| Hotline: 0983.970.780

Chúng ta đang có tội với nông dân, nông thôn

Thứ Hai 09/03/2020 , 14:53 (GMT+7)

Một lời xin lỗi là quá nhẹ bởi bây giờ chúng ta đã có điều kiện kinh tế hơn mà vẫn để người dân sống chung với ô nhiễm và bệnh tật là có tội.

Ông Tăng Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Tăng Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Tăng Minh Lộc - Phó Chủ tịch Hội khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương chia sẻ như thế với NNVN.

Thực trạng nhức nhối

Cảm xúc của ông ra sao khi báo NNVN phản ánh tỉnh có thể tạm gọi là bẩn nhất miền Bắc là Bắc Ninh vì 6 - 7 năm không có bãi rác tập trung và một tỉnh nông thôn mới (NTM) điển hình toàn quốc là Nam Định nhưng cũng đang có vấn đề về khói của 109 lò đốt rác nguy cơ phát thải dioxin?

Tôi rất mừng là báo đã đột phá vào thực trạng nhức nhối, thậm chí rất đau khổ này của nông thôn. Nhiều nhà khoa học đã nói, nhiều diễn đàn đã nói, nhiều đề tài nghiên cứu cũng đã nói về vấn đề này nhưng chỉ là trên giấy chứ không mấy có tác động.

Cả nước làm nông thôn mới nhưng vẫn đang lúng túng về vấn đề về môi trường. Phần lớn chưa được giải quyết còn một số nơi đã giải quyết nhưng chưa triệt đã gây ra những hậu hoạ.    

Về rác thải nông thôn thì Bắc Ninh và Nam Định là hai bức tranh điển hình. Đa số các tỉnh giống như Bắc Ninh, thay vì để ô nhiễm phân tán thì đã gom thành các điểm ô nhiễm tập trung. Làng nào lo làng đấy với hai hình thức chính là để lộ thiên rồi đốt lộ thiên, rất phản cảm.

Đó là nơi sinh sản lý tưởng cho chuột, ruồi, muỗi rồi mùi xú uế, khói độc… không chỉ trực tiếp gây khốn khổ cho người dân sống gần mà sẽ ảnh hưởng chung cho dân trong vùng, rõ nhất là các bệnh về hô hấp, về tiêu hóa.

Nước rỉ của các bãi rác chảy xuống kênh rạch sẽ làm ô nhiễm nguồn nước cho trồng trọt, thủy sản. Không có nước sạch, chúng ta không thể có nông sản sạch và đấy cũng là nguồn gián tiếp gây ra các chứng bệnh khác cho người ăn.

Còn Nam Định là tỉnh sớm đầu tư và triển khai nhiều lò đốt rác mini đã giải quyết “đầu ra” tốt nên tạo điều kiện thuận lợi cho các xã xử lý rác, tạo cảm quan sạch đẹp rõ rệt. Điển hình như Hải Hậu - huyện đầu tiên trong cả nước được công nhận NTM năm 2014.

Ông bình luận ra sao về chuyện mỗi làng ở Bắc Ninh rác chất cao như núi, mỗi khi nắng "quả núi"  đấy lại bốc cháy gây khiếp sợ cho dân làng?

Việc mỗi làng, mỗi xã phải tự lo về rác ở Bắc Ninh là rất nguy hại. Nhưng vì sức ép NTM mà người ta phải giải quyết theo kiểu tình thế khiến biến mồ mả, đầu nguồn kênh, cánh đồng, bờ đê thành nơi đổ rác. Nếu không thì biết đổ đi đâu?

Xã không xử lý được, huyện cũng không có khả năng xử lý vì không phải là cấp có ngân sách độc lập nên khó đầu tư đủ tầm mà chỉ có tỉnh. Nhiều tỉnh bị như vậy chứ không phải riêng Bắc Ninh. 

Lãnh đạo có thể có những khoản chi để xây dựng các công trình vui chơi giải trí rất tốn kém nhiều trăm tỉ nhưng việc dùng một phần ngân sách nhỏ để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo chính sách cho họ xây dựng nhà máy rác tập trung với công suất lớn giải quyết cho nhu cầu 3 - 5 huyện thậm chí cả tỉnh bằng công nghệ hiện đại thì lại không thấy làm.

