Ghi nhận tại vùng trồng chuối trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc tại huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), các hộ trồng chuối đang tất bật dọn vườn, chặt bỏ những cây đã cho thu hoạch, kém phát triển, tiến hành bọc nilon che chắn, bảo vệ các buồng chuối... sẵn sàng thu hoạch trong vài ngày tới để cung cấp cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.
Đang cần mẫn bọc từng chiếc nilon tránh sương muối cho những buồng chuối, bà Đoàn Thị Hằng, thôn Nhật Chiêu II, xã Liên Châu (Yên Lạc) hào hứng chia sẻ: Gia đình bà có 2 mẫu trồng chuối, từ đầu tháng 12 âm lịch, các thương lái đã về thăm vườn và đặt tiền cọc thu mua toàn bộ để bán dịp Tết. Những buồng chuối đẹp được thương lái dùng vôi trắng đánh dấu ở đầu cuống, đến ngày 22 - 23/12 (âm lịch) sẽ tiến hành thu hoạch.
Bà Hằng thông tin: Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sức mua của thị trường suy giảm. Tuy nhiên, việc tiêu thụ chuối của gia đình vẫn diễn ra thuận lợi, giá bán vụ chuối Tết năm nay không có biến động nhiều so với những năm trước. Hiện, chuối bán ngày bình thường có giá trung bình từ 80.000 - 120.000 đồng/buồng, chuối bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán có giá cao hơn, khoảng 250.000 đồng/buồng.
“Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, cả gia đình mất ăn mất ngủ vì lo bao nhiêu công sức, chi phí đầu tư chăm sóc chuối bỏ ra mà không tiêu thụ được thì coi như mất trắng. Nhưng đến hiện tại thì đã thở phào nhẹ nhõm”, bà Hà mãn nguyện.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Cúc, thôn Kim Lân, xã Hồng Châu (Yên Lạc) cũng không giấu được niềm vui khi lứa chuối bán Tết của gia đình đã được thương lái đặt cọc 100 triệu đồng thu mua.
Ông Cúc cho biết: Trên diện tích 5 mẫu, gia đình ông luân phiên gối lứa để liên tục có chuối bán ra thị trường, hiện tại trong vườn có hơn 6.000 cây chuối, trong đó chuối tiêu hồng 4.000 cây, chuối tây 2.000 cây.
Theo ông Cúc, trồng chuối bán Tết không lo bị lỗ, giá bán cũng cao gấp đôi, gấp ba ngày thường. Thời điểm dịch bệnh căng thẳng, việc tiêu thụ khó khăn nên gia đình phải bán chạy chuối với giá 2.000 - 2.500 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện tại việc tiêu thụ đã thuận lợi hơn rất nhiều.
"Thương lái cũng có nhiều hình thức thu mua với nhiều mức giá khác nhau cho từng loại chuối: Với chuối tiêu hồng, nếu mua theo kg hiện có giá từ 6.000 - 7.000 đồng/kg; nếu bán theo buồng, gia đình tự cắt mang ra chợ bán sẽ có giá 130.000 - 140.000 đồng/buồng, thương lái vào vườn chọn thu mua có giá 170.000 - 190.000 đồng/buồng.
Đối với chuối tây, hiện có giá 100.000 - 110.000 đồng/buồng, búp quả 7.000 - 10.000 đồng/búp. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán khi chuối tây bước vào giai đoạn chính vụ giá sẽ tăng lên khoảng 200.000 - 210.000 đồng/buồng", ông Cúc cho hay.
Ông Cúc thông tin thêm, để có những buồng chuối Tết đẹp, người trồng chuối phải nắm rõ quy luật sinh trưởng, phát triển của cây và theo sát diễn biến của thời tiết để có biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả, chằng chống kịp thời tránh đổ ngã khi thời điểm có mưa bão xảy ra...
Thông thường, sau khi thu hoạch chuối Tết xong, người trồng chuối sẽ đốn cây, dọn vườn, đảo đất để rằm tháng 2 âm lịch trồng cây chuối mới. Đến kỳ chuối trỗ buồng sẽ tiến hành bọc nilon và bao che cho quả đỡ bị rám, muội, giữ mã đẹp đến khi thu hoạch….
Bà Phạm Thị Minh, thương lái địa phương chuyên thu mua chuối cho biết: Gía bán chuối năm nay không có nhiều biến động so với mọi năm, nhưng lại có nhiều mức giá khác nhau tùy từng vườn, chất lượng quả.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhà hàng, quán ăn, lễ hội, đình đám… bị hạn chế nên sức ăn của thị trường giảm. Tuy nhiên, do diện tích người dân trồng cũng giảm nên giá bán chuối không có sự đột biến mà vẫn ở mức như mọi năm.
“Hiện, đã có rất nhiều bạn hàng từ các tỉnh liên hệ đặt vấn đề thu mua, tuy nhiên để đánh giá chính xác số lượng, sức tiêu thụ của thị trường thì phải từ ngày 22 âm trở đi”, bà Minh đánh giá.
Bà Bùi Thị Tuyết, cán bộ phụ trách nông nghiệp (UBND xã Liên Châu) cho biết: Tổng diện tích chuối các loại trên địa bàn xã 70 ha, trong đó chuối tiêu hồng 30 ha, chuối tây 40 ha, năng suất ước đạt 300 tạ/ha. Theo thông tin từ các thôn, tình hình tiêu thụ chuối của người dân diễn ra thuận lợi, hầu hết các vườn chuối đã được các thương lái đặt hàng thu mua.
Cũng theo bà Tuyết, diện tích trồng chuối của người dân trên địa bàn xã giảm là do bệnh vàng lá trên cây chuối đang có chiều hướng gia tăng làm nhiều diện tích bị lụi cây, chết, người dân phải chặt bỏ, một số diện tích đã được người dân chuyển sang trồng cỏ voi... trong thời gian từ 1 - 2 năm nhằm luân canh, cải tạo đất rồi mới quay trở lại trồng chuối.
Bên cạnh đó, hai năm qua dịch bệnh diễn biến phức tạp làm thị trường biến động liên tục, nên tâm lý người dân lo lắng gieo trồng sẽ khó tiêu thụ và đã chủ động giảm diện tích, vừa trồng vừa nghe ngóng tình hình.