên, cũng có những chủ trâu cho “ông Cầu” ra sới để làm quen không khí, sân bãi. Nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất cho trâu trước khi bước vào giải đấu.

Canh bạc tinh thần

Mỗi con trâu chọi khi ra sàn đấu có giá trị khoảng 180 – 300 triệu đồng. Đây là con số gấp 1,5 đến 2 lần giá trị khi mua về. Ông Cầu sẽ được chăm sóc trong khoảng 8 – 10 tháng trước khi tham gia sàn đấu, thậm chí là lâu hơn. Mặc dù có giá trị cao như vậy, chỉ có trâu về nhất và về nhì mới được trao giải thưởng.

Giá trị kinh tế của trâu chọi không phải nằm ở giải thưởng mà ở việc trâu về nhất và về nhì sẽ được mổ thịt và bán với giá từ 800–3 triệu đồng/kg. Điều này có nghĩa rằng, những con trâu "ông Cầu" thua trận sẽ đối diện với nguy cơ "lỗ nặng" cho chủ nhân của chúng.

Dù thắng hay thua thì những ông Cầu cũng đã hoàn thành sứ mệnh cầu mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu cho người dân địa phương (Ảnh: Minh Toàn).

Dù thắng hay thua thì những ông Cầu cũng đã hoàn thành sứ mệnh cầu mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu cho người dân địa phương (Ảnh: Minh Toàn).

Mặc dù có nguy cơ "lỗ nặng", nhiều hộ gia đình và chủ trâu vẫn kiên trì chăm sóc "ông Cầu". Đối với họ, việc chăm sóc trâu không chỉ vì mục đích kiếm lợi, mà còn là để thể hiện những giá trị tâm linh, những ước mong được gửi gắm vào những “ông Cầu”. Vì vậy, nhiều chủ trâu đùa rằng: "Dù có lỗ vẫn nuôi, vì đam mê mới là điều quan trọng nhất...".

Qua 22 năm kể từ khi khôi phục lễ hội, gia đình anh Thuận đã có vinh dự được làm chủ trâu 5 lần. Tuy nhiên, chưa lần nào gia đình anh Thuận có giải. Khi kết thúc lễ hội đành bán đứng trâu hoặc mổ thịt để bán nhằm “hồi vốn”. Thế nhưng, trong suốt 22 năm, chưa năm nào tình yêu trâu chọi trong anh Thuận vơi đi.

Anh Thuận nói: “Chơi trâu chọi tôi không nghĩ nhiều đến lợi nhuận. Quan trọng là giá trị tinh thần mà chọi trâu mang lại. Nó là truyền thống, không thể bỏ được…”. Quả thật, nếu không vô địch thì những người chủ trâu đều phải đứng trước nguy cơ lỗ vốn. Thế nhưng, chẳng mấy ai quan tâm đến tiền bạc khi tham gia lễ hội.

Do đó, lễ hội chọi trâu với người Hải Lựu là một cái Tết. Sau khi giúp các ông Cầu hoàn thành sứ mệnh, người dân ở địa phương này mới có thể yên tâm phát triển kinh tế, chuẩn bị những bước quan trọng cho mùa lễ hội năm sau.

Gấp rút chuẩn bị

Ông Đào Tiến Chung, chủ tịch UBND xã Hải Lựu, cho biết rằng: “Công tác chuẩn bị cho việc tổ chức lễ hội trâu chọi năm 2024 đã có những điều chỉnh quan trọng. Quy mô tổ chức lễ hội và số lượng trâu tham gia là 20 con, tương đương với 10 cặp đấu”. Lễ hội không thu vé vào cổng, và sẽ tận dụng cơ sở vật chất hiện có cũng như mua sắm thêm để đảm bảo việc tổ chức lễ hội. Sân bãi đã được cải tạo, sửa chữa và tu sửa các vật dụng như trống, chiêng, kiệu lọng để chuẩn bị cho lễ hội sắp tới.

Sới chọi đã được sới chọi, bố trí hai hàng rào, một hàng bảo vệ sới trâu chọi, một hàng rào bảo vệ vòng ngoài không để du khách lấn vào sới chọi, hai cổng đưa trâu vào sới chọi có 2 hàng rào chắc chắn và làm 02 chuồng chờ cho trâu, đảm bảo an toàn trước khi có lệnh cho trâu vào sới chọi. Cọc thạc bằng gỗ bạch đàn chiều cao 2m, chôn cọc bằng máy ép thủy lực sâu 0,5m, đường kính ngọn cọc 10cm…

DSCF7369

Hệ thống rào sới đã được gia cố đảm bảo an toàn trong suốt thời gian diễn ra sự kiện (Ảnh: Minh Toàn).

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng không khuyến khích các hành động giết mổ trâu ăn mừng tại sới để đảm bảo tính nhân văn của lễ hội.

Lễ hội chọi trâu không chỉ là cách để giới thiệu vẻ đẹp văn hóa của Hải Lựu tới du khách quốc tế, mà còn mở rộng mối quan hệ giao lưu với các địa phương lân cận để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tăng cường tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

Mỗi kỳ lễ hội không chỉ gắn kết tình hàng xóm mà còn tăng cường đoàn kết trong cộng đồng. Cuộc sống của người dân xã Hải Lựu đã có những thay đổi đáng kể. Nhiều dịch vụ “ăn theo” chọi trâu phát triển, tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Không chỉ là lễ hội của địa phương, Hải Lựu đã trở thành một địa điểm du lịch không thể bỏ qua mỗi dịp Tết đến xuân về của rất nhiều người. Hơn 100 căn nhà được xây dựng mỗi năm, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng.

Công tác chuẩn bị cho lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm 2024 đang diễn ra nhanh chóng. Sới chọi đã được nâng cấp và tu sửa để đáp ứng sự mong đợi của du khách quốc tế. Sự trở lại của lễ hội chọi trâu năm 2024 được mong chờ và hy vọng sẽ là một mùa hội thành công của các chủ trâu và toàn bộ người dân.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.