| Hotline: 0983.970.780

Chọn quy trình phù hợp để trồng cây bản địa ở rừng phòng hộ

Thứ Ba 02/11/2021 , 08:00 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Rừng phòng hộ đầu nguồn được trồng những loại cây bản địa sẽ tăng cường chức năng giữ nước rất tốt. Tuy nhiên việc trồng cây bản địa cần có quy trình phù hợp.

Sau khi điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, tính đến năm 2020, trên địa bàn Bình Định diện tích rừng có chức năng phòng hộ là 178.509ha; trong đó, có hơn 136.720ha là rừng tự nhiên và hơn 22.028ha là rừng trồng.

Theo ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm Bình Định, trong công tác trồng rừng phòng hộ đầu nguồn các hồ, đập thủy lợi, Bình Định quy định chọn những loại cây bản địa để trồng.

Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu trồng cây bản địa toàn diện tích thì cây bản địa chưa thích nghi được với môi trường, nắng nóng sẽ làm chúng chết dần. Do đó, rừng phòng hộ đầu nguồn được các đơn vị trồng rừng trồng theo phương thức hỗn giao, cây bản địa trồng chung với cây mọc nhanh, trong đó có cây keo lai.

Cây mọc nhanh có nhiệm vụ che bóng, hỗ trợ cho cây bản địa sinh trưởng, phát triển. Đến khi cây bản địa đã sống khỏe, các đơn vị trồng rừng sẽ tỉa thưa các loại cây mọc nhanh, chỉ còn lại cây bản địa lớn lên thành rừng.

Lực lượng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Vân Canh (Bình Định) đi tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ. Ảnh: Đ.T.

Lực lượng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Vân Canh (Bình Định) đi tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ. Ảnh: Đ.T.

“Trước đây, có một số nơi trồng theo phương thức hỗn giao giữa cây bản địa và cây mọc nhanh, nhưng do cây bản địa không phù hợp với lập địa của địa phương nên chết hết, chỉ còn lại những loại cây mọc nhanh, chủ yếu là keo lai.

Để có những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn bền vững, về lâu dài, Bình Định sẽ trồng phủ sóng các loại cây bản địa phù hợp. Hiện các loại cây bản địa được đánh giá là phù hợp với lập địa của địa phương được Bình Định chọn để trồng rừng phòng hộ đầu nguồn là sao đen, lim xanh và dầu rái. Tùy điều kiện lập địa của mỗi địa phương, các đơn vị trồng rừng chọn loại cây phù hợp đưa vào trồng”, ông Huỳnh Ngọc Bảo cho biết.

Ở huyện Vĩnh Thạnh, đã trồng được khoảng 1.000ha rừng phòng hộ theo phương thức hỗn giao, trong đó có khoảng 650ha là cây sao đen giờ đã gần khép tán. Theo ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, từ năm 2007 đến năm 2012, đơn vị này đã trồng rừng phòng hộ hết diện tích đất trống với khoảng 1.000ha, trong đó có khoảng 650 ha cây sao đen và 5 ha cây thông Caribe. Rừng phòng hộ trồng cây bản địa trên địa bàn Vĩnh Thạnh đang sinh trưởng, phát triển rất tốt.

Huyện Vân Canh, địa phương cũng làm tốt công tác trồng rừng phòng hộ. Theo ông Doàn Văn Tây, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Vân Canh, trong năm 2017, thời điểm đất trống còn nhiều và nguồn vốn còn dồi dào nên đơn vị này thực hiện trồng được đến trên 100ha rừng phòng hộ đầu nguồn.

Những năm sau đó, đất trống thu hẹp dần nên diện tích trồng rừng phòng hộ thực hiện hàng năm cũng giảm dần. Năm nào trồng nhiều nhất được 40 ha, năm nào ít 20 ha. Từ năm 2018 đến nay, Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Vân Canh có thêm trách nhiệm trồng rừng thay thế.

Phút nghỉ ngơi giữa rừng phòng hộ trong chuyến tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Vân Canh (Bình Định). Ảnh: Đ.T.

Phút nghỉ ngơi giữa rừng phòng hộ trong chuyến tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Vân Canh (Bình Định). Ảnh: Đ.T.

Theo ông Tây, trồng rừng thay thế là những diện tích rừng phòng hộ được chuyển sang các mục đích khác, ví như diện tích rừng phòng hộ bị mất đi do làm các công trình thủy điện, chủ dự án công trình thủy điện ấy phải có nghĩa vụ trồng rừng thay thế bằng với diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng.

Nếu chủ dự án không có điều kiện trồng rừng thay thế thì thực hiện nghĩa vụ này bằng hình thức nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để tổ chức trồng rừng theo quy định ở những địa điểm đáp ứng yêu cầu. Những diện tích rừng thay thế cũng được trồng bằng những loại cây bản địa.

Cây bản địa sinh trưởng chậm, nhưng có tuổi thọ đến hàng trăm năm nên phát huy được chức năng phòng hộ. Đặc biệt, cây bản địa giữ nước rất tốt, nên rừng phòng hộ đầu nguồn hồ thủy lợi được trồng cây bản địa chắc chắc nguồn nước của hồ ấy sẽ dồi dào.

"Những năm qua, chúng tôi cũng trồng rừng phòng hộ theo phương thức hỗn giao. Nếu vùng đất phù hợp thì trồng cây bản địa và cây mọc nhanh cùng lúc. Nếu đất chưa phù hợp thì chúng tôi trồng cây mọc nhanh trước để cải tạo đất, sau đó mới trồng cây bản địa vào. Rừng phòng hộ trồng cây bản địa ở Vân Canh đã được hơn 10 năm tuổi, phát triển rất  tốt, nhất là cánh rừng phòng hộ ở xã Canh Tiến”, ông Đoàn Văn Tây cho hay.

“Khi bước vào khu rừng keo dù được trồng dày đặc nhưng mình sẽ thấy nóng, không như khi vào khu rừng trồng cây bản địa hoặc những loại cây gỗ khác sẽ thấy mát rượi. Ấy là do bản thân cây keo có dầu nên tỏa nhiệt, và nó là dòng cây rễ ngang nên hút nước rất nhiều, rừng phòng hộ đầu nguồn mà trồng cây keo thì lượng nước bổ sung vào hồ sẽ rất ít”, ông Trần Châu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, một chuyên gia về thủy lợi khẳng định.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.