| Hotline: 0983.970.780

Nơi chúng tôi đến

Cánh đồng lớn 20ha lúa chưa vụ nào thất bại

Thứ Ba 18/06/2024 , 06:00 (GMT+7)

THANH HÓA Lão nông Đào Công Dũng (xã An Nông, Triệu Sơn, Thanh Hóa) sở hữu cánh đồng lớn hơn 20ha lúa canh tác 'không dấu chân' và gần như chưa bao giờ thất bại.

Nhàn như làm lúa thời 4.0

Lão nông Đào Công Dũng bôn ba nhiều nghề nhưng chả ăn thua. Lão quyết định quay về đồng ruộng vì chí ít ở quê lão vẫn còn đất sống. Cách đây vài năm, khi dân An Nông (Triệu Sơn, Thanh Hóa) quê lão thôi trồng mía, lão đánh liều thuê thầu đất của xã và mua lại một phần đất của dân để làm cánh đồng lớn.

Ban đầu vợ lão không mặn mà lắm với ý định này, bởi từ xưa tới nay chưa ai trong làng khấm khá nhờ làm ruộng. Lão thuyết phục mãi, sau cùng vợ con cũng xuôi theo. Lão không nhận là người thức thời, nhưng dám chấp nhận thử thách. Lão quyết định làm cánh đồng “không dấu chân” trên diện tích 20ha đã tích tụ từ đôi bàn tay trắng.

Lão nông Đào Công Dũng (bên trái) trao đổi với tác giả về quy trình sản xuất lúa trên cánh đồng lớn. Ảnh: CTV.

Lão nông Đào Công Dũng (bên trái) trao đổi với tác giả về quy trình sản xuất lúa trên cánh đồng lớn. Ảnh: CTV.

Thuê được đất đã khó, cải tạo đất, làm bờ thửa, tạo thành cánh đồng lớn để đưa máy móc vào canh tác càng khó hơn. Ban đầu lão định cải tạo đất theo kiểu thủ công, nhưng sức lão không thấm vào đâu so với diện tích đất bạt ngàn đã mướn. Lão chấp nhận vay mượn, bỏ tiền thuê máy móc làm thay sức người. Lão tính, làm được đến đâu sẽ cấy đến đó, chứ không thể cải tạo cả xứ đồng mênh mộng cùng một lúc vì sức và tiền không đủ trang trải.

Lão vẽ quy hoạch bờ thửa trên tờ giấy nhàu nhĩ, những ô thửa, đường sá đâu vào đấy. Trên khu đất đầy vũng trâu đằm, lão “nghị quyết” cho cánh thợ máy phải hoàn thành hệ thống thủy lợi và bờ thửa trong vòng 1 tháng để kịp thời vụ. Lão đóng “vai phụ” nhưng lăn lộn ngoài đồng từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà, đến độ cơm không kịp ăn. Chỉ riêng tiền công sá thuê thợ đã ngốn của lão cả trăm triệu đồng.

Hơn một năm trời miệt mài, từ cánh đồng bỏ hoang không mấy người để ý, nay qua bàn tay lão đã thành hình hài của cánh đồng lớn. Cả cánh đồng rộng chừng 40 mẫu, tương đương 20ha lão phải mất 3 năm cải tạo, tốn không biết bao nhiêu tiền. Ruộng của lão nay đã liền bờ, liền thửa. Lão chỉ để lại 3 bờ trục chính nối thành hình cánh cung và 1 sân phơi bê tông rộng từ 5 - 8m, kéo dài cả trăm mét. Riêng khoản đổ bê tông sân phơi kết hợp giao thông nội đồng đã ngốn của lão khoảng 1,4 tỷ đồng.

Hệ thống đường giao thông được đổ bê tông dài cả trăm mét chạy dọc cánh đồng của gia đình ông Dũng. Ảnh: Quốc Toản.

Hệ thống đường giao thông được đổ bê tông dài cả trăm mét chạy dọc cánh đồng của gia đình ông Dũng. Ảnh: Quốc Toản.

Xong chuyện làm đất, lão tập trung vào mùa vụ. Lão tuy học không cao nhưng bài toán lợi nhuận trên đầu diện tích được lão tính toán khá kỹ. Hầu hết các công đoạn canh tác trên cánh đồng lão đều khoán trọn gói cho thợ thông qua hợp đồng ngay từ đầu vụ. Trước đây với khoảng 40 mẫu ruộng lão phải thuê công cấy mất khoảng 15 - 20 ngày thì nay máy cấy chỉ cần 3 - 5 ngày là có thể phủ hết mạ non cho cả xứ đồng của lão.