Anh Nguyễn Mạnh Hiếu - Trưởng thôn Ấp Đồn đang đứng trước bãi rác của làng tại xã Yên Trung, Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Mạnh Hiếu - Trưởng thôn Ấp Đồn đang đứng trước bãi rác của làng tại xã Yên Trung, Yên Phong, Bắc Ninh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bắc Ninh là tỉnh phát triển công nghiệp rất mạnh, thu ngân sách rất lớn, giàu có nhưng việc xây dựng nơi xử lý rác lại chưa bao giờ quan tâm. Phải nghiên cứu kỹ xem trong 3 - 5 năm ở 1 làng thu nhập của người dân là bao nhiêu và tổng chi phí để chữa bệnh của họ rồi tổng số người chết vì bệnh do ô nhiễm thì mới biết sự trả giá nó lớn đến thế nào. Còn bây giờ cứ để thế này thì không thấy gì cả.

Chỉ thấy xây dựng mạnh, đường sá tốt, các công trình công cộng mọc lên nhưng hàng ngày người dân phải đối diện với ô nhiễm môi trường, với bệnh tật thì lại không để ý đến. Chỉ có thể nói một điều là nhận thức không đầy đủ, thiếu tầm của người lãnh đạo và sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của họ trước đời sống của người dân. Nếu tìm hiểu kỹ thì tôi tin chắc rằng ở Bắc Ninh tỷ lệ người bị bệnh, người chết vì ung thư có lẽ sẽ cao.

Nam Định hồi công nhận NTM có sự châm chước về môi trường không khi các lò đốt rác cỡ nhỏ vẫn ngày ngày xả ra khí độc mà nhất là dioxin?

Giai đoạn đầu khi tỉnh Nam Định mà trước hết là huyện Hải Hậu làm NTM có 35 xã, thị trấn thì đã có 26 cái lò đốt rác mini do các cơ sở cơ khí trong nước sản xuất. Nhờ có lò đốt rác nên sông, kênh, rạch sạch sẽ, đường làng, ngõ xóm cũng sạch sẽ.

Tuy nhiên, khi xét chuẩn NTM  đã có một số nhà khoa học cảnh báo rằng các lò đốt này không đạt nhiệt độ 1.000oC mặc dù quảng cáo là 1.100 - 1.200oC. Như thế về lý thuyết sẽ sinh ra khí thải furan, dioxin rất nguy hại.

Nhưng mà bấy giờ chưa có điều kiện kiểm nghiệm nên không bắt buộc phải dừng. Thực tế, lò đốt rác giải quyết được vấn đề về cảm quan sạch sẽ và cái chính là đã trót xây dựng nên phải chấp nhận.

Các đồng chí lãnh đạo Hải Hậu lúc bấy giờ cũng bảo đây là giải pháp tình thế để chờ tỉnh có 1 nhà máy đốt rác quy mô hiện đại rồi thay thế. Nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa xây dựng được, còn các lò đốt mini thì vẫn tiếp tục gia tăng và hậu quả đã thấy rõ rồi.  

Lò đốt rác của xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lò đốt rác của xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đấy là một bài học. Nếu như bây giờ tính ra mỗi xã có một cái lò đốt rác mất khoảng 1 tỷ đồng không kể là hạ tầng cho nó nữa, nhân lên phạm vi toàn quốc đã là một khoản tiền khổng lồ đồng thời lại phải hứng chịu những chất độc hại nguy hiểm hơn cả việc chôn lấp. Bây giờ Nam Định cần phải làm nhà máy hiện đại, đảm bảo đủ tiêu chuẩn môi trường và phải tỉnh đầu tư chứ huyện không thể làm được. Tỉnh phải quy hoạch rồi đưa ra chính sách để kêu gọi doanh nghiệp vào cuộc. 

Làng xưa và làng nay

Ký ức của ông về làng quê như thế nào?

Trước năm 1990, hầu hết làng quê chưa giàu nhưng xanh và khá sạch. Tôi vẫn nhớ là làng tôi có rất nhiều cây to, hệ thống tiêu thoát nước tốt, nhiều ao hồ thả sen, thả muống cũng là nơi điều hòa nước khi mưa to, trữ nước quanh năm và rất ít rác.

Bây giờ đời sống công nghiệp nên rác nhiều hơn, không có chỗ để tập kết, xử lý. Thứ nữa là ý thức quá kinh khủng, cứ tiện đâu vứt đấy. Tôi nhớ là năm 2004, khi bấy giờ đang làm Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương đã cho khoan thử ở huyện Nam Sách, Kim Thành vài ngàn hố thăm dò chất lượng nước. Trước đó, những giếng khoan, giếng khơi sâu 12m là có nước sạch nhưng lúc bấy giờ đã khoan đến 18m mà có tới 70% bị nhiễm asen, không thể dùng được.

So với 10 năm trước thì nông thôn của chúng ta đã giàu hơn, nhà xây san sát, giao thông, điện nước, sinh hoạt, dịch vụ… tốt hơn rất nhiều. Nhưng xây dựng ở nông thôn đang tự phát, tùy tiện, bê tông hóa từng ngày. Ao hồ, rãnh tiêu nước bị san lấp, lấn chiếm để xây nhà bám sát đường. Tường rào xây cao bít kín. Chăn nuôi lớn, nhà xưởng lẫn trong khu dân cư. Ao tù, nước đọng và khó có dòng kênh nào còn sạch.

Một người dân bức xúc trước tình trạng mấy năm rồi rác không chuyển đi được ra khỏi các làng ở tỉnh Bắc Ninh. Ảnh Dương Đình Tường

Một người dân bức xúc trước tình trạng mấy năm rồi rác không chuyển đi được ra khỏi các làng ở tỉnh Bắc Ninh. Ảnh Dương Đình Tường

Con người sống trong môi trường độc hại không chỉ về không khí, mùi, nguồn nước mà còn cả sự nóng nực. Những nguy hại đấy hiện nay chúng ta chưa nhìn thấy rõ nhưng chỉ nhìn thấy một thực tế là hầu như bây giờ vùng nông thôn nào bệnh ung thư cũng quá phổ biến.

Chắc ngành y tế chưa có khảo cứu sâu về việc này nhưng mà các nhà nghiên cứu thậm chí các nhà báo cũng khảo sát thấy rằng tỷ lệ chết vì ung thư chiếm khoảng 25 - 27%/tổng ca tử vong.

Quê tôi cũng thế, trước đây xã Gia Xuyên thuộc huyện Gia Lộc (Hải Dương) giờ mới về thành phố, hầu như tháng nào cũng có người chết vì ung thư.  Đó cũng là một nơi ô rất nhiễm bởi nước thải công nghiệp chảy đến rồi thì nước thải chăn nuôi xả ra và rác vẫn ngập ngụa mặc dù đã được công nhận NTM.

Nhiều làng quê còn bức bí hơn cả đô thị. Càng giàu lại càng nhếch nhác. Nhiều người đặt câu hỏi rằng liệu phát triển hiện đại có mâu thuẫn với môi trường xanh, sạch, đẹp không? Nhưng theo tôi là không phải. Nhật Bản, Hà Lan là những nước giàu có, phát triển hiện đại hơn chúng ta nhiều chục lần nhưng nếu có đi khắp vùng nông thôn của họ sẽ chẳng kiếm đâu ra một nhà dân 3 tầng. Nhà nông thôn của họ tiện nghi đầy đủ, hiện đại nhưng chỉ thấp tầng, xung quanh là cây bóng mát, là hoa. Đường giao thông trải nhựa đến từng nhà nhưng không thẳng tắp mà có chỗ quanh co chỉ để tránh một cây to, một khối đá có sẵn bên đường hoặc qua ngầm con suối cạn.

Khắp nơi dường như không thấy rác. Hệ thống rãnh thoát nước thông suốt và trong vắt. Cây bóng mát, hoa cảnh là chủ đạo nên làng quê như ẩn mình, hài hòa với tự nhiên. Ở Nhật Bản nông thôn là nơi tham quan, nghỉ dưỡng của khách du lịch và người thành phố với khoảng 30 triệu lượt/năm. Còn chúng ta dường như nhiều người đang hiểu chưa đúng về NTM và khái niệm đô thị hóa nông thôn. Thực ra Việt Nam cũng đã có những mô hình tốt như Hà Tĩnh, Đồng Nai…nhưng rất chậm được nhân rộng.

Sự mơ hồ của cơ quan liên quan

Trách nhiệm của các Bộ, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng trong việc sát cánh cùng với Bộ NN-PTNT để xây dựng NTM làm sao cho xanh sạch, đẹp thế nào thưa ông?

NTM là chương trình phát triển tổng hợp đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Chính phủ và Ban chỉ đạo chương trình đã phân công trách nhiệm chính đối với từng nội dung, loại việc cho các cơ quan, tổ chức liên quan.

Ví dụ về môi trường nông thôn, để xử lý rác thải, nước thải thì xác định công nghệ nào, mô hình nào là hiệu quả, chính sách nào để thúc đẩy người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia? Đó phải là tham mưu chính từ Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Rất nhiều đề xuất của các ngành được Văn phòng Điều phối NTM tổng hợp, báo cáo nêu thành những vấn đề trong các hội thảo, tổng kết, luôn nhấn mạnh đến tác hại của ô nhiễm môi trường. Nhưng đáp ứng của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến nay là không đáng kể.

Thế rồi đánh giá tác động của việc chôn lấp rác, đánh giá tác động của các lò đốt rác mini như của Nam Định để công bố lên rồi nghiên cứu mà lựa chọn các công nghệ có thể áp dụng phải là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ở đồng bằng Bắc bộ, ở miền núi, ở Tây Nguyên hay vùng đồng bằng sông Cửu Long kênh rạch chằng chịt xử lý rác ra sao nhưng họ không trả lời rõ được chuyện đó.

Một người dân đang nhặt rác tại bãi của xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một người dân đang nhặt rác tại bãi của xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn việc xây dựng luật về quản lý xây dựng nông thôn, hướng dẫn xây dựng nhà đẹp, khuôn viên đẹp phù hợp với văn hóa các dân tộc, các vùng miền là trách nhiệm chính của Bộ Xây dựng.

Việc tổ chức thực hiện là trách nhiệm chính của cấp ủy và chính quyền các cấp, chủ yếu là tỉnh. Một lò quy mô, công suất đốt khoảng một vài ngàn tấn/ngày đối với tỉnh không quá lớn so với việc phân lô bán nền đang phổ biến hiện nay.

Bài liên quan

Tỉnh không nên bỏ tiền ra đầu tư hết để xây lò mà phải xã hội bằng cách dùng chính sách như cấp cho doanh nghiệp đất, giải phóng mặt bằng cho họ, xây dựng một số hạ tầng cơ bản. Còn lại các doanh nghiệp phải bỏ tiền ra mua máy móc, tổ chức quản lý và sản xuất.

Nếu bây giờ thu gom xử lý rác mà chỉ 5.000 đồng/khẩu/tháng thì không thu hút được doanh nghiệp nên phải nghiên cứu để thấy rằng bao nhiêu là vừa. Có thể, nơi nào tốt thì thu 5.000 - 6.000 đồng, nơi nào chưa được thì phải nâng lên 10.000 đồng. Các tỉnh phải có chiến lược đầu tư, phải kêu gọi doanh nghiệp và phải xử lý bằng được với mục tiêu là sạch rác…

Đáng tiếc là đến bây giờ chúng ta đã có hơn 10 năm xây dựng NTM, dù đã đạt được nhiều thành tựu to lớn nhưng vấn đề môi trường - cảnh quan nông thôn vẫn chậm tiến bộ, là nỗi bức xúc do tác động của các cơ quan chức năng trên còn mơ hồ.

Phải chăng chúng ta đang nợ nông dân một lời xin lỗi vì chưa đưa ra một mô hình mẫu về xử lý rác thải, nước thải để nông thôn ngày một bẩn, bệnh tật ngày một nhiều?

Lời xin lỗi là quá nhẹ. Tôi nghĩ phải nói một cách đầy đầy đủ hơn là chúng ta đang có tội với nông dân vì chính họ tạo ra cái ăn để nuôi sống xã hội. Nông dân họ cũng đang hi sinh ruộng vườn cho phát triển công nghiệp, đô thị.

Nông thôn là nơi chúng ta phải đền ơn, đáp nghĩa vì đó vốn là cái nôi của cách mạng, là nơi cung cấp lực lượng chính trong các cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc, là nơi cung cấp lao động chủ yếu cho các ngành kinh tế.

Bây giờ chúng ta có điều kiện kinh tế hơn mà vẫn để người dân sống chung với ô nhiễm và bệnh tật như thế là có tội và ý nghĩa của công cuộc xây dựng NTM cũng hạn chế đi nhiều. Bây giờ phân loại hữu cơ và vô cơ, ở nông thôn còn làm một cái hố chôn trong vườn được chứ ở đô thị phân loại xong rồi cuối cùng tất cả lại đổ rác vào bãi rác? Công ty xử lý không biết làm gì với các túi đã được phân loại nên chỉ được vài hôm là tan?

Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, tôi đã đến rất nhiều gia đình ở các vùng quê thì thấy hệ thống thoát nước rất to, xóm nào làng nào cũng có những hệ thống thoát nước hở như một thứ tạo cảnh quan, rộng đến 3 - 4m, nước chảy trong veo, cá tung tăng bơi lội, không hề có mùi. Tất cả là nhờ mỗi gia đình đều làm hầm biogas 4 ngăn, nước thải đều chảy qua đấy, đến ngăn thứ ba, thứ tư là trong. Nhật Bản họ đi kiểm tra liên tục xem các nhà có đủ tiêu chuẩn không nên nước chảy ra từ các hầm biogas tưới luôn cho nông nghiệp. Việt Nam mình tại sao không làm được điều đó, mà đâu có tốn kém?

Việc phân loại rác phụ thuộc vào dân trí và trình độ tổ chức quản lý của đơn vị xử lý rác. Để phân loại tốt thì phải cả một quá trình giáo dục đưa vào từ trường phổ thông dần dần mới tạo thành ý thức. Phải lâu dài và phải quyết liệt.

Mô hình phân loại ở Hà Tĩnh là câu trả lời cho việc đó. Nhiều hộ ở nông thôn có vườn nhưng nhiều hộ khác lại không có vườn thì những hộ không có vườn phân loại rác để hợp tác xã đến lấy giao cho những hộ có vườn chôn xuống thành phân hữu cơ. Rác dạng vô cơ, không thể tiêu huỷ chỉ chiếm khoảng 20 - 25% nên xử lý sẽ gọn và đơn giản hơn không phân loại rất nhiều.

Nhưng nếu chờ để dân mình họ khôn cả như thế, phân loại rác đầy đủ như thế thì rác đã ngập hết rồi nên phải ứng dụng nhiều cách. Hiện nay Hà Tĩnh cũng đang thử nghiệm một phương pháp nữa là lò đốt nhưng phân loại ngay ở khu xử lý…

Theo tôi Trung ương có chính sách nền, mỗi địa phương căn cứ vào đó lại bổ sung thêm chính sách riêng.  Làm sao mỗi xã, mỗi thôn có hợp tác xã hoặc tổ hợp tác chuyên về  môi trường gồm xử lý rác thải, nước thải, tôn tạo hệ thống kênh rạch rồi chỉnh sửa cây, trồng cây. 

Điều mong ước

Vậy, nếu có thể nói khái quát nhất thì để có một nông thôn xanh, sạch đẹp cần phải làm gì thưa ông?

Tôi mong muốn giai đoạn 2021 - 2025 NTM sẽ tập trung tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xử lý rác thải, nước thải nông thôn. Bởi nước ta có nhiều vùng kinh tế, sinh thái khác nhau nên việc xử lý cũng phải tùy đặc điểm từng vùng.

Ví dụ đối với miền núi hay Tây Nguyên vẫn có thể áp dụng hình thức chôn lấp tập trung hợp vệ sinh là chính còn các vùng đồng bằng đông dân không có đất chôn lấp phải áp dụng công nghệ đốt hiện đại. Mà muốn hiện đại chỉ có cấp tỉnh.

Đối với nước thải sinh hoạt trước hết phải có quy định chuyển hết các xưởng sản xuất, chế biến, các cơ sở chăn nuôi gia trại ra khỏi khu dân cư. Còn chăn nuôi hộ 1 - 2 con trâu, bò, 2 - 3 con lợn, vài ba chục con gia cầm phải làm hầm biogas tương thích. Các hộ bình thường cũng vẫn cần hố biogas 4 ngăn trước khi xả vào hệ thống cống rãnh của làng.

Một bãi rác làng đang bốc cháy ở xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một bãi rác làng đang bốc cháy ở xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từng bước tạo cảnh quan xanh đẹp từ các công trình công cộng và từ mỗi hộ. Phải có luật để hướng dẫn xây dựng, quản lý xây dựng ở nông thôn. Trên cơ sở yêu cầu đó, các cơ quan liên quan sẽ xác định công nghệ, mô hình tổ chức, quản lý, chính sách, luật để thực hiện.

Đồng thời cần có hướng dẫn chi tiết, thiết thực phương pháp đánh giá đúng thực chất tiêu chí môi trường khi xét đạt chuẩn NTM ở cấp xã, huyện, tỉnh. Tôi đề xuất giải quyết, tạo chuyển biến mạnh mẽ vấn đề môi trường nông thôn phải là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Xin cảm ơn ông!

Trước đây khi hình thành các cụm dân cư đều có hệ thống thoát nước rất tự nhiên nhưng qua quá trình phát triển kinh tế và quản lý thấp kém nên người ta lấn chiếm, huỷ hoại hết. Không kể là hồ, ao - những cỗ máy điều hoà sinh thái. Trong NTM mỗi làng, mỗi xã đều phải tôn tạo lại ao hồ nhưng điều đó chỉ rơi vào sự im lặng, nhiều nơi vẫn tiếp tục san lấp. Việc xử lý nước thải khác với rác, không nhất thiết phải quy mô tập trung mà thôn nào, làng nào đều phải tự xử lý.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.