| Hotline: 0983.970.780

Chữa bệnh bướu rễ cho cây ổi

Thứ Năm 13/06/2024 , 09:58 (GMT+7)

TRÀ VINH Kỹ sư Nguyễn Văn Đởm là người hướng dẫn nông dân quy trình phục hồi cây ổi bị bệnh bướu rễ đạt tỷ lệ thành công 100% đối với những cây mới phát bệnh.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè, đến nay, toàn huyện có khoảng 719ha ổi, trong đó diện tích bị thiệt hại chiếm khoảng 15%. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè, đến nay, toàn huyện có khoảng 719ha ổi, trong đó diện tích bị thiệt hại chiếm khoảng 15%. Ảnh: Hồ Thảo.

Hàng loạt vườn ổi bị chết

Huyện Cầu Kè là địa phương có diện tích trồng ổi lớn nhất tỉnh Trà Vinh bởi phong trào chuyển đổi từ các loại cây kém hiệu quả sang trồng ổi khá phát triển trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn cho biết gần đây xuất hiện một bệnh lạ khiến nhiều vườn ổi bị chết, gây thiệt hại lớn.

Ông Cao Văn Lúng ở ấp Hòa An, xã An Phú (huyện Cầu Kè) cho biết, gia đình ông trồng hơn 1ha ổi Đài Loan. Cây được 4 năm tuổi, mỗi tuần ông thu hoạch khoảng 500kg trái và thương lái thu mua tận vườn với giá từ 3.000 - 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên đến đầu năm 2023, vườn ổi bắt đầu có hiện tượng khô đọt, héo lá và chết dần. Ông Lúng cùng một số hộ trong xóm đã thử nhiều cách để cứu cây nhưng không thành công.

"Trồng ổi khoảng 3 năm trở lại đây thật chua chát. Năm thứ nhất mình đầu tư vào cây giống, phân bón và chăm sóc. Sang năm thứ hai bắt đầu thu hoạch nhưng cây còn tơ nên chưa cho nhiều trái. Đến năm thứ ba, cây đang sung sức và chuẩn bị thu hồi vốn thì lại bị nhiễm bệnh và chết dần", ông Lúng than.

Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè, hiện toàn huyện có khoảng 719ha trồng các loại ổi gồm Ruby, Nữ Hoàng, Đài Loan..., trong đó diện tích bị thiệt hại chiếm khoảng 15%.

Bà Nguyễn Hồng Vui, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè cho biết, Trường Đại học Trà Vinh đã phối hợp với Hội Làm vườn và một số đơn vị thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh để khảo sát và xác định   nguyên nhân khiến cây ổi chết hàng loạt là do bệnh bướu rễ gây ra.

Vườn ổi của ông Lời phục hồi khoảng 95% sau khi thực hiện quy trình xử lý do kỹ sư Đởm hướng dẫn. Ảnh: Hồ Thảo.

Vườn ổi của ông Lời phục hồi khoảng 95% sau khi thực hiện quy trình xử lý do kỹ sư Đởm hướng dẫn. Ảnh: Hồ Thảo.

Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức 3 lớp tập huấn cho 120 nông dân và 1 buổi tọa đàm với sự tham gia của 30 hộ gia đình trồng ổi tại địa phương.

Vừa qua, Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp huyện Cầu Kè còn thực hiện mô hình thí điểm phòng trị bệnh cho cây ổi, bước đầu đã thành công. Cụ thể, đối với cây bị bệnh nặng (trên 40%), khả năng phục hồi sau điều trị đạt 70%, còn đối tỷ lệ cây bệnh dưới 24% (mới phát bệnh), khả năng phục hồi đạt 100%.

Lạm dụng phân hóa học lâu dài

Kỹ sư Nguyễn Văn Đởm (Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp huyện Cầu Kè) cho biết, nguyên nhân cây ổi nhiễm bệnh là do nông dân lạm dụng phân bón hóa học lâu dài khiến đất trở nên cứng và cạn kiệt các vi sinh vật có lợi. Điều này làm tổn thương rễ cây và tuyến trùng tấn công rễ ổi, gây ra bệnh bướu rễ.

Để phục hồi cây ổi bị bệnh, quy trình xử lý gồm 6 bước: Thứ nhất, xử lý rải vôi bột ở gốc ổi và khắp mặt liếp trồng ổi. Thứ hai, xử lý thuốc trừ tuyến trùng và nấm bệnh ở phần gốc. Thứ ba, xử lý hữu cơ lỏng (Mixer ). Thứ tư, xử lý thuốc điều hoà sinh trưởng, rải gốc. Thứ năm, phun qua lá dòng dinh dưỡng nhằm kéo đọt xanh cộng thuốc trừ sâu rầy. Cuối cùng là sau khi cây hồi phục, tăng cường một số phân bón hữu cơ và thuốc tăng trưởng.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đởm, Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật (Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp huyện Cầu Kè đang lý giải nguyên nhân cây ổi nhiễm bệnh. Ảnh: Hồ Thảo.

Kỹ sư Nguyễn Văn Đởm, Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật (Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp huyện Cầu Kè đang lý giải nguyên nhân cây ổi nhiễm bệnh. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Nguyễn Văn Lời ở xã Hòa Tân (huyện Cầu Kè) cho biết, vườn ổi của ông có 126 gốc, thu hoạch được năm thứ ba thì cây bắt đầu nhiễm bệnh. Sau khi được kỹ sư Nguyễn Văn Đởm hướng dẫn quy trình xử lý, trong 42 ngày, cây đã phục hồi phún đọt non và ra trái bình thường.

Theo ông Lời, quy trình phục hồi cây ổi bị bệnh thực hiện tương đối dễ, ít tốn kém lại hiệu quả cao. Vì vậy đa số bà con trồng ổi tại địa phương đều mong muốn trong thời gian tới, ngành quản lý cấp trên tổ chức hội thảo đánh giá mô hình và mở rộng quy mô diện tích thí điểm để hướng dẫn bà con nhằm cải thiện kinh tế gia đình.

Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết đã tổ chức đoàn đi khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh trên cây ổi tại huyện Cầu Kè và hướng dẫn người dân cách xử lý. Đồng thời huyện Cầu Kè đã kiến nghị hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm phục hồi vườn ổi bị bệnh tại địa bàn một số xã. Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh đã có báo cáo và tham mưu về UBND tỉnh để xem xét.

Xem thêm
Chất lượng bò thịt Bình Định ngày càng được nâng cao

Với tỷ lệ bò lai đạt trên 93%, chất lượng bò thịt ở Bình Định ngày càng nâng cao, góp phần phát triển đàn bò thịt chất lượng cao trong nông hộ giai đoạn 2021-2025.

Tổ chức Thú y Thế giới có tân Tổng Giám đốc

Tiến sĩ Emmanuelle Soubeyran được bầu làm tân Tổng Giám đốc của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH/OIE) nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.