Lão nhẩm tính, nếu cấy thủ công thì chi phí thuê nhân công mất 300 nghìn đồng/sào, nhưng cấy máy chỉ mất 150 nghìn đồng cộng thêm 50 nghìn tiền thuê dặm vá những chỗ lúa chết. Tính ra vẫn tiết kiệm được 1/3 chi phí. Còn tiền thuê máy bay phun thuốc thì cực kỳ rẻ và an toàn.

Trước đây lão thuê phun thuốc thủ công mất chi phí 20 nghìn đồng/sào, nhưng cũng với số tiền đó, lão thuê máy bay không người lái vừa phun được thuốc sâu lại phun kết hợp được cả thuốc ốc. Máy bay phun thuốc đều tăm tắp, nhoằng một cái, cả thửa ruộng lớn đã được “tắm gội” sạch sẽ.

Riêng khoản bón phân lão bảo phải thuê dân làm thủ công cho đỡ tốn. Nay lão làm cánh đồng lớn, chỉ cần 1 cuộc điện thoại, vài tiếng sau đã có người đưa phân, thuốc trừ sâu tới tận chân ruộng. Lão hợp đồng trực tiếp với đầu mối vật tư nông nghiệp chứ không thông qua khâu trung gian, vì thế tiết kiệm được khá nhiều chi phí canh tác.

Làm giàu từ lúa thâm canh

Lão Dũng tập kết máy cày, máy bừa ở khúc cua đầu bờ. Lão bảo, đây là lối đi độc đạo, dẫn vào cánh đồng lớn, phía trên là bờ thửa bao quanh kiên cố nên trộm không dám bén mảng tới để đánh cắp đồ. Vả lại, ruộng của lão cắm chằng chịt camera theo dõi 24/24 giờ nên chuyện mất mát tuyệt nhiên khó xảy ra.

Vụ xuân 2024 ông Dũng lại thắng lớn, năng suất lúa đạt khoảng 4 tạ/sào. Ảnh: Quốc Toản.

Vụ xuân 2024 ông Dũng lại thắng lớn, năng suất lúa đạt khoảng 4 tạ/sào. Ảnh: Quốc Toản.

Sau vài năm làm lúa, lão tích góp và sắm cho mình 4 con máy mã lực lớn, gồm 2 máy cày và 2 máy cấy. Lão áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trên cánh đồng lớn nhưng không vì thế mà chủ quan với mùa vụ. Lão bảo, máy móc chỉ làm theo suy nghĩ của con người chứ nó không chỉ đạo được lão.

Không chỉ đam mê và trách nhiệm, lão Dũng có tình yêu đặc biệt với đồng ruộng. Vào mùa mưa bão, một mình lão trực ngoài đồng cả tháng để bơm tiêu nước. Vậy nhưng có năm, đồng lúa của lão vẫn không chống lại được “ý trời”. Cách đây vài năm lão mất trắng khoảng 20% diện tích lúa đang vụ thu hoạch vì lũ bất ngờ tràn về. Nửa đêm, lão phải nhờ cán bộ xã, bà con chòm xóm ra đẩy thuyền cứu lúa mới vớt vát được diện tích còn lại.

Rút kinh nghiệm từ bài học nhớ đời, vụ sau đó lão đầu tư gần 300 ống cống rộng khoảng 20 - 30cm, dài hơn 1m, cắm quanh chân ruộng. Chân ruộng thấp, trũng lão dùng sức nạo vét thủy lợi và cắm ống tiêu nhiều hơn. Vài năm nay lão thở phào nhẹ nhõm vì chủ động được nguồn nước tưới, tiêu.

Lão làm lúa nhiều nhất xã nhưng không lý thuyết hay văn vở như người khác. Trước khi gieo cấy, vụ trước lão đã dành thời gian lặn lội khắp xứ đồng để đi xem từng chân đất và năng suất từng giống. Lão thấy dân gieo cấy giống nào đạt năng suất cao trên chân đất tương đồng với ruộng của lão và ít sâu bệnh thì lão làm chứ không qua môi giới hay giới thiệu.

Vụ xuân năm 2024, nông dân Thanh Hóa thắng đậm, với năng suất đạt khoảng 68 tạ/ha. Ảnh: Quốc Toản.

Vụ xuân năm 2024, nông dân Thanh Hóa thắng đậm, với năng suất đạt khoảng 68 tạ/ha. Ảnh: Quốc Toản.

