| Hotline: 0983.970.780

Chồng tật nguyền nuôi vợ trọng bệnh và con thơ dại

Thứ Sáu 21/04/2017 , 06:40 (GMT+7)

Mặc dù bản thân không được lành lặn như người ta khi mắc chứng bệnh vôi hóa cột sống, cái lưng còng rạp nhưng hàng ngày vẫn đầu tắt mặt tối với đồng ruộng...

Mặc dù bản thân không được lành lặn như người ta khi mắc chứng bệnh vôi hóa cột sống, cái lưng còng rạp nhưng hàng ngày vẫn đầu tắt mặt tối với đồng ruộng, đảm nhận luôn cả việc ngồi khâu nón thuê thâu đêm để kiếm 50 nghìn đồng mỗi ngày chăm sóc cho người vợ bị bệnh suy tim độ II và suy thận độ III và nuôi 3 đứa con ăn học. Đó là anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1966) ở thôn Văn La, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
 

Chăm vợ bệnh nặng, ba con thơ dại

Căn nhà nhỏ cấp bốn rêu mốc nằm lọt thỏm ở tận cuối con mương sâu hun hút nơi cuối làng, khi tôi đến đã quá 12 giờ trưa nhưng cả nhà 5 người vẫn chưa ai ăn gì. Mâm cơm đạm bạc độc đĩa rau muống, bát nước mắm và chút muối vừng, người đàn ông gầy rộc, còng rạp cả lưng bảo: “Cô ấy (vợ anh Sơn) còn đang nằm mệt nằm kia chưa ăn uống được gì nên cả nhà không ai ăn được, lát cô ấy dậy thì bố con tôi mới ăn".

16-14-18_nh-nguyen-vn-son-ben-cnh-nguoi-vo-mc-nhieu-trong-benh-nhieu-nm-qu
Anh Sơn bên người vợ mắc nhiều trọng bệnh

Nằm mê mệt trên chiếc giường nhỏ, thỉnh thoảng cố hớp được một chút thuốc nam đã sắc sẵn để ở bát, chị Phạm Thị Hiệu (vợ anh Sơn) bảo: "Ngày trước tôi cũng được hơn 30kg nhưng giờ chỉ được hơn 20kg thôi. Tôi phát hiện bị suy tim độ II và suy thận độ III từ tháng 8/2014 sau khi thấy cơ thể tự nhiên cứ yếu dần, da vàng và sụt cân nhanh. Ở bệnh viện các bác sĩ có hướng dẫn phải chạy lọc thận và sau đó phẫu thuật nhưng tốn mấy chục triệu nên vợ chồng tôi cũng thôi”.

Thương bố, thương mẹ, nhưng ba đứa con của anh chị là Nguyễn Thị Huân (SN 1999), Nguyễn Thị Trà (SN 2001) và Nguyễn Văn Việt (SN 2007) chỉ nghĩ ra được cách duy nhất là không đến trường nữa để khỏi phải đóng tiền học. Nhưng nếu điều đó xảy ra thì với chị Hiệu còn đau đớn hơn là việc phải chết. "Thà chết để các con được đến trường còn hơn là để các con thất học”, chị Hiệu bảo.

Anh Sơn kể: “Ngày xưa bố mẹ sinh tôi ra nhưng nhà nghèo quá nên đã để cho người khác nuôi. Năm 18 tuổi khi tôi đi phụ hồ cho công trình xây dựng thì trượt chân bị ngã giàn giáo nhưng cũng do không có tiền nên không đến bệnh viện ngay, mãi sau này đau quá nên mới đến viện thì các bác sĩ bảo bị trật đốt sống lưng, chuyển sang giai đoạn thoái hóa rồi nên không can thiệp được nữa. Từ sau lần tai nạn đó lưng tôi cứ còng dần, còng dần và đau lắm... Tôi cũng tưởng mình sẽ ở vậy luôn nhưng rồi cô ấy thương nên đồng ý về làm vợ, rồi vợ chồng tôi lần lượt sinh lần lượt 3 đứa con”. Kể đến đây anh Sơn bỗng dừng lại, hai hàng nước mắt trực lăn dài trên gò má.

