| Hotline: 0983.970.780

Nơi chúng tôi đến

Con tôm sống hòa bình với cây lúa

Thứ Năm 20/06/2024 , 09:48 (GMT+7)

KIÊN GIANG Con tôm như 'kẻ ngoại lai' từ biển tiến vào đồng ruộng, gây ra cuộc chiến tranh chấp tôm - lúa nhưng nay lại trở thành mối lương duyên, sống hòa bình bên nhau…

Vượt qua vũng lầy phía trước

Gần 20 năm gắn bó với Báo Nông nghiệp Việt Nam, địa bàn hoạt động của tôi chủ yếu là các tỉnh thuộc vùng bán đảo Cà Mau - vùng đất xưa kia vốn là rừng tràm bạt ngàn, giao thông cách trở.

Vùng nông thôn trước đây giao thông trắc trở, muốn đi tác nghiệp được thì nhà báo phải biết đi qua cầu khỉ, gặp gỡ nông dân để lấy tư liệu. Ảnh: TL.

Vùng nông thôn trước đây giao thông trắc trở, muốn đi tác nghiệp được thì nhà báo phải biết đi qua cầu khỉ, gặp gỡ nông dân để lấy tư liệu. Ảnh: TL.

Một hôm, tôi đang đi tác nghiệp tại tỉnh Hậu Giang thì nhận được “lệnh” sang Cà Mau để đi cùng đoàn công tác của lãnh đạo Bộ NN-PTNT làm việc với Cà Mau về quy hoạch phát triển tôm – lúa, giải quyết những tranh chấp đang tồn tại.

Ăn vội bữa cơm chiều ở quán, đeo ba lô cùng chiếc xe máy lên đường. Đi theo quốc lộ thì đoạn đường khá xa, tôi được một người bạn tư vấn nên đi theo đường tắt qua Bạc Liêu để về Cà Mau. Trời tối lại có mưa rả rích, tôi vừa đi vừa dò hỏi đường. Càng đi nhà dân càng thưa dần, có những đoạn hai bên đường chỉ toàn cây tràm khiến tôi phát hoảng.

Chạy mãi, đến khi cùng đường thì tôi gặp bến đò. Hỏi thăm người lái đò, tôi mới viết đây là vùng đất giáp ranh giữa hai tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang, qua bên kia sông là huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang). Lúc này, tôi mới nhận ra mình đã đi nhầm đường, đành chọn giải pháp là về thị trấn Vĩnh Thuận thuê nhà nghỉ rồi sáng sớm mai đi tiếp.

Tác giả bên ruộng lúa của nông dân bị chết do nhiễm mặn trong cuộc chiến tôm - lúa trước đây. Ảnh: Trung Chánh.

Tác giả bên ruộng lúa của nông dân bị chết do nhiễm mặn trong cuộc chiến tôm - lúa trước đây. Ảnh: Trung Chánh.

Khi đò cặp bến, qua ánh pha của xe máy đã lộ ra con đường khá lầy lội. Đoạn đường giao thông nông thôn đang thi công dang dở, xe cuốc múc đất đắp chặn hai bên để chuẩn bị bơm cát làm nền hạ. Mưa xuống, nước bị đọng lại, người dân đi lại sục sình, lên ga bánh xe cứ quay tròn, phải bơi chân hai bên tiếp thì xe mới chậm rãi bò về phí trước. Mất hơn hai tiếng đồng hồ tôi mới đi hết được quãng đường khoảng gần 10km. 

Về đến thị trấn Vĩnh Thuận thì đã quá nửa đêm, dò la một hồi tôi cũng tìm được một nhà trọ còn mở cửa. Cả xe và người đều bê bết bùn đất, chị chủ nhà trọ không muốn nhận nhưng nghe tôi trình bày chị lại thương tình, múc cho xô nước để tạt qua chiếc xe cho đỡ bẩn. Tắm xong, tôi mệt đừ người chỉ muốn nằm vật ra giường ngủ nhưng đói cồn cào, tôi phải xin chị chủ nhà trọ ít nước sôi trụng tô mì ăn xong thì cái bụng mới chịu nằm im cho ngủ...

Mô hình tôm - lúa có đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế xã hội, góp phần tạo nên những con đường nông thôn mới ở vùng U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình tôm - lúa có đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế xã hội, góp phần tạo nên những con đường nông thôn mới ở vùng U Minh Thượng. Ảnh: Trung Chánh.

Mô hình tôm – lúa có sự đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế xã hội, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, xóa đi những con đường lầy lội, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn. Trong 4 huyện vùng U Minh Thượng, đến nay Vĩnh Thuận và An Biên đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cuộc chiến tôm – lúa

Tỉnh Cà Mau được xem là nơi khởi phát của mô hình canh tác tôm – lúa, sau đó mở rộng dần ra các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL. Từ những năm cuối của thế kỷ XX, khi triều cường dâng cao làm nước biển tràn vào ruộng thì tôm, cá tự nhiên cũng theo vào. Tình cờ, họ phát hiện chúng không chỉ sống được trên ruộng mà còn phát triển tốt. Thế là họ nuôi, chăm sóc, cuối vụ xả nước ra thu hoạch tôm bán và cho thu nhập tốt hơn hẳn so với vụ lúa.

Khi mới chuyển đổi, mô hình tôm - lúa đã gây ra cuộc chiến tranh chấp mặn - ngọt, làm cho nhiều ruộng lúa nông dân lân cận bị chết do nhiễm mặn. Ảnh: Trung Chánh.

Khi mới chuyển đổi, mô hình tôm - lúa đã gây ra cuộc chiến tranh chấp mặn - ngọt, làm cho nhiều ruộng lúa nông dân lân cận bị chết do nhiễm mặn. Ảnh: Trung Chánh.

Từ đó, làn sóng đào mương, đắp bờ bao quanh ruộng lúa để đưa nước mặn vào nuôi tôm không chỉ phát triển ở Cà Mau mà còn lan dần ra các tỉnh cặp biển như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang... Dòng nước mặn lan tới đâu, cánh đồng nuôi tôm được mở rộng tới đó. Cũng từ đây, đã mở đầu cho cuộc chiến tranh chấp tôm – lúa kéo dài hàng chục năm, mất cả tình làng nghĩa xóm, thậm chí là xô xát, cầm dao, phảng rượt đuổi nhau như kẻ thù.

Tại Kiên Giang, các huyện vùng U Minh Thượng (trước đây gọi là vùng bán đảo Cà Mau) gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận được quy hoạch phát triển mô hình tôm – lúa với tổng diện tích hàng chục ngàn ha. Nhưng khi mới bắt đầu chuyển đổi, không ít lúng túng đã xảy ra trong việc thực hiện quy hoạch. Trong khi những hộ tiên phong háo hức chuyển đổi qua luân canh 1 vụ tôm – 1 vụ lúa (tôm – lúa) thì nhiều hộ vẫn trung thành với hệ sinh thái nước ngọt, trồng lúa, bắt cá đồng tự nhiên.

Sau hàng chục năm chuyển đổi, mô hình tôm - lúa đã có sự phát triển cả về phương thức và đa dạng hóa đối tượng sản xuất, đặc biệt là nuôi xen canh nhiều loại tôm, cua biển..., giúp tăng thu nhập trên cùng diện tích. Ảnh: Trung Chánh.

Sau hàng chục năm chuyển đổi, mô hình tôm - lúa đã có sự phát triển cả về phương thức và đa dạng hóa đối tượng sản xuất, đặc biệt là nuôi xen canh nhiều loại tôm, cua biển..., giúp tăng thu nhập trên cùng diện tích. Ảnh: Trung Chánh.

Người nuôi tôm nước lợ dẫn nước mặn từ biển vào bơm lên ruộng, còn người trồng lúa bên cạnh thì cố giữ nước ngọt. Những mảnh ruộng giáp ranh nhau loang lổ như miếng da beo khổng lồ, đê bao mới đắp không đủ chắc chắn, nước mặn tràn bờ, thấm qua đê gây chết lúa. Cả người nuôi tôm và người trồng lúa đều là nông dân, thu nhập chỉ dự vào mảnh ruộng sau nhà thì lấy gì để bắt đền nhau. Trong khi ai cũng có cái lý của mình. Người nuôi tôm thì nói họ làm theo quy hoạch của nhà nước. Còn người vẫn trồng lúa thì lại bảo do điều kiện hệ thống thủy lợi chưa có, kỹ thuật nuôi tôm cũng không biết nên chưa chuyển đổi.

Trong câu chuyện tranh chấp tôm – lúa kéo dài nhiều năm. Không ít đơn thư đã được gửi đi. Chính quyền địa phương, sở, ban, ngành tỉnh vào cuộc với nhiều cuộc họp, hòa giải nhưng không thể giải quyết rốt ráo một sớm, một chiều. Không ít cán bộ, công chức nhà nước, đảng viên đã bị kỷ luật vị chuyện “xé rào” nuôi tôm gây ảnh hưởng đến sản xuất của các hộ xung quanh. Mỗi lần có nhà báo về ghi nhận sự việc, người dân lại kéo vây quanh để kể tội nhau cũng chỉ vì con tôm và cây lúa.

Điển hình như tại huyện An Biên, năm 2016, anh Phạm Văn T. (khi ấy đang là đảng viên, Công an ấp thuộc xã Đông Thái) lấy nước mặn vào ruộng lúa nuôi tôm và đã bị xem xét kỷ luật. Anh T. nhớ lại: “Khi ấy, tôi bị xem như tội đồ vì tiên phong nuôi tôm, họ sợ nước mặn gây ảnh hưởng cho sản xuất của các hộ xung quanh. Thực ra tôi không làm sai vì quy hoạch chung của tỉnh đã có, chỉ là mình làm trước. Sau một vài năm nhiều người cũng chuyển đổi theo và giờ cả vùng này đều là tôm – lúa”.   

Hiện nay đã có nhiều giống lúa cao sản, lúa thơm thích hợp canh tác trên vùng đất tôm - lúa, đặc biệt là canh tác hữu cơ, mang lại hiệu quả cao cho nhà nông. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện nay đã có nhiều giống lúa cao sản, lúa thơm thích hợp canh tác trên vùng đất tôm - lúa, đặc biệt là canh tác hữu cơ, mang lại hiệu quả cao cho nhà nông. Ảnh: Trung Chánh.

Không ít nơi, mâu thuẫn tôm - lúa không bắt nguồn từ người dân mà đến từ sự lúng túng trong công tác quản lý quy hoạch của chính quyền địa phương. Như tại ấp Mương 40, xã Tây Yên A (huyện An Biên), khoảng năm 2015 – 2016, có 7 - 8 hộ dân mạnh dạn chuyển qua nuôi tôm, trong khi gần 60 hộ còn lại trong ấp vẫn trung thành với cây lúa.

Chính quyền xã khi ấy khá lúng túng trong việc xử lý. Nếu yêu cầu các hộ nuôi tôm rút nước mặn ra để tránh thiệt hại cho các hộ trồng lúa thì tôm nuôi sẽ chết, trong khi họ làm theo quy hoạch. Ngược lại, cứ để vậy thì sẽ xảy ra tranh chấp, thưa kiện, mất an ninh trật tự. Cuối cùng, xã phải vận động những hộ trồng lúa ký giấy để chuyển qua nuôi tôm, xóa đi ranh giới vùng tranh chấp giữa hai mô hình canh tác mặn – ngọt.

Cuộc tranh chấp tôm – lúa kéo dài hàng chục năm và cứ chuyển dịch dần theo hướng từ biển vào. Nhưng rồi, sức hấp dẫn từ hiệu quả kinh tế mà con tôm mang lại đã khiến nhiều người làm theo. Nếu như đầu những năm 2000, diện tích tôm - lúa của vùng ĐBSCL mới chỉ đạt khoảng 71.000ha thì đến nay đã tăng lên trên 200.000ha, trong đó riêng Kiên Giang chiếm trên 100.000ha.

Mặc dù mô hình tôm – lúa được đánh giá là bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng quá trình canh tác cũng để lại những hệ lụy. Con tôm có giá trị cao nên nông dân vì lợi ích kinh tế đã kéo dài thời gian nuôi, lơ là cây lúa, thậm chí bỏ qua vụ lúa. Qua nhiều năm, đất bị nhiễm mặn và không ít diện tích không trồng lúa được nữa.

Cuộc chiến tôm – lúa đã lùi dần vào quá khứ, cả hai đã chung sống hòa bình với mô hình 'con tôm ôm gốc lúa', mang lại thu nhập khá cho nông dân. Ảnh: Trung Chánh.

Cuộc chiến tôm – lúa đã lùi dần vào quá khứ, cả hai đã chung sống hòa bình với mô hình “con tôm ôm gốc lúa”, mang lại thu nhập khá cho nông dân. Ảnh: Trung Chánh.

Từ chỗ chính quyền phải đi vận động nông dân trồng lúa chuyển sang nuôi tôm thì ngược lại bây giờ phải vận động người nuôi tôm trồng lúa để giữ tính bền vững của mô hình. Bởi cây lúa được xem là cỗ máy sinh học làm sạch những chất hữu cơ tồn đọng, cắt đứt mầm bệnh từ quá trình nuôi tôm, tạo ra môi trường thuận lợi cho con tôm nuôi vụ sau phát triển. Nhiều năm qua, cuộc chiến tranh chấp tôm – lúa đã không còn xảy ra, mà cả hai đã chung sống hòa bình với mô hình “con tôm ôm gốc lúa”. 

Sau hơn 20 năm chuyển đổi, mô hình tôm - lúa không chỉ tăng về diện tích mà còn có sự phát triển cả về phương thức sản xuất và đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi. Nếu như trước đây nông dân chủ yếu cấy giống lúa mùa truyền thống thì hiện nay đã có thêm các giống lúa cao sản, lúa thơm thích hợp cho vùng đất nuôi tôm. Từ đối tượng nuôi ban đầu chỉ là con tôm sú thì nay nông dân đã xen canh thêm tôm càng xanh, tôm thẻ, cua biển... mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng diện tích.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.