Theo đó, ngày 2/7/2018, Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau có Thông báo số 265-TB/TU thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU ngày 4/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo danh sách Sở Nội vụ trình BQL Đề án 01 thì số tiền trợ cấp cho TTT rất cao, có trường hợp trên 42 triệu đồng |
Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau giao cho BQL, điều hành Đề án số 01 phối hợp Sở Nội vụ chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) cho hưởng chính sách đối với những TTT đã công tác đủ 60 tháng theo Nghị quyết số 22/2013/NQ-HĐND, ngày 5/12/2013 của HĐND tỉnh Cà Mau.
Tại điểm a, khoản 5, Điều 1 của Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 5/12/2013 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định: “Sau 5 năm, nếu TTT không được bố trí vào các chức danh cán bộ chuyên trách hoặc không được tuyển dụng làm công chức cấp xã thì chấm dứt HĐLĐ, cho hưởng trợ cấp bằng 1 tháng lương hiện hưởng/1 năm công tác”.
Trên cơ sở quy định trên, ngày 17/7 vừa qua, Sở Nội vụ đã có tờ trình về việc cấp kinh phí chi trả chế độ trợ cấp đối với TTT hết 5 năm công tác ở xã, thị trấn với dự toán 1.485.018.600 đồng để trình Sở Tài chính thẩm định.
Ngày 1/8, Sở Tài chính Cà Mau có thông báo về việc cấp kinh phí chi trả chế độ trợ cấp thôi việc đối với số TTT nói trên. Theo đó, đơn vị này chỉ chấp nhận chi 763.620.000 đồng, ít hơn so với dự toán trước đó của Sở Nội vụ là 1.485.018.600 đồng.
Sở Tài chính cho rằng, mỗi năm công tác của mỗi TTT được hưởng 1 tháng lương cơ bản với mức: 2,67 x 1.300.000 x 5 tháng = 17.355.000 đồng. Các khoản phụ cấp khác theo quy định của Nghị quyết số 22/2013/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thì TTT vẫn hưởng.
Theo Sở Nội vụ, đối chiếu với Nghị quyết của HĐND thì việc thẩm định thông báo cấp kinh phí chi trả chế độ trợ cấp thôi việc đối với TTT đã kết thúc HĐLĐ của Sở Tài chính là chưa phù hợp, có thể gây bức xúc đối với TTT vì họ bị chấm dứt HĐLĐ, mất việc làm và thu nhập. Vì vậy, Sở Nội vụ xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh theo hướng có lợi nhất cho TTT.
Trí thức trẻ vận động, trao nhà tình thương |
Chị Phạm Thảo Nguyên, TTT công tác tại xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, đánh giá: “Có vẻ như cách thực hiện văn bản của Sở Nội vụ, Tài chính tỉnh không thống nhất. Hôm trước, Sở Nội vụ có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn báo cáo lương và các khoản phụ cấp. Đến khi thẩm định, Sở Tài chính lại không làm theo tinh thần Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh đã ban hành. Việc này rất khó chấp nhận”.
Theo chị Nguyên, dựa trên Tờ trình số 186/TTr-SNV ngày 17/7/2018 của Sở Nội vụ thì đơn vị này có đề xuất chi trả trợ cấp cho chị với số tiền hơn 42 triệu đồng do công tác ở xã khó khăn nhưng qua thẩm định của Sở Tài chính thì chị còn nhận được hơn 17 triệu đồng.
“Điều này quá bất công với chúng tôi. Số tiền đó không phải là thứ chúng tôi cần. Điều chúng tôi cần là việc làm để lo cho cuộc sống gia đình. Nghị quyết đã ban hành hẳn hoi, mà giờ mỗi đơn vị có cách giải quyết khác nhau”, chị Nguyên hoang mang.
Không đồng tình với thông báo của Sở Tài chính, anh Nguyễn Văn Miên, TTT công tác tại xã Tạ An Khương Đông, băn khoăn: “Tôi mong rằng, người ban hành Nghị quyết cần lên tiếng, đánh giá lại cách giải quyết này. Chứ mỗi đơn vị có cách làm khác nhau là không ổn. Trong văn bản hành chính, tối kỵ nhất là sự không rõ ràng”.
Trước đó, ngày 24/7, Báo NNVN có đăng bài: “Đề án trí thức trẻ về công tác tại cơ sở: Về hào hứng, đi tâm tư!” phản ánh tình trạng 44 TTT đợt 1 (Đề án 01) ở Cà Mau đã kết thúc HĐLĐ từ ngày 30/4, nhưng đến nay, tương lai của họ vẫn còn bỏ ngỏ. |