| Hotline: 0983.970.780

Chồng ngoại tình có nên ly hôn?

Thứ Bảy 22/02/2020 , 07:10 (GMT+7)

Có người mắc chứng ngoại tình “kinh niên”, cứ dẹp vụ này, lại ra vụ khác, thậm chí một năm đến ba bốn vụ.

Ảnh có tính chất minh họa.

Ảnh có tính chất minh họa.

Chồng tôi ngoại tình, tôi đã có những bằng chứng mà anh ấy không thể chối cãi và giờ đây tôi không biết nên tha thứ hay làm đơn ly hôn? Xin hãy cho tôi một lời khuyên.  

Nguyễn Thị Lan Anh

Bạn Lan Anh thân mến!

Khi bạn đặt câu hỏi có nên tha thứ cho kẻ ngoại tình, sẽ không có câu trả lời chung cho mọi trường hợp. Bởi vì trong thực tế, ngoại tình có nhiều dạng khác nhau. Có người mắc chứng ngoại tình “kinh niên”, cứ dẹp vụ này, lại ra vụ khác, thậm chí một năm đến ba bốn vụ.

Chứng tỏ người đàn ông đó không thích hợp với hôn nhân một vợ một chồng. Sống với người như vậy, hạnh phúc là rất mong manh mà nỗi đau khổ luôn rình rập. Họ coi gia đình chỉ là chỗ nghỉ chân như người khách vãng, còn tình yêu, họ đi tìm rong ruổi trên đường.

Gia đình họ trở thành quán trọ, còn người bạn đời của họ biến thành ô-sin không công. Nếu có ai chấp nhận một cuộc sống như vậy hẳn cũng vì hoàn cảnh họ không có lựa chọn nào khác.

Tệ hơn, có dạng ngoại tình với rắp tâm dồn người hôn phối đến chỗ phải ly hôn, để họ được tự do yêu đương hay kết hôn với người khác.

Có người chồng vừa đánh vợ vừa hỏi: “Thử xem mày còn chịu đựng được đến bao giờ?”, vì người vợ không chịu ký vào đơn ly hôn.

Trường hợp này kéo dài thêm cuộc hôn nhân ngày nào khổ ngày ấy nhưng có người cứ chịu khổ như vậy, với hy vọng một ngày chồng sẽ nghĩ lại hoặc họ nghiến răng chịu đựng với ý nghĩ, anh phá hỏng đời tôi thì tôi cũng cản trở đời anh. Đây là dạng bất hạnh nhất của hôn nhân mà có người gọi là bị "giời đầy".

Tuy nhiên có một dạng ngoại tình thường gặp nhất mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào, là không chiến thắng được những phút giây yếu đuối của lòng người do những hoàn cảnh chủ quan hay khách quan đưa đến. Những mối tình này thường không lâu bền, có khi chỉ xảy ra trong khoảnh khắc, khiến cho sau đó họ ăn năn, hối hận, tìm cách sửa chữa. Lúc này rất cần sự độ lượng của người bạn đời.

Con người không có ai hoàn hảo, kể cả người tốt nhất cũng có lúc mắc sai lầm. Nếu bạn định chung sống với ai 10 năm, 20 năm hay lâu hợn nữa thì có lúc bạn phải tha thứ và có thể chính bạn cũng có khi cần được tha thứ.

Tiếc rằng câu hỏi của bạn quá ngắn, nên tôi chỉ có thể đưa ra các giải pháp để bạn lựa chọn sao phù hợp với hoàn cảnh của mình. Trong thực tế nhiều cuộc hôn nhân vẫn tồn tại sau ngoại tình, mặc dầu khi mới phát hiện, có người muốn "tung hê" luôn.

Kinh nghiệm cho thấy khi phát hiện người bạn đời ngoại tình thì ai cũng "sốc", bạn nên bình tĩnh để những xúc động mạnh qua đi hãy quyết định. Bởi vì dù bạn có ly hôn, lại kết hôn với người khác cũng không có gì bảo đảm điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.

Nói như thế, tôi không chủ trương tha thứ mọi trường hợp ngoại tình. Nhiều lần ngoại tình và nhiều lần tha thứ không phải là ứng xử thông minh vì thuốc bị “nhờn” không bao giờ khỏi bệnh. Song đôi khi tha thứ có thể cảm hoá được kẻ không chung thuỷ và hôn nhân không những chỉ tồn tại mà có khi còn tốt đẹp hơn, vì cả hai sẽ rút kinh nghiệm và khắc phục được những chỗ yếu kém của mỗi người.

Tuy nhiên tha thứ cũng có năm bảy dạng. Có người miệng nói tha thứ nhưng lòng vẫn hậm hực, chỉ chờ cơ hội để xỉa xói. Vợ chồng đang vui vẻ ngồi xem phim với nhau thì trong phim có một nhân vật đi với gái bị lừa mất cái xe máy mới mua.

Vợ buông ngay một câu: "Những thằng dại gái cho nó chết chẳng ai thương". Mặt chồng sa sầm, mấy ngày sau không nói với vợ câu nào. Đêm nằm, vợ động vào người bị hất tay ra. Tha thứ như thế không bao giờ có hạnh phúc thật sự được.

Có anh bắt vợ phải thành khẩn khai báo hết sự việc ngoại tình vào quyển sổ tay. Sau đó, anh ta đem quyển sổ cất đi để thỉnh thoảng đem ra bắt vợ đọc cho nhớ. Đó là cách phá hủy hôn nhân chứ đâu phải là hàn gắn.

Chuyên gia tâm lý khuyên anh ta nếu thật lòng tha thứ thì đốt cuốn sổ đó trước mặt vợ và tuyên bố từ nay không bao giờ nhắc đến chuyện ấy nữa. Anh ta gật gù định ra vẻ nhưng nghĩ một lúc lại nói thêm: "Tôi sẽ đốt nhưng trước đó phải photo một bản cất đi làm "bảo bối" đã".

Cho nên trước hết, muốn tha thứ phải quên tội của họ đi. Bạn chỉ nên nghĩ đến mặt tốt đẹp của họ để làm sống lại tình yêu từng có với nhau. Còn nếu bạn nghĩ tội ấy "sống để dạ chết mang theo", không bao giờ tha thứ được thì sống với nhau thêm nữa chỉ là để hành hạ nhau thôi và vô tình bạn cũng hành hạ cả chính mình. Đó là cuộc hôn nhân độc hại càng kéo dài càng làm khổ cả hai.

(Kiến thức gia đình số 8)

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm