Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã chỉ rõ, công tác quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp, nhiều nơi việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện dẫn đến không gian cho phát triển nông nghiệp đô thị cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, quy hoạch đô thị cần lồng ghép với phát triển nông nghiệp đô thị, có tính đến đặc thù của vùng nội đô và ven đô, tính đến sản phẩm đặc sản, đặc hữu, bản địa và yêu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, phát triển nông nghiệp đô thị cần xây dựng chiến lược có tính dài hạn, phù hợp với quy hoạch phát triển ở các khu đô thị và tốc độ đô thị hóa của từng địa phương. Đặc biệt, cần có chính sách, chương trình phát triển nông nghiệp đô thị để ứng dụng các công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
Đồng thời, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa khu vực tư nhân và nhà nước trong phát triển nông nghiệp đô thị và xa hơn nữa, việc sử dụng tối đa các không gian ở đô thị để sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, môi trường sống xanh cho người dân đô thị cũng là kinh nghiệm mà các nước tiên tiến trên thế giới đã thực hiện thành công.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, do chúng ta phát triển đô thị quá nóng, quy hoạch chưa có tính đồng bộ nên vấn đề môi trường luôn trong tình trạng quá tải. Do vậy, cần ưu tiên tập trung cho công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể là việc xử lý chất thải và nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; chế biến theo hướng hạn chế pha loãng chất thải và tiến tới chấm dứt tình trạng quá tải của công nghệ biogas khi xử lý chất thải chăn nuôi.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cho rằng, vấn đề môi trường luôn là thách thức lớn đối với sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Do đó, trong những năm qua, lực lượng khuyến nông của tỉnh Hưng Yên đã thường xuyên lồng ghép trong các buổi tập huấn, tham quan, học tập cho bà con cũng như triển khai các mô hình về việc giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường nói chung.
Thông qua các chương trình khuyến nông cũng như các mô hình dự án, ngành khuyến nông Hưng Yên đã thực hiện nhiều mô hình trong các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Đặc biệt là chú trọng đưa các giống mới, các tiến bộ kỹ thuật, cũng như các giải pháp để sản xuất an toàn, giảm chi phí, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân.
Theo ông Nguyễn Văn Kiên, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ góp phần giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như phân bón hóa học. Lực lượng khuyến nông của địa phương cũng đã hướng dẫn người dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ cũng như thuốc trừ sâu sinh học để giảm ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn đảm bảo năng suất cũng như không ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
“Bên cạnh đó, ngành khuyến nông còn thực hiện Dự án Phát triển chăn nuôi bền vững, trong có có điểm nhấn là việc sử dụng máy tách phân. Ví dụ, năm 2023, ban đầu khi triển khai 50 máy tách phân tại một số hộ thì phần lớn người dân đều không biết đó là máy gì, nhưng khi sử dụng thì thấy nó rất dễ vận hành và hiệu quả. Máy này có thể tách gần như đạt 80-90% chất thải rắn, sau đó sẽ được ủ với men vi sinh làm phân bón hữu cơ cho cây trồng”, ông Kiên chia sẻ.
Bên cạnh lĩnh vực chăn nuôi, trong 3 năm vừa qua, lực lượng khuyến nông Hưng Yên đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trong công tác xử lý chất thải trong trồng trọt tại 12 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm khi thu hoạch và thải ra có thể dùng để ủ phân hữu cơ hoặc dùng bạt phủ theo kỹ thuật của Nhật Bản.
“Tới đây, việc cắt giảm ô nhiễm môi trường chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng cả trong trồng trọt (chủ yếu đi vào VietGAP và sản xuất sản phẩm hữu cơ) và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Từ đó, vừa đảm bảo được môi trường xanh sạch vừa giúp nông dân có thu nhập cao và phát triển bền vững”, ông Kiên cho hay.