“Giống thì quảng cáo tràn lan trên mạng, thế nhưng khó mà phân biệt được giống tốt hay giống xấu. Lớ ngớ mua phải giống kém chất lượng là mất trắng cả vụ chứ chẳng đùa. Cho nên, cách chọn giống tốt nhất là thấy dân cấy giống nào năng suất thì mình cấy thứ đó cho an toàn”, Lão nói và cho biết, với kinh nghiệm chọn giống trên, gia đình lão chưa từng thất bại vụ lúa nào. Lão chỉ vào ruộng lúa sắp thu hoạch và khẳng định chắc nịch: “Vụ xuân năm nay, nếu lúa không đạt 4 tạ/sào thì tôi không làm nông nữa”.

Năm nay, vụ lúa xuân của lão thắng lớn. Lão nhẩm tính thu khoảng 100 tấn lúa cho 40 mẫu ruộng. Lão phấn khởi vì năm nay giá phân bón giảm từ 17.000 đồng/kg xuống còn 12.000 đồng/kg giúp nông dân tiết giảm được chi phí sản xuất. Lão nhẩm tính vụ xuân 2024 lão bỏ túi hơn 300 triệu đồng sau khi trừ tất tật chi phí.

Hạt gạo "thoát ly" thuốc trừ sâu và phân hóa học

Tròn 1 năm, tôi quay lại HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), nơi được xem là vùng chuyên canh lớn về lúa chất lượng cao của huyện Thọ Xuân với hơn 300ha. Đây là vụ thứ 2 HTX chuyển đổi một phần diện tích (khoảng 10ha) sang trồng lúa hữu cơ.

Chị Lê Thị Hoa - Giám đốc HTX cho biết, lúc đầu nông dân cũng e ngại trồng lúa hữu cơ vì quy trình rườm rà, đầu ra hạn chế, năng suất chưa được kiểm nghiệm. Mặt khác, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ rất tốn chi phí, nhân công, sức lao động, trong khi đa phần người trồng lúa đều đã có tuổi. 

Chị Đỗ Thị Hoa chụp ảnh kỷ niệm cùng Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed tại cánh đồng lớn xã Xuân Minh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản.

Chị Đỗ Thị Hoa chụp ảnh kỷ niệm cùng Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed tại cánh đồng lớn xã Xuân Minh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản.

"Nếu làm lúa thông thường, các công đoạn như cày, cấy, trừ cỏ, bón phân, thu hoạch đều sử dụng máy móc thì nay làm lúa hữu cơ thêm công đoạn làm cỏ thủ công, khử lẫn, bắt ốc bưu…, chi phí cao gấp rưỡi so với trồng lúa đơn thuần nên nông dân vẫn còn e dè", chị Hoa chia sẻ.

Tuy nhiên, sau khi HTX giải quyết được bài toán đầu ra và chính quyền địa phương có cơ chế khuyến khích (huyện hỗ trợ 500 nghìn đồng/sào lúa hữu cơ) thì bà con bắt đầu đăng ký tham gia trồng lúa hữu cơ. Bên cạnh đó, HTX đã phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn kỹ thuật, cho bà đi học tập, tham quan các mô hình sản xuất lúa hữu cơ, hỗ trợ giống, phân bón cho người dân; đầu tư đồng bộ giao thông nội đồng, cải tạo đồng ruộng, hệ thống kênh dẫn nước... nên bà con khá yên tâm khi tham gia sản xuất.

Vụ lúa hữu cơ đầu tiên cho năng suất tương đương với với phương pháp canh tác thông thường. Sản lượng vụ xuân ước đạt khoảng 60 - 65 tạ/ha, giá lúa 13 triệu đồng/tấn. “Sau vụ đầu tiên, nhiều nông dân trong vùng nhận ra sản xuất lúa hữu cơ sử dụng các loại phân bón hữu cơ giúp cây trồng ít bị sâu bệnh, đất được cải tạo nên cây lúa phát triển tốt, năng suất cao. Nếu nhà nước có cơ chế hỗ trợ phát triển lúa hữu cơ thì nông dân có thể làm giàu”, chị Hoa chia sẻ.

Cũng theo chị Hoa, trong thời gian tới, HTX sẽ hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với mặt hàng lúa gạo được sản xuất theo quy trình hữu cơ để sản phẩm được thương mại hóa rộng rãi. Đây là một trong những giải pháp bước đầu giúp thay đổi vị thế cho hạt gạo tại huyện Thọ Xuân nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.