Tai họa bất ngờ ập xuống khi chị Hiệu nhận tin mắc phải căn bệnh suy tim độ II và suy thận độ III đã bước vào giai đoạn nguy hiểm nhưng hoàn toàn bất lực vì không có tiền. Chị Hiệu tâm sự, do không có tiền nên dù bị đau từ lâu nhưng chị không dám đi bệnh viện để khám. Bệnh suy thận độ III ngày càng nặng khiến chị Hiệu đã phải cắt bỏ một bên quả thận. Kể từ đó định kỳ một tháng một lần anh Sơn lại phải tất tả đưa chị Hiệu lên Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) để điều trị.

16-14-18_chi-phm-thi-hieu-dng-mc-benh-suy-tim-do-ii-v-suy-thn-do-iii-ben-cnh-hi-con-nho-tho-di
Chị Hiệu, vợ anh Sơn, hiện mắc phải căn bệnh suy tim độ II và suy thận độ III bên hai con nhỏ thơ dại

Để có tiền chữa trị cho vợ và có tiền đóng học cho ba đứa con, đồ đạc trong nhà anh Sơn cứ thế đội nón ra đi. Mỗi lần chị Hiệu lên bệnh viện là anh Sơn lại vay mượn khắp nơi, xin mọi người giúp đỡ. Kiệt quệ, túng quẫn, anh Sơn lại về nhà bán từng nải chuối, đàn gà chưa kịp lớn, xem đồ đạc trong nhà còn gì đem đi bán hết, từ chiếc tủ sắt đựng quần áo của các con đến cả bộ bàn ghế tiếp khách cũng không còn. Thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào 50 nghìn đồng mỗi ngày anh Sơn ngồi khâu nón thuê để bán, đó là kể cả thời gian làm đêm; còn không chỉ được 20 - 30 nghìn đồng/ngày.
 

Mai này chết không biết các con sẽ ra sao?

Đó là nỗi băn khoăn lớn nhất đối với vợ chồng anh Sơn lúc này. Trong suốt buổi trò chuyện, anh Sơn chỉ đau đáu cho tương lai của các con.

16-14-18_mc-du-bi-mc-chung-benh-thoi-ho-cot-song-v-lung-d-cong-rp-nhieu-nm-qu-nhung-hng-ngy-nh-nguyen-vn-son-vn-miet-mi-nhn-lm-cong-viec-khu-non-thue-de-co-tien-chu-benh-c
Anh Sơn nhận làm thêm việc khâu nón để kiếm thêm thu nhập

Vừa nói, chị Hiệu vừa khóc: “Tôi còn sống không biết được bao lâu nữa, chỉ thương và lo cho các con nhà tôi chúng còn thơ dại, giờ mà bố mẹ mất đi vì trọng bệnh thì các cháu sẽ ra sao? Tôi thì sức khỏe cũng yếu nhiều rồi không thể theo suốt các cháu được”.

Anh Sơn tiếp lời: “Không có gì quý hơn mạng sống con người, còn nước thì còn tát, dù tốn kém bao nhiêu cũng phải chữa trị cho cô ấy. Các con tôi cần có đầy đủ hơi ấm của cả cha lẫn mẹ”.

Trao đổi với chúng tôi về gia đình anh Sơn, ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND xã Văn Võ ái ngại khi nhắc đến gia đình anh Sơn: “Gia đình anh Sơn là hộ nghèo, khó khăn bậc nhất thôn Văn La.  Nếu không may anh Sơn - chị Hiệu không còn nữa thật tình tôi không hiểu các con của anh chị sẽ sống ra sao nữa”.

Gia đình anh Sơn rất mong nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc gần xa. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về anh Nguyễn Văn Sơn ở thôn Văn La, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội; hoặc gửi về Văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL số 49 Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ, ĐT: 07103.835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.